Giải đáp pháp luật
Trang chủ / Pháp luật / Giải đáp pháp luật
Giải đáp về xuất khẩu lao động
05:01 PM 25/08/2016
Hỏi: Xin hỏi người lao động cần đáp ứng các điều kiện gì để được đi làm việc ở nước ngoài?

Nguyễn Văn Nam (Diễn Châu, Nghệ An)

Trả lời:
Theo quy định hiện hành, người lao động cần đáp ứng đủ các điều kiện sau để được đi làm việc ở nước ngoài:
            - Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
            - Tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài;
            - Có ý thức chấp hành pháp luật, tư cách đạo đức tốt;
            - Đủ sức khoẻ theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động;
            - Đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề và các điều kiện khác theo yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động;
            - Được cấp chứng chỉ về bồi dưỡng kiến thức cần thiết;
            - Không thuộc trường hợp cấm xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.


Hỏi: Xin cho biết hiện có những hình thức XKLĐ như thế nào và người lao động phải nộp hồ sơ đăng ký ở đâu?

Vũ Văn Quý (Yên Thế, Bắc Giang)

Trả lời:
Theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, có 4 hình thức XKLĐ chủ yếu sau đây:
1. Thông qua doanh nghiệp hoạt động dịch vụ, tổ chức sự nghiệp được phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Hình thức này được thực hiện bởi các doanh nghiệp được Bộ LĐTBXH cấp Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Doanh nghiệp khai thác hợp đồng cung ứng lao động, đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, tổ chức tuyển chọn người lao động, đưa và quản lý người lao động ở ngoài nước. Đây là hình thức phổ biến nhất, được nhiều người lao động lựa chọn nhất khi đi làm việc ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, Luật quy định tổ chức sự nghiệp tham gia hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là để thực hiện các thoả thuận hoặc điều ước quốc tế ký kết với phía nước tiếp nhận lao động về việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Các tổ chức sự nghiệp là tổ chức công, thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và được thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ giao nhiệm vụ. Hiện tại, chỉ có duy nhất Trung tâm Lao động ngoài nước (Colab) là tổ chức sự nghiệp được giao nhiệm vụ thực hiện việc tuyển chọn và đưa người lao động đi làm việc ở Hàn Quốc theo chương trình EPS.
2. Thông qua doanh nghiệp nhận thầu, tổ chức, cá nhân đầu tư ở nước ngoài  
Các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân Việt Nam, trúng thầu ở nước ngoài, đưa người lao động của doanh nghiệp mình đi làm việc ở các công trình trúng thầu ở nước ngoài hoặc là các tổ chức, cá nhân của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, đưa người lao động Việt Nam sang làm việc tại cơ sở sản xuất, kinh doanh do tổ chức, cá nhân này đầu tư thành lập ở nước ngoài.
Người lao động đi theo hình thức này phải là người lao động đã có hợp đồng lao động với doanh nghiệp và chỉ đi làm việc tại các công trình trúng thầu hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh do tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập ở nước ngoài.
3. Thông qua doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề
 Đây là hình thức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài mới được đưa vào điều chỉnh trong Luật. Hình thức này xuất hiện tượng đối nhiều trong những năm qua tại các doanh nghiệp, nhất là ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Điều kiện để đi làm việc theo hình thức này ngoài những điều kiện cơ bản đã nêu ở trên thì người lao động phải là người đã có hợp đồng lao động ký với doanh nghiệp đưa đi và ngành, nghề người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức này phải phù hợp với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
4. Người lao động tự đi theo hình thức hợp đồng cá nhân
Đây là hình thức mà người lao động ký Hợp đồng trực tiếp với chủ sử dụng, không thông qua bên trung gian môi giới. Sau đó, người lao động trực tiếp đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi thường trú hoặc Cục Quản lý lao động ngoài nước để đăng ký hợp đồng cá nhân và khi làm việc ở nước ngoài thì đăng ký công dân với Cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước sở tại.

Hỏi: Người lao động nếu đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng cá nhân thì sẽ phải đăng kí hợp đồng cá nhân ở đâu và hồ sơ gồm các giấy tờ gì? Nếu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân, tôi sẽ có quyền và nghĩa vụ gì?

Lê Thế Đức (Nho Quan, Ninh Bình)

Trả lời:
Thông thường, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhận trực tiếp đến Sở Lao động – Thương binh và Xó hội nơi người lao động cư  trú để đăng ký hợp đồng. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải cấp Giấy xác nhận đăng ký Hợp đồng cá nhân theo mẫu quy định, nếu không chấp thuận phải trả lời và nêu rõ lý do bằng văn bản.
  Riêng trường hợp đi làm việc ở Đài Loan, người lao động có thể đến Cục Quản lý lao động ngoài nước để đăng ký hợp đồng cá nhân.
- Hồ sơ đăng ký Hợp đồng cá nhân bao gồm:
a) Đơn đăng ký Hợp đồng cá nhân theo mẫu;
b) Bản sao Hợp đồng cá nhân, có bản dịch bằng tiếng Việt có xác nhận của tổ chức dịch thuật;
c) Bản chụp Giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu;
d) Sơ yếu lí lịch có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thường trú hoặc của cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người lao động và nhận xét về ý thức chấp hành pháp luật, tư cách đạo đức của người lao động.
Theo quy định của pháp luật, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân có quyền và nghĩa vụ sau:
Về quyền:
- Được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Việt Nam về người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
- Được cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc, pháp luật và thông lệ quốc tế trong thời gian làm việc ở nước ngoài; được tư vấn, hỗ trợ để thực hiện các quyền và hưởng các lợi ích quy định trong Hợp đồng cá nhân.
- Hưởng các quyền lợi từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của pháp luật.
- Được chuyển về nước tiền lương, tiền công, thu nhập và tài sản khác của cá nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận người lao động.
- Được gia hạn Hợp đồng hoặc ký Hợp đồng lao động mới phù hợp với quy định pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc.
Người lao động có nghĩa vụ:
+  Đăng ký Hợp đồng cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 52 của Luật số 72/2006/QH11. Người lao động có thể đăng ký hợp đồng cá nhân tại Sở Lao động- Thương binh và Xã hội ở địa phương nơi cư trú hoặc tại Cục Quản lý lao động ngoài nước.
+  Tìm hiểu các quy định của pháp luật có liên quan.
+  Tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc.
+  Thực hiện đúng Hợp đồng cá nhân và nội quy nơi làm việc.
+  Chịu trách nhiệm về những thiệt hại do vi phạm hợp đồng đã ký theo quy định pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc.
+  Tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật Việt Nam và các hình thức bảo hiểm theo quy định pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc.
+  Nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc.
+  Đóng góp vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của Luật này.
+  Đăng ký công dân tại cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam tại nước mà người lao động đến làm việc.

Hỏi: Tại một số thị trường đòi hỏi phải có giấy phép lao động. Vậy xin hỏi Giấy phép lao động là gì?

Trần Thị Tuyết (Ý Yên, Nam Định)

Trả lời:
Giấy phép lao động là sự cho phép của nước tiếp nhận để bạn đến làm việc tại nước của họ. Giấy tờ cho phép này là rất quan trọng vì nhiều khi, thị thực chỉ cho phép các cá nhân nhập cảnh tới một nước khác chứ không cho phép họ được làm việc tại đây. Giấy phép lao động là giấy tờ chứng minh sự cho phép của nước sở tại để bạn được làm việc.
Có thể phải mất chi phí để được cấp giấy phép lao động. Bạn cần hỏi rõ công ty tuyển dụng về số tiền mà người lao động di cư phải trả để được cấp giấy phép lao động và phí theo quy định của nước tiếp nhận là bao nhiêu trước khi quyết định ký hợp đồng dịch vụ với họ. Giấy phép lao động có thể kèm theo một số điều kiện liên quan đến việc làm, đến các thông tin về chủ sử dụng lao động. Đôi khi, điều kiện của giấy phép lao động là người lao động không được thay đổi việc làm trong thời gian làm việc tại nước tiếp nhận. Riêng đối với Malaysia, người lao động nước ngoài làm việc tại Malaysia được yêu cầu luôn phải mang theo giấy phép lao động để chứng minh rằng họ làm việc hợp pháp tại Malaysia.
Cục Quản lý lao động ngoài nước
TAG:
Tin khác
Đánh giá tác động kinh tế của dự thảo Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường
Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật 2024: Chung tay tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp
Bắt giữ, xử lý hơn 12,9 nghìn vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan
Công an TP. HCM triệt phá thành công đường dây mua bán trẻ sơ sinh quy mô lớn
Ý kiến đa chiều xung quanh Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với rượu, bia và nước giải khát có đường
Triển khai Chiến dịch Con Rồng Mê Kông 6 về chống buôn bán bất hợp pháp ma tuý, động vật, thực vật hoang dã
5 tháng đầu năm 2024, ngành Hải quan phát hiện, bắt giữ và xử lý 6.256 vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại
Tổng cục Hải quan và Cơ quan Bảo vệ Biên giới Australia hội đàm song phương và ký Kế hoạch hợp tác điều tra
Cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới quy trình xây dựng văn bản qui phạm pháp luật để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn