Giải đáp pháp luật
Trang chủ / Pháp luật / Giải đáp pháp luật
Giải đáp các thắc mắc về kỳ thi tiếng Hàn lần thứ 11 ngành sản xuất chế tạo
10:05 AM 07/09/2016
Trong 2 ngày 08 và 9/10/2016 tới đây, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam sẽ tổ chức kỳ thi tiếng Hàn lần thứ 11 năm 2016 ngành sản xuất chế tạo cho người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS). Dưới đây là phần trả lời về các thắc mắc của người lao động từ Trung tâm Lao động Ngoài nước xung quanh kỳ thi này.
Câu hỏi 1: Để được đăng ký tham dự kỳ kiểm tra tiếng Hàn lần thứ 11, tôi cần đáp ứng những điều kiện gì?
Trả lời: 
Theo thông báo về kỳ thi tiếng Hàn lần thứ 11 năm 2016 dành cho người lao động có nguyện vọng đăng ký đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, anh/chị cần đáp ứng những điều kiện sau:
- Tuổi từ 18 – 39 (có ngày sinh từ 17/8/1976 đến 16/8/1998)
- Có đủ sức khỏe đi làm việc tại nước ngoài theo quy định, trong đó lưu ý tới 4 bệnh truyển nhiễm, gồm: Viên gan B, Lao phổi, Giang mai và HIV.
- Không có tiền án, tiền sự theo quy định của pháp luật.
- Không thuộc diện bị cấm xuất cảnh Việt Nam hoặc bị cấm nhập cảnh Hàn Quốc.
- Không phải là lao động có hộ khẩu thường trú tại 44 quận/huyện bị tạm dừng tuyển chọn trong năm 2016 theo thông báo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (trừ trường hợp lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước trong khoảng thời gian từ 1/4 đến 30/9/2016).
- Không có người thân (bố/mẹ/con đẻ; anh/chị/em ruột; vợ/chồng) đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Câu hỏi 2: Khi làm thủ tục đăng ký dự thi tiếng Hàn tôi cần mang theo những giấy tờ gì?
Trả lời:
Khi đến địa điểm đăng ký thi tiếng Hàn theo thông báo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nơi cư trú, anh/chị cần mang theo những giấy tờ sau:
- Hộ khẩu bản chính để đối chiếu.
- Giấy CMND (hoặc Thẻ căn cước công dân) kèm theo 01 bản photo mặt trước để dán vào đơn đăng ký dự thi.
- 02 ảnh cỡ 3,5 cm x 4,5 cm (ảnh phải mới chụp trong vòng 3 tháng, nhìn rõ mặt, khuyến cáo không nên photoshop dẫn đến khác biệt so với khuôn mặt).
- Đối với lao động bất hợp pháp tự nguyện về nước trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2016 đến ngày đăng ký thi tiếng Hàn cần mang theo Hộ chiếu có dấu xác nhận xuất cảnh Hàn Quốc và nhập cảnh Việt Nam.
Ngoài việc chuẩn bị các giấy tờ trên, người lao động cần tìm hiểu kỹ các điều kiện đối với người lao động được tham gia chương trình EPS theo thông báo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Câu hỏi 3: Tôi có anh trai là lao động đã cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, vậy tôi có được tham gia chương trình EPS không?
Trả lời:
Theo quy định, người thân của lao động được xác định là (bố/mẹ/con đẻ; anh/chị/em ruột; vợ/chồng), như vậy trường hợp của bạn sẽ có 2 tình huống sau:
- Anh trai của anh (chị) đã về nước và anh (chị) không có hộ khẩu thường trú tại 44 quận/huyện bị tạm dừng tuyển chọn thì anh (chị) vẫn được tham gia chương trình EPS.
- Anh trai của anh (chị) chưa về nước thì anh (chị) không được tham gia chương trình EPS. Nếu cố tình đăng ký thi thì hồ sơ cũng sẽ không phía Hàn Quốc giới thiệu cho các doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn.

Câu hỏi 4: Nếu tôi thi đạt tiếng Hàn, tôi có bắt buộc phải đăng ký thi tay nghề không ? và chứng chỉ tiếng Hàn của tôi có thời hạn bao lâu ?
Trả lời:
- Anh (chị) không bắt buộc phải dự thi tay nghề. Tuy nhiên, nếu phía Hàn Quốc tổ chức thi tay nghề, thông tin về kết quả kiểm tra tay nghề của anh (chị) sẽ là điểm để các doanh nghiệp Hàn Quốc ưu tiên lựa chọn, ký hợp đồng.
- Thời hạn hiệu lực của chứng chỉ tiếng Hàn để đăng ký đi làm việc tại Hàn Quốc là 2 năm.

Câu hỏi 5: Tôi phải đạt bao nhiêu điểm mới đỗ trong kỳ thi tiếng Hàn lần thứ 11?
Trả lời:
Điểm số đạt yêu cầu trong các kỳ thi tiếng Hàn được tính theo theo nguyên tắc lấy từ người có điểm cao nhất (tối đa 200 điểm) xuống trong số những người đạt từ 80 điểm trở lên.
Số lượng đạt yêu cầu trong kỳ thi lần thứ 11 năm 2016 là 2.100 người theo nguyên tắc nêu trên.

Câu hỏi 6: Cho tôi hỏi người lao động cần có tiêu chuẩn sức khỏe như thế nào mới được tham gia chương trình EPS ?
Trả lời:
- Tiêu chuẩn đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS nói riêng và đi làm việc tại nước ngoài nói chung được quy định trong thông tư số 14/2013/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 6/5/2013, trong đó các tiêu chuẩn cơ bản về chiều cao, cân nặng và không mắc các loại bệnh theo quy định, điển hình nhất là 4 bệnh truyền nhiễm gồm: Viêm gan B, HIV, giang mai, lao phổi.
- Trung tâm Lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động cần kiểm tra sức khỏe trước khi quyết định đi học tiếng Hàn và đăng ký thi tiếng Hàn, tránh lãng phí thời gian và chi phí.

Câu hỏi 7: Tôi là lao động từng cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nhưng đã tự nguyện về nước, tôi có được đăng ký thi tiếng Hàn và đi lại Hàn Quốc không?
Trả lời:
- Theo Thông báo của phía Hàn Quốc, những người lao động Việt Nam đã từng cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, nếu tự nguyện về nước trong khoảng thời gian từ ngày 01/04/2016 đến ngày 30/09/2016 sẽ được Bộ Tư pháp Hàn Quốc xem xét về việc cấp visa trong khuôn khổ Chương trình EPS vả được Bộ Việc làm, Lao động Hàn Quốc cho phép đăng ký dự thi tiếng Hàn.
- Đối với người lao động đã cư trú bất hợp pháp nhưng tự nguyện về nước không nằm trong khoảng thời gian nêu trên, có thể không bị xử phạt nhưng sẽ không được Bộ Tư pháp Hàn Quốc cấp visa nhập cảnh theo quy định của Pháp luật Hàn Quốc.

Câu hỏi 8: Vì lí do bất khả kháng tôi không thể đến trực tiếp đăng ký dự thi, tôi có thể nhờ người thân đăng ký thay được không ?
Trả lời:
- Để đảm bảo người lao động đăng ký dự thi tiếng Hàn đúng đối tượng, phòng tránh các hành vi gian lận, môi giới lừa đảo, người lao động cần trực tiếp mang các giấy tờ cần thiết đến địa điểm tiếp nhận đăng ký ở địa phương nơi cư trú dài hạn (thời gian cư trú tối thiểu 01 năm trở lên) để đăng ký dự thi tiếng Hàn.
- Trong trường hợp bất khả kháng do bệnh tật, ốm đau hoặc lý do khách quan khác, người lao động có thể ủy quyền cho người thân (bố/mẹ/con đẻ; anh/chị/em ruột; vợ/chồng) đến đăng ký và phải có Giấy ủy quyền có xác nhận của chính quyền địa phương.

Câu hỏi 9: Tôi nghe nói sẽ có kỳ thi ngành ngư nghiệp/nông nghiệp, vậy tôi có được đăng ký thi ngành đó không ?
Trả lời:
Mỗi kỳ thi sẽ có điều kiện về đối tượng dự thi riêng, tuy nhiên nếu bạn muốn đăng ký tham gia kỳ thi ngư nghiệp bạn phải đáp ứng yêu cầu cơ bản sau:
- Cư trú tại các địa phương ven biển
- Có khả năng và kinh nghiệm trong lĩnh vực đánh bắt thủy sản.
Trong năm 2016 dự kiến tổ chức kỳ thi tiếng Hàn cho lao động ngành ngư nghiệp vào tháng 11/2016, còn ngành nông nghiệp hiện chưa có kế hoạch.

Câu hỏi 10: Nếu tôi đã thi đạt yêu cầu tiếng Hàn, khi đăng ký dự thi tôi sử dụng CMT, sau đó tôi bị mất và phải làm lại nhưng chuyển thành thẻ căn cước theo quy định mới. Vậy hồ sơ đăng ký dự tuyển đi làm việc Hàn Quốc của tôi có được chấp nhận không ?
Trả lời:
Việc thay đổi CMT thành thẻ căn cước là quyền công dân và thực hiện theo quy định của pháp luật, không ảnh hưởng tới việc hoàn thiện hồ sơ đăng ký dự tuyển theo Chương trình EPS của người lao động. Tuy nhiên, sau khi thay đổi CMT, đề nghị anh/chị thông báo cho TTLĐNN để phục vụ việc quản lý thông tin của người lao động.

Câu hỏi 11: Tôi xin hỏi rõ hơn về việc chuyển hộ khẩu giữa các địa phương bị hạn chế và địa phương không bị hạn chế dự thi tiếng Hàn ?
Trả lời:
- Nếu người lao động chuyển khẩu từ nơi bị hạn chế dự thi đến địa phương không bị hạn chế dự thi tiếng Hàn (thời gian từ đủ 12 tháng trở lên) sẽ được đăng ký dự thi tiếng Hàn. Tuy nhiên, ngoài điều kiện về thời gian cư trú trên, người lao động cần phải nộp các giấy tờ khác để hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Trong quá trình kiểm tra hồ sơ, nếu không đủ căn cứ chứng minh về việc cư trú đúng với khai báo, hồ sơ sẽ không được phía Hàn Quốc chấp nhận.
- Nếu người lao động chuyển hộ khẩu từ nơi khác đến địa phương bị hạn chế thì cũng không được đăng ký dự thi.

Câu hỏi 12: Cho tôi hỏi ngoài khoản tiền lệ phí thi như thông báo, tôi có phải nộp loại tiền gì nữa không ? Nếu thi đạt tiếng Hàn thì phải đóng tiếp các khoản chi phí nào?
Trả lời:
- Người lao động khi đến đăng ký dự thi tiếng Hàn lần thứ 11 sẽ đóng khoản tiền là 550.000 VNĐ tại nơi tổ chức đăng kí dự thi. Ngoài ra, người lao động không phải đóng bất cứ khoản tiền nào khác ngoài khoản tiền lệ phí dự thi nêu trên.
- Trong trường hợp người lao động thi đạt và được doanh nghiệp sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn, ký hợp đồng lao động, người lao động có trách nhiệm đóng các khoản tiền theo quy định của chương trình như sau:
+ Nộp số tiền Việt Nam tương đương 630 USD (theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội).
+ Người lao động thực hiện ký quỹ tại phòng giao dịch hoặc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội nơi người lao động cư trú hợp pháp với số tiền là 100 triệu đồng
+ Nộp các khoản tiền theo quy định tại nơi tổ chức xuất cảnh gồm:
Khám sức khỏe: 315.000đ/nam, 345.000đ/nữ
Trang phục: 280.000đ/mùa hè, 300.000đ/mùa đông
Tham gia Quỹ HTVLNN: 100.000đ
Phí dịch vụ an ninh sân bay: 10,5 USD (quy đổi ra VNĐ)
- Chuẩn bị 500 USD (bằng tiền USD) để mua Bảo hiểm rủi ro và bảo hiểm hồi hương sau khi nhập cảnh Hàn Quốc

Câu hỏi 13: Tôi đã nộp lệ phí dự thi tiếng Hàn nhưng không muốn tham gia nữa, tôi có được hoàn lại lệ phí không? Thủ tục như thế nào?
Trả lời:
Người lao động không còn nguyện vọng thi và muốn nhận lại chi phí dự thi đã nộp, người lao động phải thông báo với Sở LĐ-TB và XH hoặc Trung tâm Dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động đăng ký dự thi. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội/Trung tâm Dịch vụ việc làm nơi người lao động đăng ký dự thi sẽ có trách nhiệm hoàn trả chi phí dự thi cho người lao động trước khi chốt danh sách, số lượng người đăng ký dự thi và chuyển về Trung tâm Lao động ngoài nước. Sau thời gian đăng ký dự thi sẽ không hoàn trả lại lệ phí dự thi.
TRUNG TÂM LAO ĐỘNG NGOÀI NƯỚC

TAG:
Tin khác
Đánh giá tác động kinh tế của dự thảo Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường
Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật 2024: Chung tay tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp
Bắt giữ, xử lý hơn 12,9 nghìn vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan
Công an TP. HCM triệt phá thành công đường dây mua bán trẻ sơ sinh quy mô lớn
Ý kiến đa chiều xung quanh Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với rượu, bia và nước giải khát có đường
Triển khai Chiến dịch Con Rồng Mê Kông 6 về chống buôn bán bất hợp pháp ma tuý, động vật, thực vật hoang dã
5 tháng đầu năm 2024, ngành Hải quan phát hiện, bắt giữ và xử lý 6.256 vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại
Tổng cục Hải quan và Cơ quan Bảo vệ Biên giới Australia hội đàm song phương và ký Kế hoạch hợp tác điều tra
Cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới quy trình xây dựng văn bản qui phạm pháp luật để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn