An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Gia Lai: Tăng cường cải cách chính sách bảo hiểm xã hội
02:23 PM 08/11/2021
(LĐXH) - Sau hơn 3 năm triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp cũng như nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao.
Đẩy mạnh giao dịch trực tuyến
Theo báo cáo của BHXH tỉnh Gia Lai, tính đến hết quý III-2021, toàn tỉnh có 89.502 lao động tham gia BHXH, chiếm 12,9% lực lượng lao động, trong đó, nông dân trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện là 13.333 người, chiếm khoảng 1,92%; có 63.930 lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), chiếm 9,2%. Công tác đảm bảo quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách luôn được BHXH tỉnh thực hiện kịp thời, đúng quy định. Đặc biệt, với phương thức quản lý hiện đại, hoạt động của toàn hệ thống BHXH tỉnh đã được đổi mới theo hướng phục vụ, đẩy mạnh giao dịch điện tử, tăng cường sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, thanh toán trực tuyến, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHTN.
Giao dịch thủ tục hành chính tại BHXH tỉnh Gia Lai
Đặc biệt, năm 2021, việc triển khai ứng dụng VssID-BHXH số đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Theo đó, người cài đặt và sử dụng ứng dụng có thể quản lý, kiểm soát quá trình tham gia, thụ hưởng; thực hiện các dịch vụ trên ứng dụng; sử dụng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) trên ứng dụng VssID để đi khám-chữa bệnh, đăng ký nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ; thực hiện tích hợp, liên thông các phần mềm trên tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ cung cấp thông tin, dữ liệu để phục vụ hoạt động phòng-chống dịch bệnh tại các địa phương... “Ngành BHXH đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, vượt qua nhiều khó khăn để có những bước tiến mạnh mẽ, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, qua đó tạo điều kiện thuận lợi, tiện ích cho người dân, doanh nghiệp; góp phần tạo niềm tin và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong 3 năm (2018-2020), BHXH tỉnh luôn nằm trong tốp 3 đơn vị đứng đầu về chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành”-Phó Giám đốc BHXH tỉnh thông tin.
Tại huyện Chư Pưh, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, Nghị quyết số 28 đã được triển khai rộng khắp và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Giám đốc BHXH huyện Nguyễn Văn Mau thông tin: Đơn vị đã tham mưu giúp Thường trực Huyện ủy, UBND huyện ban hành các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 28 và Chương trình số 68-CTr/TU của Tỉnh ủy. Trong đó, BHXH huyện đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động người dân và các tổ chức, doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT. Phối hợp với UBND các xã, thị trấn triển khai ký kết hợp đồng với các đại lý thu BHXH, BHYT để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân, góp phần nâng cao tỷ lệ tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn.
Theo Giám đốc BHXH huyện Chư Pưh, thực hiện quy trình cải cách thủ tục hành chính, BHXH huyện đã triển khai áp dụng đồng bộ các phần mềm VssID trong lĩnh vực BHXH, BHYT, tạo điều kiện thuận lợi khi người dân đi khám-chữa bệnh không cần thẻ BHYT giấy và tra cứu được tất cả các thông tin trong việc đóng, hưởng BHYT của mình hoặc nộp hồ sơ qua ứng dụng VssID và giao dịch điện tử. Nhờ vậy, thời gian đăng ký mua, đổi và cấp thẻ BHYT đã được cắt giảm tối đa, tạo điều kiện nhất đối với người tham gia BHYT và đã nhận được sự tin tưởng của người dân.
Còn tại huyện Đak Đoa, chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm và xem đây là tiêu chí quan trọng của địa phương. Bà Phùng Thị Châu-Giám đốc BHXH huyện-cho hay: Huyện đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo kịp thời công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN, tập trung ưu tiên bố trí nguồn ngân sách nhà nước, huy động các nguồn khác để đóng BHXH và mua thẻ BHYT cho các đối tượng theo quy định của Nhà nước. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động được tham gia BHXH và mọi người dân được tham gia BHYT, quan tâm đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng tham gia theo chỉ tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và lộ trình tiến tới BHYT toàn dân. Ngoài ra, công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai, quy trình giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa và giao dịch hồ sơ điện tử đã giảm bớt phiền hà cho đơn vị, cá nhân đến giao dịch với cơ quan BHXH.
Thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm 18 xã khu vực III và 78 xã khu vực II so với Quyết định số 582/QĐ-TTg, số người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và số người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được ngân sách Nhà nước mua thẻ BHYT giảm 271.554 người. Từ ngày 01/7/2021 đến 30/9/2021, bằng nhiều giải pháp đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân thuộc nhóm đối tượng bị tác động, có khoảng 58.700 người tiếp tục tham gia BHYT, tỷ lệ tham gia BHYT đạt 82,6%, trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT khoảng 65%. Do vậy, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đảm bảo đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, góp phần thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia BHYT đến năm 2025 đạt 95% theo Nghị quyết HĐND tỉnh và tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số đạt 98% theo Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội.
Kịp thời hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp
Thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và triển khai chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 từ Quỹ BH thất nghiệp, Giám đốc BHXH tỉnh thông tin: Tính đến hết ngày 03/11 đã thực hiện giảm mức đóng BH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 1.995 đơn vị, 38.097 lao động với tổng số tiền (tạm tính) được giảm mức đóng 12 tháng (từ ngày 01/7/2021 đến ngày 30/6/2022) trên 11,5 tỷ đồng; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 02 đơn vị, 39 lao động với số tiền giảm (tạm tính 06 tháng) trên 193,2 triệu đồng; xác nhận danh sách lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương của trên 1.000 người tại 118 đơn vị; lao động ngừng việc của 96 người tại 22 đơn vị; lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tại 46 đơn vị với trên 500 người.
Tính đến hết ngày 03/11, có gần 32.000 lao động được hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp theo Nghị quyết 116/NQ-CP với số tiền trên 79,8 tỷ đồng. Kinh phí dự kiến giảm đóng BH thất nghiệp đối với các đơn vị sử dụng lao động trên 20,2 tỷ đồng.
Theo ông Lê Quốc Khánh, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Gia Lai cho biết, BHXH tỉnh phấn đấu trong năm 2021 hoàn thành các chỉ tiêu cải cách chính sách BHXH như: Giao dịch điện tử đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan BHXH với doanh nghiệp dưới 49 giờ; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gi BHXH đạt trên 82%; có trên 153.182 người cài đặt, sử dụng BHXH số-VssID, đạt 100% kế hoạch BHXH Việt Nam giao.
Hà Giang
TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh: Tích cực sàng lọc, trị liệu tâm lý đối với trẻ tự kỷ
Quảng Ninh: Tập trung thực hiện công tác cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai
Bắc Giang: Tăng cường các hoạt động công tác xã hội trong chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Bắc Giang: Đặt mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 50% số cơ sở trợ giúp xã hội có cung cấp dịch vụ công tác xã hội
Bắc Giang: Nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe người dân
Nhiều hoạt động tri ân thiết thực ở huyện Trực Ninh
Cơ sở Chăm sóc người tâm thần tỉnh Bắc Giang: Nơi gửi gắm niềm tin
Xã Trực Thanh thực hiện tốt chính sách đối với người có công
Nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái tỉnh Quảng Ninh