Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Ghi nhận về công tác thực hiện Quy chế phối hợp quản lý lao động nước ngoài ở Hải Phòng
10:43 PM 01/07/2024
(LĐXH)- Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác quản lý lao động nước ngoài, các Sở, ngành và Uỷ ban Nhân dân các quận, huyện ở Hải Phòng đã chủ động phối hợp triển khai thực hiện tốt Quy chế quản lý lao động là người nước ngoài trên địa bàn và lĩnh vực quản lý theo đúng kế hoạch, nhiệm vụ được giao, góp phần đáng kể vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội ở thành phố Cảng.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hải Phòng tăng nhanh qua các năm. Năm 2023, Hải Phòng vươn lên trở thành địa phương đứng thứ hai toàn quốc về thu hút vốn đầu tư FDI với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt gần 3,5 tỷ USD.  
Nhiều tập đoàn lớn đã lựa chọn Hải Phòng để đặt trụ sở chính và sản xuất với quy mô lớn kéo theo số lượng người lao động nước ngoài đến thành phố này làm việc ngày càng tăng. Tính đến tháng 1/2024, trên địa bàn thành phố có 1.117 đơn vị sử dụng lao động là người nước ngoài với tổng số 10.265 người nước ngoài, trong đó đối tượng thuộc diện cấp giấy phép lao động là 9.670 người, chiếm 94,2%.
Với vai trò, trách nhiệm của địa phương trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng lao động là người nước ngoài trên địa bàn thành phố, UBND thành phố Hải Phòng đã chủ động rà soát, ban hành các văn bản nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối lao động nước ngoài làm việc trên địa thành phố.
Ngày 9/8/2019, UBND thành phố Hải Phòng đã ra Quyết định số 28/2019/QĐ-UBND Ban hành qui chế phối hợp quản lý lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn thành phố nhằm tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các Sở, ngành, địa phương, đơn vị trong việc quản lý lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn thành phố.
Người lao động nước ngoài ở Khu công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng.
Căn cứ nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 28/2019/QĐ-UBND nêu trên, các Sở, ngành và Uỷ ban Nhân dân các quận, huyện đã chủ động tuyên truyền, quán triệt đầy đủ các văn bản pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam để các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có sử dụng lao động là người nước ngoài và cá nhân người lao động nước ngoài biết để chấp hành đầy đủ theo qui định.
Chủ động thống kê, nắm bắt số lượng các tổ chức, cá nhân có sử dụng lao động là người nước ngoài và tổng số lao động là người nước ngoài làm việc trong lĩnh vực hoặc địa bàn quản lý; phối hợp chia sẻ thông tin về người lao động nước ngoài phục vụ công tác quản lý.
Bên cạnh đó, các Sở, ngành và Uỷ ban nhân dân các quận, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hoặc địa bàn phụ trách, trong đó có công tác quản lý lao động là người nước ngoài. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động thanh tra, kiểm tra thường xuyên, định kỳ 100% các đơn vị có yếu tố nước ngoài. Công an thành phố đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ xây dựng kế hoạch và triển khai kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xuất nhập cảnh. Năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hải Phòng đã chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra 50 doanh nghiệp có sử dụng lao động là người nước ngoài.
Năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hải Phòng đã tiếp nhận, cấp lại, gia hạn giấy phép lao động và xác nhận lao động không thuộc diện cấp giấy phép cho 4.349 lao động là người nước ngoài, trong đó cấp mới 2.715 giấy phép, cấp lại 283 giấy phép, gia hạn 1.283 giấy phép. Xác nhận lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho 68 người nước ngoài.
Riêng 3 tháng đầu năm 2024, Sở đã cấp mới 672 giấy phép lao động, cấp lại 84 giấy phép, gia hạn 302 giấy phép, xác nhận 25 lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Nhìn chung, với sự phối kết hợp chặt chẽ, hiệu quả của các Sở, ngành, địa phương, công tác quản lý lao động nước ngoài ở Hải Phòng đã từng bước đi vào nền nếp, vừa nhanh chóng, kịp thời, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động, vừa từng bước khắc phục và hạn chế tình trạng lao động nước ngoài vào thành phố làm việc chưa theo đúng quy định của pháp luật, gây khó khăn cho công tác quản lý, tạo sự cạnh tranh không bình đẳng và ảnh hưởng đến việc làm của lao động trong nước, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Hải Uyên
 

 

TAG:
Tin khác
Sơn La: Hơn 22 nghìn lao động được giải quyết việc làm
Tiếp viên hàng không bỏ nghề về nuôi lợn kiếm tiền khủng
Đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội
Hà Nội thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển lao động
Quận Cầu Giấy hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng cho công nhân lao động đón Tết Ất Tỵ 2025
Thu nhập bình quân của lao động là 7,7 triệu đồng/tháng trong năm 2024
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM: Có 87/88 chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt và vượt so với yêu cầu đề ra
Phân tích các biến số vĩ mô và vi mô, chỉ ra cơ hội đầu tư tiềm năng trong thời gian tới
TP.HCM tăng cường kết nối cung – cầu giải quyết việc làm cho người lao động