Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Ghi nhận từ việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP tỉnh Hậu Giang
09:55 AM 03/11/2021
(LĐXH) - Với tinh thần gấp rút, khẩn trương, công khai, minh bạch để có thể để sớm đưa tiền hỗ trợ đến người dân bị ảnh hưởng do Covid, thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện khai Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ người người dân gặp khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động do đại dịch COVID-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, UBND tỉnh đã tổ chức họp triển khai đến tất cả các cơ quan chuyên môn và địa phương trên toàn  tỉnh; đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương nghiêm túc thông tin tuyên truyền đến công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân với nhiều hình thức đa dạng.

Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách, tỉnh Hậu Giang đã xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức hỗ trợ cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 16/2021/QĐ-UBND ngày 18/7/2021 về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Kế hoạch số 136/KHUBND ngày 18/7/2021 về triển khai thực hiện hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, qua đó quyết định hỗ trợ đối với các nhóm người lao động không có giao kết hợp đồng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 làm các công việc: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; mua bán phế liệu lưu động; bốc vác; vận chuyển hàng hóa bằng xe thô sơ; lái xe honda ôm; bán lẻ vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống; cắt tóc, uốn tóc. Mức hỗ trợ: 1.500.000 đồng/người

Cán bộ ngành LĐ-TB&XH huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang tới tận nhà trao tiền hỗ trợ cho dân.

Tuyên truyền sâu rộng đến các đối tượng thụ hưởng

 UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang, Báo Hậu Giang, các cơ quan thông tấn, báo chí, các Sở, ngành tỉnh, các địa phương tiến hành tuyên truyền, đăng tải các văn bản quy định hỗ trợ của Trung ương, kế hoạch, hướng dẫn của Tỉnh đến các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, tuyên truyền các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP với nhiều hình thức đa dạng, phong phú (thông tin trên Báo, Đài, phát trên loa truyền thanh, Cổng điện tử của Tỉnh, Wedsite của các Sở, Ban, ngành, các trang mạng xã hội của Bảo hiểm xã hội, Chi nhánh Ngân hành chính sách xã hội tỉnh như zalo, facebook, youtube,..). Đã có rất nhiều tin, bài, phóng sự, tọa đàm được đăng tải và phát sóng; trên 8.000 cuộc điện thoại qua đường dây nóng, hướng dẫn, tiếp nhận những phản ánh, trả lời những vướng mắc của người lao động và người sử dụng lao động đã góp phần giúp cho các tổ chức, cá nhân và người dân nắm, hiểu rõ, thực hiện hồ sơ, thủ tục thụ hưởng các chính sách hỗ trợ theo đúng quy định.

Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh, chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã có nhiều giải pháp liên hệ hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các chính sách hỗ trợ như thông qua phiếu thông tin, gọi điện thoại trực tiếp đến doanh nghiệp để thông báo chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP để doanh nghiệp nắm bắt thực hiện. Cùng với đó, tăng cường giám sát việc triển khai thực đảm bảo chặt chẽ, công khai, dân chủ ngay từ khi rà soát, thẩm định lập danh sách đề nghị hỗ trợ cho đến khi cấp phát, hỗ trợ đúng đối tượng, đầy đủ, kịp thời, công khai, tránh trùng lấp, bỏ sót đối tượng hỗ trợ.

Đối với việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động
theo Quyết định số 16/2021/QĐ-UBND ngày 18/7/2021 của UBND tỉnh Hậu Giang được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp giám sát 100% các đợt xét đề nghị hỗ trợ tại địa phương; đồng thời, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội với vai trò là cơ quan được giao nhiệm vụ thẩm định trình UBND tỉnh xem xét, quyết định, đã rà soát, chống trùng các trường hợp đề nghị, qua đó có một số trường hợp bị trùng đã trả hồ sơ về địa phương và thực hiện kiểm tra 8/8 huyện, thị xã và thành phố trong việc tổ chức thực hiện hỗ trợ cho người lao động.

Trao tiền hỗ trợ cho lao động tự do ở xã Vị Tân, TP. Vị Thanh.

Đến nay, các cấp, các ngành đã tiếp nhận 07 đơn phản ánh, kiến nghị, 43 phản ánh trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả: Tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát, giải quyết và trả lời cho công dân một cách cụ thể, rõ ràng theo đúng quy định đối với từng trường hợp, đến nay đã giải quyết hoàn thành 100% các đơn thư, phản ánh và kiến nghị của công dân. Tính đến ngày 02/11/2021, tỉnh Hậu Giang đã giải quyết hồ sơ hỗ trợ cho các chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, với 2.480 doanh nghiệp/hộ kinh doanh và 88.731 người, số tiền 97.148.179.425 đồng. Cụ thể:

1. Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang, đã rà soát và thông báo
cho khoảng 619 đơn vị sử dụng lao động với 40.799 người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022 với tổng số tiền (tạm tính) khoảng 11,988 tỷ đồng.      Tính đến ngày 02/11/2021, hoàn thành điều chỉnh mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 600 đơn vị sử dụng lao động, với số tiền được giảm mức đóng 12 tháng hơn 11,5 tỷ đồng. Trong đó: Số tiền đã giảm đóng từ tháng 7-11/2021: 4.164.518.893 đồng.

2. Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất  
Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang đã rà soát chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 05 đơn vị (với 2.818 lao động tham gia BHXH bắt buộc được tạm dừng đóng) trong 6 tháng, với số tiền là 24.141,1 triệu đồng. Tính đến ngày 02/11/2021 đã thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 04 đơn vị sử dụng lao động cho 403 người lao động, tổng số tiền tạm dừng đóng trên 1.743.602.425 đồng.    

3. Chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động 
Tính đến 02/11/2021, đã có 01 doanh nghiệp đề nghị hướng dẫn hỗ trợ; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có thông báo đến Trường Cao đẳng Cộng đồng của tỉnh để phối hợp với doanh nghiệp thực hiện các hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.    

4. Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao
động, nghỉ việc không hưởng lương
Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang đã xác nhận Danh sách lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương cho 114 đơn vị (với 2.398 lao động).

Phê duyệt hỗ trợ cho 26 đơn vị sử dụng lao động, 1.191 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với tổng kinh phí hỗ trợ là 4.348.450.000 đồng (Trong đó: Hỗ trợ thêm người lao động đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi: 274 người, 276 triệu đồng và người lao động đang mang thai: 10 người, 10 triệu đồng).     

5. Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc
Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang đã xác nhận danh sách lao động ngừng việc cho 15 đơn vị (với 833 lao động); xác nhận Danh sách người lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cho 24 đơn vị (với 341 lao động)

UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho 03 đơn vị sử dụng lao động, 19 lao động ngừng việc với tổng kinh phí hỗ trợ là 25.000.000 đồng. Trong đó, hỗ trợ bổ sung cho người lao động đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi: 6 người, 6 triệu đồng.       

6. Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng  không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp                 
Hiện nay đã có phát sinh hồ sơ đề nghị hỗ trợ của người lao động; tuy nhiên, qua thẩm định hồ sơ và đối chiếu với các điều kiện theo quy định thì người lao động chưa đủ điều kiện được hưởng hỗ trợ.  

7. Chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế
Sở Y tế và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố đã trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt hỗ trợ cho 2.004 người, với tổng số tiền 2.825.100.000 đồng (Trong đó: Chi hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng F0 đã kết thúc điều trị: 591 người, với tổng số tiền là 804.960.000 đồng).   
Sở Y tế và UBND các huyện, thị xã và thành phố đã trình UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ bổ sung cho 170 Trẻ em, với số tiền là 170.000.000 đồng (Trong đó: Chi hỗ trợ tiền ăn cho Trẻ em là đối tượng F0 đã kết thúc điều  trị: 102 Trẻ em, với tổng số tiền là 102.000.000 đồng).         
8. Chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV và hướng dẫn viên du lịch      
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã hướng dẫn, tiếp nhận và thẩm định hồ sơ trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt hỗ trợ 30 người, với tổng số tiền là 111.300.000 đồng. (Trong đó: 26 viên chức hoạt động nghệ thuật, với số tiền là 96.460.000 đồng và 04 hướng dẫn viên du lịch, với số tiền là 14.840.000 đồng).
9. Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh
Có 8/8 huyện, thị xã và thành phố đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt hỗ trợ cho 1.801 hộ kinh doanh bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19, với tổng số tiền hỗ trợ là 5.403.000.000 đồng.     

10. Chính sách vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất  

Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang đã có 26 doanh nghiệp (48 lượt doanh nghiệp) được vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 1.086 người lao động (1.804 lượt người lao động), với số tiền 5.990 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong đó: hỗ trợ 22 doanh nghiệp (41 lượt doanh nghiệp) vay vốn trả lương ngừng việc cho 350 người lao động (562 lượt người lao động), với số tiền 1.732 triệu đồng, 3 doanh nghiệp (5 lượt doanh nghiệp) vay vốn trả lương phục hồi sản xuất cho 719 người lao động (719 lượt người lao động) với số tiền 4.083 triệu đồng và 01 doanh nghiệp (02 lượt doanh nghiệp) hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú vay vốn trả lương phục hồi sản xuất cho 17 người lao động (51 lượt người lao động) với số tiền 175 triệu đồng.

11. Chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động và các đối tượng đặc thù khác

Hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động theo Quyết định số 16/2021/QĐ-UBND ngày 18/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố đã hướng dẫn, tiếp nhận đơn đề nghị hỗ trợ của người lao động, thẩm định hồ sơ, có sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt hỗ trợ 43.029 lao động, tổng số tiền là 64.543.500.000 đồng, trong đó: Có 4.561 người bán vé số dạo. Chính sách hỗ trợ này, đã hoàn thành trong tháng 9/2021.
Tỉnh đã chi và phê duyệt hỗ trợ đối tượng đặc thù của tỉnh (ngoài lao động tự do theo Quyết định số 16/2021/QĐ-UBND): Hỗ trợ tiền ăn cho hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội và người có công và thân nhân người có công với cách mạng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng trong Khu phong tỏa (Theo Nghị quyết số 13/2021/NQ-HĐND ngày 14 tháng 7 năm 2021 của HĐND tỉnh Hậu Giang quy định một số nội dung, mức chi hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang): 2.248 người, với số tiền là 1.851.150.000 đồng.

Thực hiện Nghị quyết 116/NQ-CP, Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang đã thực hiện rà soát, gửi thông báo giảm mức đóng (từ 1% xuống 0%) vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho 603 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng với 35.501 lao động, với số tiền điều chỉnh giảm 12 tháng tạm tính là 19.207,1 triệu đồng. Đã thực hiện giải quyết hỗ trợ cho 42.324 người (bằng 92,1% số lao động đã đề nghị hưởng), trong đó: Đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 38.721 lao động và đã dừng tham gia là 3.603 lao động; với tổng số tiền hỗ trợ là 96.079,9 triệu đồng.

Hà Giang


     

TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Kiếm hàng nghìn USD nhờ bán video cho các công ty AI
Ký kết hợp tác về dịch chuyển chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề giữa Việt Nam và Phần Lan
Sơn La: Hơn 22 nghìn lao động được giải quyết việc làm
Tiếp viên hàng không bỏ nghề về nuôi lợn kiếm tiền khủng
Đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội
Hà Nội thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển lao động
Quận Cầu Giấy hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng cho công nhân lao động đón Tết Ất Tỵ 2025
Thu nhập bình quân của lao động là 7,7 triệu đồng/tháng trong năm 2024
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM: Có 87/88 chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt và vượt so với yêu cầu đề ra