Ghi nhận từ việc thực hiện Nghị quyết 68/2013/QH13 về BHYT toàn dân
(LĐXH) - Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 (Nghị quyết 68) của Quốc hội xác định đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT. Tuy nhiên, chỉ tiêu này đã hoàn thành từ năm 2016, trước 4 năm so với quy định. Đặc biệt, năm 2020, số người tham gia BHYT là 87,97 triệu người, đạt 90,85% dân số tham gia BHYT, vượt 10,85% so với chỉ tiêu đề ra.
Tại Phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc sáng ngày 11/10/2021, Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ khẳng định, có được kết quả này là do sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành, trong đó trực tiếp là ngành Y tế, ngành BHXH Việt Nam. Tuy nhiên, mục tiêu của chúng ta trong giai đoạn tới có nhiều thách thức hơn, nếu không có những giải pháp căn cơ hoặc thậm chí đột phá hơn thì sẽ có khó khăn hơn.
Mục tiêu khả thi
Về quản lý thu, chi quỹ, đến năm 2020, chênh lệch thu và chi quỹ BHYT là dương 5.071 tỷ đồng do công tác kiểm soát thu, chi BHYT được tăng cường. Sau 8 năm thực hiện Nghị quyết 68, có 8 chỉ tiêu, nhiệm vụ đã hoàn thành, đạt yêu cầu và 4 chỉ tiêu, nhiệm vụ thành phần chưa hoàn thành hoặc mới chỉ hoàn thành được một phần. Nhìn chung, các chỉ tiêu đã hoàn thành là các chỉ tiêu được xác định tại các nghị quyết về phát triển kinh tế, xã hội của Quốc hội và Chính phủ cũng như chính quyền địa phương, các chỉ tiêu chưa đạt liên quan đến cơ chế đầu tư, hỗ trợ tài chính.
Từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT tại một số địa phương bị ảnh hưởng, một số doanh nghiệp phải dừng hoạt động, giải thể, người lao động không có việc làm dẫn đến tình trạng chậm đóng, nợ đóng BHYT cũng như một số người không có điều kiện để tiếp tục tham gia BHYT theo hộ gia đình...
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc Chính phủ đã có báo cáo khá đầy đủ theo quy định, đồng thời các nội dung thẩm tra của Ủy ban Xã hội khá chi tiết, cụ thể, nhiều kiến nghị xác thực cần quan tâm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, của Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan đã có sự phối hợp khá hiệu quả trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật về BHYT năm 2019- 2020, nhất là những cố gắng trong việc thực hiện các giải pháp nhằm đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội giao tại Nghị quyết 68 cũng như trong quản lý và sử dụng quỹ BHYT. Nổi bật là chỉ tiêu “có số dân tham gia BHYT đạt 80% vào năm 2020” thì năm 2016 Ngành BHXH Việt Nam đã hoàn thành (hoàn thành sớm hơn 4 năm). Đến năm 2020, chỉ tiêu này lại tiếp tục tăng vượt trên 10%, do đó tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân của Đảng và Nhà nước là có khả năng sẽ đạt được.
Sớm trình Quốc hội dự án Luật BHYT sửa đổi
Mặc dù số người tham gia BHYT vượt xa so với Nghị quyết số 68, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục và nỗ lực hơn nữa trong việc thu hút khoảng 10% dân số còn lại chưa tham gia BHYT, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng dịch COVID-19...
Theo ông Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế, việc người tham gia BHYT và độ bao phủ đã đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là nỗ lực lớn. Tuy nhiên hiện nay, đa phần đối tượng đóng BHYT đều do Nhà nước hỗ trợ. Các doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động đóng theo quy định pháp luật mới chỉ tập trung ở khu vực chính thức, trong khi đó, lao động nằm ở khu vực phi chính thức chưa tham gia BHYT nhiều. Một bộ phận người dân chỉ khi có bệnh mới tham gia BHYT. Đáng chú ý, năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên một số doanh nghiệp phải tạm dừng hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động dẫn đến người lao động không được tham gia BHYT. Một số doanh nghiệp phải dừng sản xuất, người lao động không có việc làm nên số nợ BHYT tăng cao so với năm 2019.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của Uỷ ban Về các vấn đề xã hội, dù năm 2020 quỹ BHYT có kết dư nhưng chưa đảm bảo bền vững vì tỷ lệ người tham gia BHYT tăng song mức đóng BHYT không tăng tương ứng với mức tăng giá dịch vụ kỹ thuật và nhu cầu khám chữa bệnh dẫn đến nguy cơ mất cân đối quỹ. Mức đóng BHYT của nhóm đối tượng được Ngân sách Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng BHYT thấp (bằng 4,5% mức lương cơ sở) trong khi đó, nhóm đối tượng này chiếm 58% tổng số đối tượng tham gia BHYT và mức quyền lợi BHYT cao hơn nhóm đối tượng khác và phạm vi quyền lợi ngày càng được mở rộng. Chưa giải quyết triệt để tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT từ phía cơ sở khám chữa bệnh, người bệnh và cả cán bộ thực hiện BHYT.
Giải trình một số vấn đề nêu trên, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, quỹ Khám chữa bệnh BHYT những năm qua liên tục tăng cả về số thu và số chi. Riêng năm 2020, số thu tăng cao hơn so với số chi là do cơ quan BHXH đã tăng cường quản lý, phát triển BHYT và tập trung vận động BHYT hộ gia đình (19,6 triệu người tham gia BHYT theo hộ gia đình năm 2020 với số thu gần 10.000 tỷ đồng). Năm 2020, số chi thấp hơn do dịch Covid-19, song số lượt người khám chữa bệnh tăng 167 triệu lượt, số chi quyết toán năm 2020 đưa vào dự toán bao gồm 10.100 tỷ là chi trước 2020 được bổ sung vào. “BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ Bộ Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo tối ưu hoá quỹ khám chữa bệnh trong điều kiện nguồn thu hạn hẹp và khó khăn song vẫn đảm bảo đầy đủ thủ tục, đúng quy định. BHXH Việt Nam cũng đã kết nối liên thông dữ liệu với gần 13.000 cơ sở khám chữa bệnh, phát huy hiệu quả tốt (năm 2018 từ chối thanh toán 2.400 tỷ đồng; 2019 từ chối 2.200 tỷ đồng và năm 2020 từ chối 1.450 tỷ đồng). Con số này tác động mạnh đến ý thức chấp hành của cơ sở khám chữa bệnh trong việc đề xuất thanh toán, tạm ứng. Đối với 10.000 tỷ giải quyết tồn tại trước năm 2020 đã thanh toán được 85% để giải quyết kịp thời cho cơ sở khám chữa bệnh”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh khẳng định.
Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: TTXVN)
Sau khi nghe các nội dung thảo luận, đánh giá, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, các cơ quan liên quan tiếp tục khẩn trương rà soát, tiếp thu những nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý, các cơ quan chủ trì thẩm tra nêu trong Báo cáo thẩm tra để hoàn thiện hai văn bản, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2. Đồng thời, cần tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 68 để thấy được toàn diện kết quả, hạn chế, nguyên nhân sau 8 năm thực hiện, trong đó quan tâm đánh giá các chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa thực hiện được, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết.
Trong bối cảnh mới của đất nước đang có nhiều thay đổi, Chính phủ cũng đã kiến nghị, đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết về phát triển BHYT cho giai đoạn tới một cách khoa học, toàn diện, bền vững, hiệu quả và khả thi; sớm trình Quốc hội dự án Luật BHYT sửa đổi, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, thể chế hóa các nhiệm vụ đặt ra để đạt mục tiêu về chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân theo Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Cùng với đó, cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như các văn bản hướng dẫn chuyên môn về khám, chữa bệnh, BHYT, đấu thầu, tự chủ bệnh viện và các văn bản liên quan, tạo sự thống nhất, thuận lợi trong quá trình hoạt động; ban hành văn bản hướng dẫn việc thanh toán chi phí và điều trị cho người mắc COVID-19, nhất là các ý kiến phát biểu tại phiên họp về việc người bị bệnh nền phải đảm bảo điều trị, thanh toán đúng pháp luật, nhưng nếu còn vướng thì Bộ Y tế báo cáo lại với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có thể bổ sung vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, việc tham gia BHYT đối với người lao động tại các địa phương trong giai đoạn chịu ảnh hưởng dịch COVID-19 cần được quan tâm đầu tư hơn nữa và có cơ chế để nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở, y tế dự phòng theo đúng quy định của pháp luật; quan tâm đến ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý chặt chẽ hơn nữa, có thể kết nối hệ thống dữ liệu quốc gia của Bộ Công an quản lý.
Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ để giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong quá trình thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, có giải pháp đột phá trong tuyên truyền để duy trì và tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT, đồng thời nghiên cứu phương án vừa đảm bảo cân đối quỹ BHYT vừa đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT hướng đến mục tiêu phát triển; chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, xử lý nghiêm những hành vi trốn đóng BHYT, trục lợi quỹ BHYT và vi phạm pháp luật về BHYT.
Khánh Quyên (Tổng hợp)
TAG: