Ghi nhận những kết quả sau 5 năm thực hiện Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau
(LĐXH) - Sau 5 năm triển khai Quyết định số 1533/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016 – 2020, đã có nhiều người cao tuổi trên cả nước được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Theo thống kê hiện nay, số người cao tuổi (NCT) từ 60 tuổi trở lên ở nước ta chiếm 11,86% dân số. Trong tổng số NCT thì có gần 60% có tình trạng sức khỏe kém và rất kém, tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính cao, mỗi NCT có gần 3 bệnh. Trong 5 năm (2016-2020), thực hiện Quyết định số 1533/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội NCT Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án, bước đầu đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Tính đến tháng 6/2020 đã có 60/63 tỉnh thành phố triển khai, thực hiện Đề án, với 2.985 Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau được thành lập, hàng trăm nghìn NCT tham gia và được hưởng lợi như vay vốn từ CLB để tăng gia sản xuất, xóa đói, giảm nghèo bền vững, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới; NCT được chăm sóc sức khỏe, chăm sóc về đời sống vật chất và tinh thần, vị trí, vai trò của NCT được cộng đồng coi trọng, phát huy được nội lực của NCT, nâng cao vị thế của Hội NCT, góp phần làm tốt công tác NCT tại địa phương, nhằm thực hiện tốt Luật NCT và Chương trình hành động quốc gia về NCT giai đoạn 2012-2020.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1533/QĐ-TTg, Trung ương Hội NCT Việt Nam đã bám sát quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án; quán triệt, phổ biến nội dung Quyết định. Các bộ, ngành, cơ quan liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực đã phối hợp tích cực với Trung ương Hội NCT chỉ đạo thực hiện Đề án thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành, tổ chức lồng ghép với các chương trình, đề án liên quan của bộ, ngành đang triển khai thực hiện. Cùng với đó, Trung ương Hội NCT đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, người dân, nhất là NCT trong triển khai Đề án; Tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ Hội NCT và Ban Chủ nhiệm CLB.
Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau thăm hỏi người già neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn
Đối với UBND các tỉnh, thành phố cũng đã chỉ đạo và giao cho Hội NCT là cơ quan thường trực, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 1533/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh, thành phố. Chỉ đạo Hội NCT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch cho cả giai đoạn 2016-2020, cụ thể hóa kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án cho từng năm. Kết quả đến nay đã có tổng số 2.985 CLB liên thế hệ tự giúp nhau được duy trì và thành lập mới ở 60 tỉnh/thành phố, vượt 45% so với chỉ tiêu là 2.000 CLB, với sự tham gia của 160.000 thành viên, trong đó có hơn 110.000 NCT, vượt chỉ tiêu đặt ra. Về cơ bản, các CLB liên thế hệ tự giúp nhau đã bảo đảm chất lượng, chỉ tiêu theo quy định, gồm: 70% là NCT, 60 - 70% là phụ nữ, 60% - 70% là người nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua đó đã có hàng chục nghìn lượt NCT nghèo được vay vốn, hướng dẫn, giúp đỡ sinh kế tăng thêm thu nhập và đã thoát nghèo, cận nghèo. Hàng nghìn NCT ốm đau, cô đơn, khuyết tật được chăm sóc tại nhà, được thăm hỏi thường xuyên, thông qua các tình nguyện viên của CLB. Những hoạt động về tư vấn, kiểm tra sức khỏe thường xuyên, định kỳ, hoạt động văn nghệ, thể dục dưỡng sinh đã tăng thêm niềm vui, sức khỏe cho NCT.
Qua 5 năm triển khai các hoạt động của Đề án, tất cả các địa phương chỉ được cấp kinh phí cho các hoạt động: tập huấn, tuyên truyền, giám sát, quản lý; khó khăn, bất cập nhất của các địa phương là không có nguồn kinh phí để hỗ trợ cho Quỹ Tăng thu nhập, hoạt động, hỗ trợ trang thiết bị như các vật dụng thiết yếu cân, đo huyết áp... trang bị cho các CLB hoạt động. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền một số địa phương đã hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động trên, như các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Bạc Liêu, Đà Nẵng, Hải Dương... Một số tỉnh đã vận động được nguồn quỹ từ kinh phí và các chương trình của địa phương như Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò NCT, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ An sinh xã hội, Quỹ Nông thôn mới từ ngân sách huyện. Điển hình là tỉnh Thanh Hóa đã cho phép sử dụng Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò NCT do Hội NCT quản lý, trong đó 60% nguồn quỹ được chi cho nhân rộng CLB liên thế hệ tự giúp nhau, nhờ đó Thanh Hóa là địa phương đi đầu trong cả nước về nhân rộng CLB liên thế hệ tự giúp nhau (700 CLB, chiếm 1/3 tổng số CLB trong cả nước).
Hiệu quả của Đề án cho thấy rất rõ qua thực hiện 8 mặt hoạt động của CLB, đặc biệt hoạt động cho vay vốn tăng gia sản xuất. Chẳng hạn tại Thanh Hóa đã có trên 16.302 NCT nghèo, cận nghèo, khó khăn được CLB cho vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật làm ăn, tăng gia sản xuất. Kết quả có 14.092 người, chiếm 86,4% đã được tăng thu nhập. 5 năm đã có 26.745 NCT được vay vốn, với tổng số vốn hoạt động tăng thu nhập lên đến trên 38 tỷ đồng. Qua đó, đã góp phần giải quyết được các khó khăn, cải thiện đời sống của gia đình và bản thân, góp phần thoát nghèo, xóa nghèo bền vững cho gia đình.
Bên cạnh đó, nhiều tỉnh đã vận động các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp cho CLB liên thế hệ tự giúp nhau (ủng hộ hoặc cho vay không lấy lãi); nhiều CLB đã vận động sự ủng hộ của các cá nhân có điều kiện kinh tế, con cháu đi làm ăn xa về thăm nhân các dịp lễ, tết). Điển hình như tỉnh Phú Thọ đã thành công nhất trong việc huy động sự đóng góp từ cộng đồng và thành viên CLB, cụ thể tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các xã trước khi thành lập CLB phải vận động các thành viên và cộng đồng đóng góp để mỗi CLB liên thế hệ tự giúp nhau có số quỹ từ 100 triệu trở lên. Ngoài ra các địa phương trong cả nước thời gian qua đã tích cực tổ chức các cuộc thăm quan, tham dự trực tiếp các buổi sinh hoạt tại các điểm của các CLB trao đổi, học tập, rút kinh nghiệm trước khi triển khai ở địa phương.
Theo đánh giá của Trung ương Hội NCT Việt Nam, qua 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1533/QĐ-TTg, Trung ương Hội NCT đã chủ động chủ trì đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan và các địa phương, tích cực chỉ đạo xây dựng kế hoạch, đến nay Đề án được thực hiện có hiệu quả, đạt và vượt mục tiêu đề ra. Việc thành lập các CLB liên thế hệ tự giúp nhau đã từng bước trở thành một hoạt động trọng tâm của các cấp Hội NCT, được NCT, cộng đồng cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đón nhận, tham gia tích cực với tinh thần trách nhiệm cao, sức lan tỏa rộng, khẳng định tính thực tiễn và hiệu quả của CLB.
Với mục tiêu “Chú trọng giúp đỡ NCT nghèo, cận nghèo, phụ nữ và khó khăn tại cộng đồng” thông qua 8 mảng hoạt động đa dạng, phong phú, hiệu quả, Đề án rất phù hợp với nhu cầu của NCT, góp phần ứng phó với già hóa dân số và bối cảnh hiện nay của nước ta là một nước thu nhập trung bình thấp, phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. CLB không chỉ mang lại lợi ích cho NCT, mà còn góp phần quan trọng trong việc cải thiện mối quan hệ đoàn kết giữa các thế hệ, tăng cường gắn kết xã hội, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, khuyến học, khuyến tài, đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Đồng thời, hiệu quả rất thiết thực của CLB nữa đó là thay đổi cách nhìn về NCT, vai trò của NCT trong xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại các cộng đồng, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Đặc biệt, cách tiếp cận liên thế hệ, dựa vào cộng đồng và tự giúp nhau của CLB liên thế hệ tự giúp nhau rất phù hợp là sân chơi bổ ích cho NCT, hiệu quả đối với một quốc gia có tỷ lệ dân số đang già hóa nhanh chóng nhưng nguồn lực vẫn còn hạn chế như nước ta hiện nay. Tính đến nay, tất cả các CLB đã được thành lập đều hoạt động theo đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương về các nội dung về thành lập, hoạt động, sinh hoạt, quản lý của CLB./.
Hồng Phượng
TAG: