Gặp gỡ người giáo viên tận tâm với trẻ tự kỷ
(LĐXH) - Mỗi ngày, cô giáo Thân Thị Loan, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Happy House (thành phố Bắc Giang) đều tự nhủ bản thân phải cố gắng hơn nữa, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm và tìm hiểu những phương pháp tốt nhất để can thiệp, trị liệu, phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí; giúp các em từng bước hòa nhập với cuộc sống và có một tương lai tốt đẹp hơn.
Giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Giáo dục đặc biệt (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), cô giáo Thân Thị Loan trở về quê nhà ở thành phố Bắc Giang để làm việc. Với trăn trở phải làm gì để giúp những em nhỏ mắc hội chứng tự kỷ, rối nhiễu tâm trí có cơ hội hòa nhập với cộng đồng, sau một thời gian làm việc để tích lũy kiến thức và kinh nghiệm, năm 2016, cô giáo trẻ đã quyết định mở cơ sở mầm non chuyên biệt; đến năm 2020, được phát triển thành Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Happy House. Với chức năng phát hiện, tư vấn, can thiệp và trị liệu cho những trường hợp trẻ gặp khó khăn về tâm lý như: Tự kỷ, tăng động, giảm chú ý, chậm phát triển, khuyết tật trí tuệ, nói ngọng, nói lắp, rối loạn ngôn ngữ... trung bình mỗi năm, Trung tâm phát hiện, tư vấn, can thiệp, phục hồi chức năng cho khoảng 100 trẻ và đã thực sự trở thành ngôi nhà hạnh phúc, nơi tràn ngập tình yêu thương, niềm vui, tiếng cười của trẻ thơ và mang đến cho gia đình niềm tin, hy vọng về tương lai tươi sáng.
Ngày nào cũng vậy, cô Loan luôn đến rất sớm để quán xuyến mọi công việc của Trung tâm, từ việc chuẩn bị các bữa ăn đảm bảo chất lượng, an toàn, vệ sinh thực phẩm đến kiểm tra các phòng học sao cho luôn sạch sẽ, gọn gàng, đầy đủ các thiết bị, đồ dùng học tập... Sau khi đón trẻ và ổn định các lớp học cô mới bắt đầu công việc của mình. Ngoài những giờ trực tiếp can thiệp, trị liệu cho các con, cô lại dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu thêm tài liệu, phương pháp can thiệp hội chứng rối nhiễu tâm trí để vận dụng vào công việc, giúp học sinh phục hồi một cách toàn diện nhất.
Cô Loan cho biết: Với mỗi trẻ, các cô giáo phải dành thời gian nắm bắt tâm lý và thói quen để nghiên cứu xây dựng kế hoạch giảng dạy, hỗ trợ cho phù hợp. Hoạt động can thiệp, trị liệu được thực hiện thông qua quá trình chơi mà học, các con được áp dụng các phương pháp mát xa, yoga trị liệu, điều hòa các giác quan, phát triển tâm vận động… Bên cạnh đó, cán bộ trị liệu, giáo viên của Trung tâm còn tư vấn, hướng dẫn cho gia đình trẻ các kiến thức, kỹ năng, cách thức trị liệu và hỗ trợ cải thiện môi trường nơi trẻ sinh sống, học tập. Sau một khoảng thời gian nhất định, Trung tâm sẽ kiểm tra, đánh giá xem mức độ cải thiện của trẻ để có hướng can thiệp tiếp theo.
Dạy trẻ bình thường đã khó, uốn nắn trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí còn khó khăn hơn nhiều lần vì các em chưa có nhận thức, ngôn ngữ, kèm theo hành vi như cáu giận, bực tức, không hợp tác với giáo viên. Vì vậy, với công việc này, ngoài kiến thức, kinh nghiệm đòi hỏi cần phải có tình yêu thương, lòng kiên nhẫn. “Chúng tôi hiểu rằng, mình đang chia sẻ thiệt thòi với các con và là nơi gửi gắm niềm tin của gia đình. Vì vậy, lúc nào cũng nỗ lực hết sức để thay đổi các con dù chỉ là một tiến bộ nhỏ, để mai này các con có thể tự lập hòa nhập cuộc sống và có một tương lai tốt đẹp hơn”- Cô Loan chia sẻ.
Với sự yêu thương, tận tâm hỗ trợ của cô Loan và các cán bộ, giáo viên Trung tâm, hầu hết trẻ đã có những thay đổi rõ rệt, đơn giản từ việc đến lớp biết chào cô, biết chơi các trò chơi đúng cách, biết thể hiện cảm xúc của mình... và 70% trẻ sau thời gian can thiệp đã hoà nhập sớm (học mầm non) và đi học hoà nhập ở trường tiểu học. Được thấy các con tiến bộ từng ngày, thấy cha mẹ vui mừng, hồ hởi kể về sự thay đổi của con, nghe tiếng con trẻ bi bô trò chuyện… các cô giáo ở đây hiểu rằng mình đang nỗ lực làm một công việc thực sự có ý nghĩa cho cuộc đời.
Những trăn trở và dự định cho tương lai
Chia sẻ về những trăn trở với nghề, cô Loan cho biết, can thiệp, phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí là một hành trình dài, bên cạnh môi trường chuyên biệt, có sự trợ giúp của các chuyên gia thì còn đòi hỏi sự kiên nhẫn, hiểu biết và tình yêu thương từ phía gia đình và sự sẻ chia, cảm thông của cả cộng đồng. Tuy nhiên, do nhận thức của nhiều gia đình còn hạn chế nên chưa kịp thời phát hiện con mình mắc hội chứng tự kỷ, rối nhiễu tâm trí nên đã bỏ phí thời gian vàng để can thiệp, trị liệu cho trẻ (trong 3 năm đầu đời được xem là thời điểm “vàng” đối với quá trình chăm sóc, can thiệp cho trẻ rối nhiễu tâm trí, tự kỷ; đây là thời điểm hệ thần kinh chưa hoàn thiện nên dễ kết nối, nếu được can thiệp trong giai đoạn này, kết quả can thiệp sẽ đạt hiệu quả cao). Bên cạnh đó, có những gia đình không chấp nhận thực tế là con mình có những hội chứng rối loạn như thế nên không phối hợp để can thiệp, trị liệu cho trẻ. Theo cô Loan, các cơ quan, ban ngành cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức giúp phụ huynh nhận ra điểm bất thường để sàng lọc từ sớm để con có cơ hội điều trị, can thiệp kịp thời. Cũng như, quan tâm phát triển hệ thống dịch vụ và mô hình giáo dục trẻ em tự kỷ, rối nhiễu tâm trí để các gia đình dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ can thiệp, trị liệu.
Cô Loan cũng cho biết, mình luôn đau đáu suy nghĩ làm thế nào để hỗ trợ một cách tốt nhất cho các con. Sau thời gian can thiệp, hầu hết các con tiến triển tốt và đi học hòa nhập ở trường mầm non, tiểu học nhưng cũng có những trường hợp không có khả năng hòa nhập cộng đồng. Với những trường hợp như vậy, Trung tâm sẽ hỗ trợ cho các con biết đọc, viết và được học nghề để sau này có một việc làm phù hợp, tự nuôi sống được bản thân hoặc phụ giúp phần nào cho gia đình. Chính vì thế, cô đã mở một cơ sở dạy nghề cho trẻ từ 13 đến 16 tuổi, hiện đã có 4 em được đào tạo nghề pha chế, thu ngân, nấu ăn... sau đó được nhận vào làm việc tùy theo khả năng ở quán cà phê Living Hope. Cô Loan cũng ấp ủ dự định phát triển mô hình pha chế và mở hệ thống siêu thị mini để tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho các em...
Tin tưởng rằng, với năng lực sư phạm cùng sự tận tâm, nhiệt huyết với nghề và tình yêu thương con trẻ, cô giáo Thân Thị Loan sẽ luôn đồng hành cùng gia đình để mang đến cho trẻ cuộc đời tươi sáng hơn. Và chúc cho những dự định của cô giáo trẻ sớm thành hiện thực, mở ra cơ hội về việc làm, giúp trẻ tự kỉ, rối nhiễu tâm trí tự tin, từng bước hòa nhập với cộng đồng./.
Hiền Minh
TAG: