Gần 27.000 cuộc thanh tra, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động trong quý II/2023
(LĐXH) – Đây là kết quả các hoạt động thanh tra, kiểm tra và tự kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động của các địa phương trong cả nước hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2023.
Theo báo cáo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2023 của Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động Trung ương, ngay sau Lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động của Ban Chỉ đạo Trung ương, các tỉnh, thành phố trên cả nước cũng đã đồng loạt hưởng ứng, đổi mới các hoạt động đảm bảo thiết thực, có hiệu quả phù hợp với điều kiện lao động, sản xuất kinh doanh.
Các hoạt động thông tin, tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động. Theo báo cáo của các địa phương, hoạt động thông tin tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Các cơ quan báo, đài phát thanh và truyền hình ở trung ương và địa phương đã liên tục phát gần 24.500 tin, bài, toạ đàm, phỏng vấn, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là tuyên truyền trên các đài quận, huyện, xã, phường; gần 820.000 tờ rơi, tranh áp phích và các ấn phẩm thông tin tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động được in, phát miễn phí tới doanh nghiệp, người lao động. Các hoạt động thông tin, truyền thông đa dạng, phong phú cả về nội dung và các kênh tuyên truyền góp phần truyền tải các kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động đến với đông đảo tầng lớp nhân dân lao động trong cả nước.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra và tự kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động: Trong Quý II năm 2023, cả nước có gần 27.000 cuộc thanh tra, kiểm tra và tự kiểm tra. Trong đó có gần 5.000 doanh nghiệp được cơ quan chức năng thanh, kiểm tra (tăng 20% số đơn vị được thanh tra, kiểm tra so với cùng kỳ năm 2022). Các cuộc thanh tra, kiểm tra tập trung tại các lĩnh vực có nguy cơ, rủi ro cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; việc sử dụng, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động. Hoạt động tự kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động cũng đã được các địa phương, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Ngoài ra đã có gần 23.000 cuộc tự kiểm tra trong đó có hơn 65.000 nguy cơ, rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động được phát hiện và có gần 16.500 nội quy, quy trình làm việc an toàn đã được các doanh nghiệp xây dựng, ban hành và niêm yết tại nơi làm việc.
Công tác huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động: Trong quý II năm 2023 đã có gần 700.000 lượt người được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, trong đó huấn luyện cho đối tượng người lao động trong khu vực không có hợp đồng lao động là gần 15.000 lượt người. Một số địa phương triển khai tốt hoạt động này như: Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh.
Bên cạnh đó, cả nước có gần 700 cuộc thi an toàn, vệ sinh lao động thu hút hơn 66.000 lượt người lao động và quần chúng nhân dân tham gia. Nhiều cuộc thi được tổ chức theo cả 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp: Thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, thi an toàn vệ sinh viên giỏi. Các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên gần 40.000 nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Các hoạt động của Tháng hành động về ATVSLĐ được tổ chức đảm bảo phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với nhiều nội dung phong phú, thiết thực, chuyển đổi linh hoạt; tăng cường các hoạt động truyền thông, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội đã góp phần phục hồi sản xuất, thị trường lao động.
Một số địa phương không để xảy ra tai nạn lao động nặng hoặc tai nạn lao động chết người trong qúy II năm 2023 như: Bình Thuận, Bạc Liêu, Đăk Nông, Hà Giang, Lai Châu…; một số địa phương giảm mạnh tỷ lệ tai nạn lao động so với cùng kỳ năm trước như: Thừa Thiên huế (giảm 60%), Cần Thơ (giảm 36%), Thành phố Hồ Chí Minh (giảm 30%)./.
Minh Cảnh
TAG: