Dự chương trình tọa đàm về phía khách mời có, ông Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ LĐ-TB&XH; ông Đoàn Hải Nam, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre; ông Nguyễn Chí Thành, Trưởng phòng GDNN Sở LĐ-TB&XH TP.HCM; ThS. Đặng Minh Sự, đại diện Hội GNNN TP.HCM và đại diện các doanh nghiệp. Về phía Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành có ThS. Hoàng Quốc Long, Hiệu trưởng trường; ThS. Tô Huỳnh Thiên Trường, Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo – tuyển sinh trường, cùng cán bộ, giảng viên, nhân viên và gần 100 học sinh của trường tham dự…
ThS. Đặng Minh Sự, phát biểu tham luận tại tọa đàm
Tham dự và phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục GDNN cho biết, cách đây đúng 10 năm, vào năm 2014, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã tuyên bố lấy ngày 15/7 hằng năm là Ngày Kỹ năng Thanh niên Thế giới, để cùng nhau hưởng ứng làm sâu sắc tầm quan trọng chiến lược của việc nâng tầm kỹ năng lao động; việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng lao động, việc làm, việc làm bền vững và tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp cho thanh niên. Theo đó, Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới năm nay, Liên hợp quốc đã lấy chủ đề "Kỹ năng thanh niên vì hòa bình và phát triển" ("Youth Skills for Peace and Development) nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của thanh niên trong xây dựng hòa bình và giải quyết xung đột.
ThS. Hoàng Quốc Long, Hiệu trưởng Trường Trung cấp
Ông Nguyễn Chí Trường cho biết thêm, theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc tại báo cáo xu hướng việc làm toàn cầu cho thanh niên năm 2022 cho thấy, trên toàn thế giới: Dự tính có khoảng 600 triệu việc làm sẽ phải được tạo ra trong 15 năm tới để đáp ứng nhu cầu việc làm của thanh niên. Dự báo này cũng cho biết, dân số thanh niên sẽ tăng hơn 78 triệu người từ năm 2021 đến năm 2030, trong đó các nước thu nhập thấp sẽ chiếm gần một nửa mức tăng đó. Hệ thống giáo dục và đào tạo cần ứng phó với thách thức này.
Còn ở nước ta, theo số liệu của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam năm 2022, Việt Nam có hơn 22,1 triệu người trong độ tuổi thanh niên, chiếm khoảng 22,5% dân số cả nước và gần 36% lực lượng lao động; gần 60% thanh niên sống ở nông thôn; 98,7% người trong độ tuổi lao động có việc làm. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ chiếm khoảng 26,5% lực lượng lao động (tức khoảng 14 triệu người). Hay nói cách khác, tỷ lệ người lao động chưa có văn bằng chứng chỉ chiêm 73,5% lực lượng lao động (tức khoảng 41 triệu người).
Toàn cảnh tọa đàm
Theo ông Trường, đây là một thách thức lớn của chúng ta trong thời gian tới trong việc nâng tầm kỹ năng lao động cho lực lượng lao động nói chung và đối với thanh niên nói riêng. Thay mặt Tổng cục GDNN, ông Trường đề nghị, Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành nói riêng, hệ thống GDNN nói chung cần tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong địa bàn TP.HCM và các tỉnh thành trên cả nước thực hiện nghiêm túc 5 nội dung tại công văn số 1351/TCGDNN-VP ngày 5/7/2024 của Tổng cục Trưởng Tổng cục GDNN về hướng ứng ngày kỹ năng thanh niên thế giới 15/7/2024.
Đồng thời, phát huy kết quả đạt được, cùng với thế mạnh của nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo gắn với lao động, việc làm và gắn với đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề cho thanh niên. Tạo điều kiện cho thanh niên tham gia chương trình đào tạo tại nhà trường tích cực rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp đỉnh cao để tham gia các kỳ thi kỹ năng nghề các cấp trong nước và quốc tế.
ThS. Hoàng Quốc Long, tôn vinh cựu học sinh Trường Trung
Cùng với đó, thực hiện tốt chỉ thị số 37/CT-TW ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đối với thanh niên. “Đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn; cập nhật nghề, chuẩn hoá nội dung đào tạo, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo; tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp, kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, pháp luật, kinh doanh, khởi nghiệp, các kỹ năng mềm và đổi mới sáng tạo cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”, ông Trường nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đại biều được nghe các chuyên gia, nhà quản lý và giảng viên Trường Trung cấp Nguyễn Tất phát biểu tham luận như: Phát triển kỹ năng nghề nghiệp thích ứng với điều kiện mới của Thế giới của ThS. Đặng Minh Sự, đại diện Hội GNNN TP.HCM; tham luận “Áp dụng Tiêu chuẩn kỹ năng các kỳ thi World Skills vào chương trình đào tạo tại các cơ sở GDNN ” của Ths. Tô Huỳnh Thiên Trường… Ngoài ra, ban tổ chức còn nhận được nhiều tham luận phân tích chuyên sâu về “Kỹ năng lao động – nhân tố quyết định công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” của các nhà khoa học, nhà quản lý và giáo viên Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành.
Trong khuôn khổ chương trình tọa đàm này, còn diễn ra hoạt động giao lưu, tôn vinh cựu học sinh Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành thành đạt tại các doanh nghiệp và các học sinh dự các kỳ thi kỹ năng nghề & thí sinh Việt Nam chuẩn bị tham gia kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới 2024.
Trương Đăng