Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Đồng Nai: Nâng chất công tác dạy nghề - Cần nhiều giải pháp đồng bộ
11:48 AM 09/10/2017
(LĐXH) - Từ năm 2015 trở về trước, các trường, cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn phàn nàn việc khó tuyển dụng người học thì vấn đề này hiện nay đã cơ bản được giải quyết. Nhận thức của xã hội, nhất là các phụ huynh và học sinh ý thức hơn trong lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng thực tế.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Đồng Nai làm việc với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

Song công tác đào tạo nghề trên địa bàn Đồng Nai đang phải giải quyết bài toán làm thế nào để nâng chất công tác dạy nghề, thu hút được những người học nghề tâm huyết, tránh lãng phí khi đầu tư cơ sở vật chất trang bị hay liên kết với doanh nghiệp đào tạo theo mô hình song hành, phối hợp tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu sản xuất và thực sự là khâu đột phá trong quá trình phát triển....

Loay hoay tìm giải pháp

Là địa phương có hơn 30 khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, nhu cầu lao động, nhất là nhân lực kỹ thuật cao khá lớn, tuy nhiên, chất lượng đào tạo nghề hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động. Chỉ tính riêng năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, nguồn kinh phí hỗ trợ tạo nghề từ ngân sách bỏ ra hàng trăm tỷ đồng song kết quả đào tạo nghề đạt được vẫn chưa tương xứng với số tiền đầu tư. Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, các cơ sở dạy nghề cũng như cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang loay hoay tìm giải pháp.

Tuyển mới học nghề đạt gần 75%

Theo Sở LĐ-TBXH, năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã tuyển mới đào tạo nghề 101,8 ngàn người (đạt 74,97% kế hoạch); có hơn 91,4 ngàn người tốt nghiệp các khóa đào tạo nghề, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh từ 50,13% năm 2015 lên 53,04% cuối năm 2016, đạt chỉ tiêu đề ra và tỷ lệ lao động qua đào tạo trung cấp trở lên đạt 17,63%.

Riêng chương trình đào tạo lao động kỹ thuật chất lượng cao, hiện có 407 người đang theo học các nghề: kỹ thuật viên điện tử công nghiệp, chế tạo cơ khí, công nghệ hàn, cơ khí ứng dụng CNC, điện công nghiệp, cắt gọt kim loại theo tiêu chuẩn quốc tế tại Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2. Kế hoạch năm 2017, dự kiến tuyển thêm 200 người học thuộc diện người lao động bị thu hồi đất của dự án sân bay quốc tế Long Thành.

Đối với hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), toàn tỉnh tổ chức dạy nghề cho 7.139 người, trong đó LĐNT học nghề phi nông nghiệp chiếm 34,6%, nghề nông nghiệp chiếm 65,4%. Tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt trên 85%. Một số mô hình đạo tạo nghề cho LĐNT hiệu quả hiện nay đang được triển khai như: mô hình chăn nuôi dê, trồng tiêu, may công nghiệp, đan lát thủ công, mô hình chế biến gỗ, gỗ mỹ nghệ…

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, việc kết nối với doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm cho người học sau đào tạo đã được các đơn vị dạy nghề trên địa bàn tỉnh từng bước thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Có thể kể đến như: mô hình đào tạo nghề phối hợp hay đào tạo kép đang được tổ chức tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ quốc tế Lilama 2; Trường Cao đẳng nghề Cơ giới và thủy lợi hay mô hình đào tạo nghề song hành của Đức, vừa đào tạo lý thuyết kết hợp đào tạo thực hành tại một số trường nghề và doanh nghiệp. Ngoài ra, còn có mô hình hình phối hợp xây dựng chương trình đào tạo, theo đó, cơ sở dạy nghề phối hợp tìm hiểu điều kiện thực tế, kỹ thuật tại doanh nghiệp để điều chỉnh chương trình đào tạo giúp sinh viên, học viên cập nhật được xu hướng mới trong khoa học công nghệ. Một hướng nữa là phối hợp giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp trong thực hành và giải quyết việc làm sau khóa đào tạo nghề cho học viên, sinh viên.

Bên cạnh đó, thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, hiện nay tất cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức xây dựng lại chương trình đào tạo theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, thị trường lao động cho phù hợp với công nghệ mới hay quy trình sản xuất tiên tiến của doanh nghiệp. Các trường từng bước xác lập mối quan hệ tốt với doanh nghiệp trong nhiều nội dung liên kết, tham khảo chuyên trong xây dựng chương trình đào tạo sát với thực tế.

Mô hình đào tạo nghề phối hợp tại trường Lilama 2

Chất lượng chưa đảm bảo

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở LĐ-TBXH, chất lượng đào tạo nghề từng bước được cải thiện do tỉnh tăng cường đầu tư ngân sách cho một số đơn vị dạy nghề trọng điểm về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo bồi dưỡng giáo viên, cải tiến chương trình, giáo trình đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế phục vụ đào tạo chất lượng cao. Chất lượng kỹ năng nghề của sinh viên đã phần nào đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp song chất lượng thực sự chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động, nhất là lao động kỹ thuật lành nghề.

Trong chương trình giám sát công tác đào tạo nghề mới đây, Trưởng ban Văn hóa xã hội (HĐND) tỉnh Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng đoàn giám sát cho rằng, mặc dù kết quả đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực song kết quả đào tạo vẫn chủ yếu là đào tạo nghề sơ cấp và ngắn hạn 3 tháng. “Trong tổng số hơn 101.000 học viên nghề tuyển mới trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, 88,45% học sơ cấp và dạy nghề thường xuyên với thời gian 3, chỉ có 3,77% cao đẳng và 7,78% trung cấp. Thực trạng này khá phù hợp với kết quả khảo sát của đoàn giám sát tại một số đơn vị đơn vị dạy nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và báo kết quả dạy nghề của 11 địa phương trên địa bàn tỉnh”, bà Hiền nói.

Công tác đào tạo nghề gặp khó, chất lượng bất cập thể hiện rõ nhất ở các đơn vị, trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Thậm chí, nhiều địa phương đến nay xin phép không nhận chỉ tiêu đào tạo nghề hoặc xin không tiếp tục thực hiện công tác đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho LĐNT do không tuyển được người học. Đơn cử như Trung tâm dạy nghề Tp.Biên Hòa, dù chỉ tiêu dạy nghề năm 2017 là khá thấp với 100 học viên, song khảo sát cho thấy hiện mới chỉ tuyển được 28 người theo học. Không chỉ khó tuyển sinh và thu hút người học nghề, tỷ lệ bỏ học còn cao; tỷ lệ tốt nghiệp các hình thức đào tạo nghề trung cấp và cao đẳng đạt quá thấp, chỉ khoảng 40%, bà Hiền cho biết thêm.

Mặt khác, vì không tuyển sinh được người học nên cơ sở vật chất nhiều đơn vị trùm mềm, không sử dụng hết công suất gây tình trạng lãng phí. Điều này dẫn đến khó tháo gỡ trong vấn đề đầu tư kinh phí cho cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Cơ sở, đơn vị dạy nghề cần kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mới có thể thực hiện tốt công việc đào tạo nghề nhưng thực trạng dạy và học làng nhàng. Một bộ đồ dùng thực hành có giá trị cả trăm triệu đồng, thế nhưng tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp địa phương, mỗi năm chỉ phục vụ khoảng vài chục người học, liệu có đáng để đầu tư kinh phí, các thành viên đoàn giám sát HĐND tỉnh đặt vấn đề.

Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Phạm Văn Cộng thừa nhận, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh hiện nay đang tồn tại rất nhiều vấn đề cần tháo gỡ. Trong đó có chất lượng sinh viên đào tạo ra trường sau học nghề vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. “Hiện nay, số lượng sinh viên ra trường đáp ứng yêu cầu ngay công việc là rất ít. Bên cạnh đó, khó nhất hiện nay trong công tác đào tạo nghề là liên hệ, kết nối đào tạo giữa doanh nghiệp với đơn vị dạy nghề trên nhiều nội dung: xây dựng chương trình, giáo trình học nghề, môi trường thực tập, giải quyết việc làm sau khi học viên tốt nghiệp. Ngoài ra, nhiều chính sách hỗ trợ dạy nghề chưa đi vào thực tiễn, chẳng hạn Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ tháng 7 năm 2015 nhưng nhiều văn bản hướng dẫn mãi đầu năm 2017 mới ban hành; chính sách chuyển đổi một số trường nghề từ ngành giáo dục sang ngành LĐ-TBXH quản lý đầu năm 2017 kéo theo các trường nghề buộc phải chuyển đổi chương trình đào tạo, đăng ký lại hoạt động theo mô hình giáo dục nghề nghiệp đôi khi gây cản trở cho hoạt động đổi mới của nhiều đơn vị dạy nghề…”, ông Cộng khẳng định.

                                                                             N. Trinh- Đỗ Quyên

TAG:
Tin khác
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững
Một số định hướng cho việc làm bền vững ở Kiên Giang
Việc làm bền vững từ sự chủ động kết nối cung - cầu lao động ở Kiên Giang
Huyện Con Cuông (Nghệ An) hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho lao động địa phương
Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững: Một số vướng mắc cần tháo gỡ
Huyện Yên Dũng (Bắc Giang): Đẩy mạnh tuyên truyền, kết nối việc làm cho người nghèo