Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Đồng Nai kiên quyết đấu tranh phòng chống tệ nạn mại dâm
07:58 AM 03/04/2022
(LĐXH)- Nhờ sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị chức năng, một số tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự nói chung và các điểm hoạt động mại dâm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói riêng đã giảm đáng kể.
Theo báo cáo từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có 29.243 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, dịch vụ ăn uống giải khát, bao gồm: 25.863 khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ; 1.074 nhà hàng, quán ăn; 445 cơ sở karaoke; 867 quán cà phê giải khát; 123 cơ sở masage; 356 tiệm hớt tóc thanh nữ; 253 điểm hát cho nhau nghe; 261 tiệm bang đĩa và Internet, 01 quán bar. Trong đó, 26.538 cơ sở có giấy phép hoạt động, 1.558 cơ sở không có giấy phép. Tổng số lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ là 14.567 người, gồm: số có hợp đồng lao động là 8.764 người, số không có hợp đồng lao động là 5.411 người (trong tỉnh 8.314 người, ngoài tỉnh 6.248 người).
Đồng Nai có 47 tụ điểm, địa bàn phức tạp dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, số đối tượng liên quan hoạt động mại dâm hiện đang quản lý tại xã, phường, thị trấn là 96 đối tượng, trong đó số người ngoại tỉnh là 51 đối tượng; 24 chủ chứa, môi giới. Ngoài ra, tỉnh còn có 142 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự nghi vấn hoạt động mại dâm (08 chủ chứa, môi giới và 39 người bán dâm).

Công an tỉnh Đồng Nai triệt phá đường dây môi giới mại dâm (ảnh minh họa)

Thời gian qua, tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói riêng đang có chiều hướng gia tăng, hoạt động mại dâm ngày càng tinh vi, trá hình nên rất khó đấu tranh, phát hiện, xử lý. Mại dâm núp bóng (bằng hình thức kích dục) trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ như nhà hàng, quán cà phê đèn mờ, cà phê chòi, Karaoke, Massage, mại dâm nơi công cộng (đứng đường) tăng, nhưng chưa có biện pháp giải quyết triệt để.
Địa bàn hoạt động mại dâm ở Đồng Nai chủ yếu tại các xã, phường, thị trấn có khu công nghiệp tập trung, địa bàn giáp ranh giữa các địa phương. Hoạt động mại dâm thông qua các dịch vụ ăn uống, Massage, cà phê, lợi dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo…) người bán dâm tự móc nối với khách hoặc thông qua sự quen biết, thỏa thuận giá cả từ trước và cùng nhau vào nhà nghỉ, nhà trọ để thực hiện hành vi mua bán dâm…
Nhằm hạn chế và đẩy lùi tệ nạn mại dâm, cùng với công tác tuyên truyền, các cấp, các ngành chức năng và các địa phương ở Đồng Nai đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm về mại dâm. Kết quả trong năm 2021, Đội kiểm tra liên ngành các cấp trong tỉnh đã tổ chức kiểm tra 6.814 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, dịch vụ ăn uống; kiểm tra đối với việc chấp hành tạm dừng các hoạt động kinh doanh để phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các điểm kinh doanh dịch vụ văn hóa. Qua kiểm tra, đã phát hiện xử lý 482 cơ sở vi phạm (chiếm 7,1%), trong đó: nhắc nhở và cảnh cáo 332 cơ sở, đình chỉ kinh doanh 8 cơ sở, thu hồi giấy phép 7 cơ sở; phạt tiền 291 cơ sở, với gần 1,075 tỷ đồng và thu hồi giấy phép 07 cơ sở.
Trong năm 2021, lực lượng Công an các cấp đã tổ chức truy quét và triệt phá 28 vụ mua bán dâm, đạt 93,33 % KH (28/30) và bắt 89 đối tượng và triệt phá 43 vụ khiêu dâm, kích dục. Qua lập hồ sơ xử lý đã khởi tố 19 vụ với 11 bị can, xử phạt hành chính 76 đối tượng với số tiền phạt: 473,8 triệu đồng; đang hoàn chỉnh hồ sơ để xử lý 30 đối tượng.
Riêng trong 3 tháng đầu năm 2022, lực lượng Công an các cấp đã tổ chức truy quét và triệt phá đã phát hiện, xử lý 22 vụ, 66 đối tượng có liên quan đến hoạt động mại dâm, bao gồm: sử dụng phương thức kích dục để kinh doanh, để xảy ra hoạt động mua bán dâm trong cơ sở do mình quản lý 03 vụ, 03 đối tượng; mua, bán dâm 08 vụ, 50 đối tượng; môi giới mại dâm 04 vụ, 05 đối tượng; chứa mại dâm 07 vụ, 08 đối tượng. Kết quả, khởi tố 11 vụ án, 13 bị can; xử phạt hành chính 55 đối tượng với tổng số tiền 148.850.000 đồng.
Đến nay, một số tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự nói chung và các điểm hoạt động mại dâm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói riêng đã giảm đáng kể. Trong đó, một số địa bàn phức tạp về tệ nạn mại dâm như ở các phường, xã giáp ranh các tỉnh, thành lân cận; dọc Quốc lộ 51 (đoạn qua thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành); địa bàn huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom… có nhiều quán cà phê “đèn mờ” đã ngưng hoạt động, chuyển hình thức kinh doanh hoặc cam kết với chính quyền địa phương không hoạt động mại dâm trá hình.
Không chỉ vậy, để thực hiện tốt công tác xây dựng xã, phường, thị trấn làm tốt công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm năm 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình xây dựng xã, phường, thị trấn làm tốt công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm năm 2022. Dự kiến trong năm 2022, phấn đấu duy trì 136/170 (80%) xã, phường, thị trấn làm tốt công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Đồng thời, củng cố, kiện toàn Đội Công tác xã hội tình nguyện cấp xã tại 07 xã thuộc 05 huyện, gồm: xã Tân An, Phú Lý, Hiếu Liêm, Bình Lợi, thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu); xã Tân Hiệp (huyện Long Thành); xã Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch).
Có thể thấy, đạt được những kết quả trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai đã chủ động phối hợp với sở, ngành, các đơn vị có liên quan và địa phương trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thông; đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm. Thực hiện tốt công tác phối hợp với lực lượng Công an tổ chức truy quét, triệt phá các vụ mua bán dâm để làm trong sạch địa bàn, góp phần bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội. Bên cạnh đó, một số địa phương khi phát hiện các cơ sở kinh doanh dịch vụ có dấu hiệu nghi vấn hoạt động mại dâm, đã phối hợp với lực lượng chức năng cấp huyện, cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, xử lý để không hình thành các điểm, tụ điểm về tệ nạn xã hội.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Nghệ An: Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em
Nghệ An kiện toàn Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp
Nghệ An tuyên truyền nâng cao nhận thức Vì sự tiến bộ phụ nữ
Nghệ An quan tâm giải quyết các vần đề về trẻ em
Thành phố Bắc Kạn: Quan tâm hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
Quảng Nam: Tích cực phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
Hòa Bình: Nâng cao nhận thức người dân về phòng, chống mua bán người
Trà Vinh chú trọng thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy
Hiệu quả Mô hình “Hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động tại cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm”