An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Đối thoại định kỳ về an toàn, vệ sinh lao động
04:51 PM 27/04/2023
(LĐXH) - Sáng 27/4/2023, tại Hà Nội, Hội đồng quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã tổ chức Hội nghị đối thoại định kỳ năm 2023 nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách pháp luật về ATVSLĐ.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ chủ trì buổi đối thoại. Tham gia đối thoại còn có ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Trưởng Ban thư ký Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ; Bà Ingrid Christensen, Giám đốc văn phòng ILO Việt Nam; Đại diện các thành viên của Hội đồng, như: Bộ Y tế, Xây dựng, Công thương, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; Đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp và Sở LĐTBXH các địa phương.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết: Thực hiện Luật ATVSLĐ, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt hơn, việc đối thoại định kỳ về chính sách nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và các cơ quan quản lý Nhà nước, qua đó góp phần xây dựng cơ chế chính sách ngày càng hoàn thiện hơn. Sau 06 lần tổ chức đối thoại ở cấp quốc gia (từ năm 2017 đến 2022), nhiều nội dung chính sách vướng mắc đã được sửa đổi, bổ sung nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; ở cấp tỉnh đã có nhiều thông tin được chia sẻ, giải đáp.

Đại diện các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp tham gia đối thoại

Sau phiên đối thoại năm 2022, các thành viên Hội đồng đã tích cực tư vấn cho Chính phủ, các bộ, ngành ban hành nhiều chính sách mới, giải quyết những vấn đề khó khăn của doanh nghiệp qua đó đã giúp tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người lao động. Đây cũng là một hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày thế giới về ATVSLĐ (ngày 28/4) và là một trong những điểm nhấn trong Tháng hành động quốc gia về ATVSLĐ.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị đề nghị đại diện cơ quan thành viên Hội đồng thông báo các kết quả giải quyết, kiến nghị sau Phiên đối thoại năm 2022 và trả lời các nội dung đã được Ban Thư ký Hội đồng tổng hợp. Đồng thời, tiếp tục đối thoại các vấn đề liên quan đến các chính sách mới ban hành, đặc biệt tập trung giải quyết những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, người lao động. Thứ trưởng cũng đề nghị đại diện các Sở LĐTBXH tham gia đối thoại cùng với các Bộ giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp tại địa phương và sớm tham mưu cho Hội đồng cấp tỉnh về ATVSLĐ tổ chức đối thoại ở địa phương để thúc đẩy việc cải thiện các điều kiện làm việc an toàn cho người lao động, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật.
Ông Bùi Đức Nhưỡng, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) cho biết: Sau phiên đối thoại năm 2022, các thành viên Hội đồng đã tích cực tư vấn cho Chính phủ, các bộ, ngành ban hành nhiều chính sách mới, giải quyết những vấn đề khó khăn của doanh nghiệp, cụ thể như: Bộ LĐTBXH đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2023/NĐ-CP nhằm tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực kiểm định; đã ban hành 03 Thông tư theo thẩm quyền nhằm giải quyết đối với đề xuất tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động, đổi mới chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Ông Bùi Đức Nhưỡng, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động chia sẻ một số thông tin tại buổi đối thoại
Ngoài ra Bộ Y tế đã ban hành 01 Thông tư bổ sung bệnh Covid-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp; Bộ Công Thương hiện nay đang xây dựng 11 Quy chuẩn kỹ thuật an toàn; các bộ, ngành khác đều đồng loạt triển khai các nội dung nhằm thúc đẩy công tác ATVSLĐ. Đặc biệt, sau Phiên đối thoại năm 2022, khu vực không có quan hệ lao động cũng dần được chú trọng triển khai. Hiện nay, Bộ LĐTBXH đang xây dựng 01 Nghị định về chính sách bảo hiểm tự nguyện về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang hoàn thiện việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt trong ngành nông nghiệp; Hội Nông dân Việt Nam ban hành nhiều hướng dẫn, tổ chức tập huấn về cải thiện điều kiện lao động cho nông dân…

Đại diện các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trao đổi, giải đáp các vướng mắc về chính sách ATVSLĐ

Tại buổi đối thoại, Hội đồng đã trao đổi, đối thoại với các địa phương, doanh nghiệp về các nhóm vấn đề như: Quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; Quản lý công tác huấn luyện ATVSLĐ; Chế độ, chính sách ATVSLĐ, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Khai báo, điều tra, báo cáo tai nạn lao động; Quan trắc môi trường lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động...
Toàn bộ các kiến nghị và kết quả của cuộc đối thoại sẽ được báo cáo gửi tới Chính phủ và chuyển tải tới các thành viên Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ. Một số vấn đề quan trọng sẽ được xem xét, lựa chọn để đưa ra biểu quyết trong Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ tại phiên họp thường kỳ sắp tới./.
Minh Hưng
 
 
 
 
 
 
TAG: ve sinh lao dong
Tin khác
Nhìn lại công tác Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững ở An Giang
An Giang tăng cường kết nối thông tin, tạo việc làm cho người lao động
Huyện Yên Sơn (Tuyên Quang): Chủ động thu thập thông tin người lao động, góp phần giúp người nghèo tìm kiếm việc làm
Quảng Trị tập trung thực hiện Tiểu dự án về hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Chương trình giảm nghèo
An Giang: Nhiều giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động
Long An: Đẩy mạnh kết nối cung – cầu lao động giải quyết việc làm cho lao động địa phương
Hiệu quả từ Tiểu dự án 3 về giải quyết việc làm bền vững ở Sóc Trăng
Tuyên Quang: Thực hiện chặt chẽ  việc thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin về người lao động
Quảng Ninh thực hiện tốt việc thu thập, cập nhật  thông tin về người lao động và nhu cầu tuyển dụng