An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Đời sống đồng bào Khmer Sóc Trăng khởi sắc từ chương trình giảm nghèo
04:08 PM 01/08/2019
(LĐXH)- Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 2/8/2016 của Tỉnh ủy Sóc Trăng về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 2% - 3%/năm; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào Khmer giảm từ 3% - 4%/năm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.
Cuộc sống của đồng bào Khmer được nâng lên
Vĩnh Châu là thị xã ven biển của tỉnh Sóc Trăng có đến 53% số dân là đồng bào Khmer. Những năm qua, thị xã luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cũng như đầu tư xây dựng hạ tầng nhằm nâng cao đời sống cho đồng bào, đồng thời thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, đất ở, đất sản xuất hay chuyển đổi ngành nghề. Thị xã đã và đang thụ hưởng 18 chương trình tín dụng chính sách với tổng số tiền 378,3 tỷ đồng. Riêng đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn ưu đãi là 13.304 lượt hộ với số tiền hơn 218 tỷ đồng. Nhờ thụ hưởng những chính sách ưu đãi cho nên nhiều hộ đồng bào Khmer mở rộng sản xuất và áp dụng nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, cuộc sống của đồng bào đã được nâng lên rõ rệt.  
Trong những năm qua, Trần Ðề đã triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cho các xã đặc biệt khó khăn, với tổng số vốn hơn 10 tỷ đồng. Trong đó xây dựng cơ sở hạ tầng hơn 6,2 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo gần bốn tỷ đồng. Thực hiện Quyết định 22 của Chính phủ, huyện đã hỗ trợ cho 2.751 hộ với 11.334 nhân khẩu hơn một tỷ đồng; tổ chức dạy nghề cho 732 lao động, giới thiệu việc làm cho 2.718 lao động và xuất khẩu 20 lao động với tổng kinh phí hơn một tỷ đồng.
Bà con các dân tộc Sóc Trăng nỗ lực vươn lên làm giàu từ chăn nuôi
Ðồng thời, chỉ đạo phối hợp với đội ngũ những người có uy tín, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đồng bào nâng cao ý thức tự vươn lên trong sản xuất, giảm nghèo bền vững, góp phần đáng kể cho chính sách giảm nghèo và hộ nghèo. Hiện nay, ở các xã đều có đường giao thông nông thôn nối liền ấp, liền xã giúp người dân đi lại dễ dàng, lưới điện quốc gia đã vào đến từng nhà, phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, trường học, trạm y tế xã cũng được đầu tư xây dựng khang trang.
Được biết, từ nguồn vốn Chương trình 135, Sóc Trăng được hỗ trợ hơn 158 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gồm 136 km đường giao thông nông thôn, 6 công trình thủy lợi, 18 nhà sinh hoạt cộng đồng, 1 công trình giáo dục và còn một số công trình đang triển khai thực hiện. Ðồng thời, tỉnh còn mở 21 lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ người dân tộc Khmer ở cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ðến nay, nhiều xã có đông đồng bào Khmer ven biển ở Sóc Trăng phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer giảm đáng kể. Năm 2017, hộ đồng bào Khmer nghèo chiếm gần 18%; năm 2018, hộ nghèo giảm còn hơn 14%.
Cùng với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, đồng bào Khmer ở Sóc Trăng luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực xây dựng xóm, ấp ngày càng phát triển, xanh, sạch, đẹp. Nhiều người dân Khmer đã nỗ lực vươn lên trong sản xuất, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, từ đó thoát nghèo và nhiều gia đình vươn lên khá giả. Tại các phum sóc, đồng bào xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, đem lại thu nhập cao như: Trồng trọt kết hợp chăn nuôi, mô hình tôm - lúa, cá - lúa, nuôi bò sữa, nuôi gà, trồng nấm rơm… Hàng chục nghìn hộ Khmer vươn lên thoát nghèo ngay trên chính quê hương mình. Nhiều hộ còn tích cực hiến đất, góp ngày công cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng điện, đường, trường, trạm ngày càng khang trang, sạch đẹp và văn minh.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Ông Lê Hoàng Điện, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Sóc Trăng khẳng định: Trong những năm qua, các chương trình, dự án và chính sách hỗ trợ người nghèo ở Sóc Trăng, đặc biệt người nghèo thuộc dân tộc thiểu số, tiếp tục được đầu tư có hiệu quả. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động về giảm nghèo hàng năm, giai đoạn; lồng ghép triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thị xã, thành phố, các chương trình, dự án có liên quan, nhất là các chương trình, dự án hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, vay vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, các chính sách dạy nghề, khuyến nông, hỗ trợ về y tế, bảo hiểm y tế, giáo dục, nhà ở, trợ giúp pháp lý, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Trao bò cho hộ nghèo đồng bào Khmer huyện Long Phú
Thực hiện các dự án thành phần trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh đã đầu tư 33 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng ở 14 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển (thuộc các huyện: Kế Sách, Long Phú, Cù Lao Dung, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu). Tỉnh cũng đã hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo với số vốn là 51,78 tỉ đồng; nhân rộng mô hình giảm nghèo cho trên 4.000 hộ gia đình, thông qua các hoạt động như: hỗ trợ cây giống, dụng cụ nông nghiệp, hướng dẫn nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi...; tổ chức triển khai 36 lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 4.844 lượt cán bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số về giám sát cộng đồng; tổ chức tham quan, học tập mô hình Chương trình 135 tại tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh…
Để hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo, trong giai đoạn 2016 - 2018, toàn tỉnh đã cấp phát 352.419 thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo; 165.336 thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo. Ngành y tế các cấp và các ngành có liên quan đã tổ chức khám và cấp thuốc miễn phí cho người nghèo; tổ chức chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, nhất là người dân ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực hiện dự án tín dụng ưu đãi hộ nghèo, trong giai đoạn 2016 - 2018, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phát vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho 64.766 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo với số tiền 1.352 tỉ đồng, phục vụ đầu tư sản xuất, mua con giống, thức ăn chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình; phát vay cho 2.120 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để cải thiện điều kiện, trang trải học phí với kinh phí 81,59 tỉ đồng; cho 5.062 hộ vay giải quyết việc làm, với kinh phí thực hiện 107,27 tỉ đồng; phát vay cho 11.074 lượt hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, hộ nghèo vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số với số tiền là 254,94 tỉ đồng.
Các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ ưu đãi về giáo dục... Qua đó, đã miễn giảm học phí và các khoản đóng góp cho 22.143 lượt học sinh nghèo các cấp; trợ cấp xã hội cho 36.165 học sinh, sinh viên, với kinh phí thực hiện 207,18 tỉ đồng, góp phần giúp con em hộ nghèo có điều kiện đến trường. Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng “Quỹ Vì người nghèo”, với tinh thần tương thân, tương ái, tính đến nay toàn tỉnh đã vận động được hơn trên 71 tỉ đồng để giúp người nghèo, hộ nghèo vượt qua khó khăn. Nguồn Quỹ Vì người nghèo đã xây dựng và bàn giao được 1.326 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo; hỗ trợ 2.057 lượt người nghèo khám chữa bệnh; tặng 44.109 phần quà cho hộ nghèo.
Ông Lê Hoàng Điện cho biết, hiện nay tỉnh tiếp tục đưa ra một giải pháp để công tác giảm nghèo mang lại hiệu quả cao hơn. Theo đó, sẽ tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học để trẻ em nói chung và trẻ em thuộc con hộ nghèo, cận nghèo và hộ dân tộc nói riêng có điều kiện học tập thuận lợi. Ưu tiên đầu tư trước cho các cơ sở trường, lớp học ở các ấp, xã nghèo, đặc biệt khó khăn, đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ người nghèo, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác khám, điều trị bệnh cho người dân ở vùng sâu, vùng xa nhằm tăng khả năng tiếp cận của người nghèo đến các dịch vụ y tế.
Tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của Chính phủ và các nguồn vốn khác để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. Phát huy, nhân rộng mô hình nhóm tiết kiệm để người dân, nhất là người nghèo tiếp cận được đồng vốn phát triển sản xuất và chăn nuôi, từ đó phát triển kinh tế gia đình. Sóc Trăng sẽ thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo, như xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhân rộng mô hình giảm nghèo, nâng cao năng lực về giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer.
Cùng với đó, nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, phù hợp nhằm nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, cận nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực thị trường, hướng đến phát triển sản xuất và dịch vụ, tăng thu nhập cho người nghèo, cận nghèo. Đa dạng hóa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư trong công tác giảm nghèo; lồng ghép chặt chẽ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, bảo đảm công khai, minh bạch./.
Hồng Minh
TAG:
Tin khác
An Giang: Quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
Lào Cai: Tập trung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
An Giang chú trọng tôn tạo, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
Đẩy mạnh trợ giúp, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người khuyết tật
Thành phố Long Xuyên: Đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn