Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là công việc hệ trọng đối với đất nước
07:22 AM 13/01/2017
LĐXH - Đó là ý kiến của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại cuộc họp với đại diện các Hiệp hội góp ý vào dự thảo Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016-2020” diễn ra chiều ngày 12/01/2017 tại trụ sở Bộ Lao động-TB&XH.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kết luận Hội nghị
Cùng dự có bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động-TB&XH, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội; Lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề cùng đại diện Bộ Y tế; Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch; Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam; Hiệp hội Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam; Hiệp hội các trường Cao đẳng, Trung cấp kinh tế-kỹ thuật...

Toàn cảnh Hội nghị

Theo báo cáo của Tổng cục Dạy nghề, trong những năm qua, hệ thống các cơ sở dạy nghề, các trường TCCN và Cao đẳng đã có những bước phát triển cả về quy mô và chất lượng, sinh viên, học sinh ra trường có việc làm cao. Hiện cả nước có 1.989 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ở tất cả các tỉnh, thành phố và đã quy hoạch được mạng lưới trường nghề chất lượng cao. Trong đó hình thành được mạng lưới GDNN ngoài công lập phong phú về hình thức, đa dạng về phương thức đào tạo... Giai đoạn 2011-2015, đã tuyển sinh và dạy nghề cho khoảng 11,9 triệu người, trong đó có 4,1 triệu lao động nông thôn... Cấu trúc chương trình dạy nghề đã xây dựng theo môdun tích hợp kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành, kỹ năng mền, kỹ năng khởi nghiệp đảm bảo liên thông giữa các cấp trình độ. Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho 189 nghề, thí điểm đánh giá kỹ năng nghề ở 22 nghề và 04 nghề theo tiêu chuẩn Nhật Bản... Chất lượng GDNN có chuyển biến tích cực, chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”, gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động, đặc biệt là khối doanh nghiệp FDI...
Bên cạnh đó, GDNN vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập như mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề đào tạo, chưa đáp ứng nguồn nhân lực của xã hội; công tác tuyển sinh gặp khó khăn; mạng lưới cơ sở GDNN chưa phân bố hợp lý giữa vùng miền; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý thiếu về số lượng, một bộ phận trình độ đào tạo, kỹ năng nghề, tin học, ngoại ngữ chưa đáp ứng yêu cầu; chương trình, nội dung còn lạc hậu, chưa kết hợp với doanh nghiệp...
Theo dự báo, đến năm 2025, lực lượng lao động trong nền kinh tế khoảng 63 triệu người, vì vậy, giai đoạn 2016-2020, GDNN đặt mục tiêu đào tạo cho 12 triệu người, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp cho 3,2 triệu người (10% theo các nghề trọng điểm), trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên cho cho khoảng 8,8 triệu người. Mạng lưới cơ sở GDNN phát triển theo hướng đáp ứng nhu cầu nhân lực để phát triển kinh tế-xã hội. Hình thành khoảng 70 trường chất lượng cao, 150 nghề trọng điểm, trong đó có 50 nghề cấp độ quốc tế. Phát triển các trường đặc thù, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo và vùng đồng bào dân tộc. Ban hành tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho 250 nghề...
Đề thực hiện mục tiêu ttrên, dự thảo đề án đưa ra 10 nhóm giải pháp gồm: Đổi mới công tác quản lý về GDNN (là giải pháp đột phá); Quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDNN; Đổi mới chương trình đào tạo và tổ chức, quản lý đào tạo; Chuẩn hóa và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý (là giải pháp đột phá); Chuẩn hóa và phát triển cơ sở vật chất thiết bị; Phát triển hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; Tăng cường gắn kết đào tạo với doanh nghiệp; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong GDNN; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về GDNN, thúc đẩy công nhận bằng cấp; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
PGS.TS Bùi Quang Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch
Các đại biểu dự hội nghị bày tỏ sự đồng tình cao với quan điểm đổi mới của dự thảo Đề án và sự cần thiết phải đổi mới chất lượng GDNN trong giai đoạn tới. Theo PGS.TS Bùi Quang Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, vấn đề đổi mới đào tạo có rất nhiều vấn đề cần bàn, trong đó có nội dung nâng cao chỉ tiêu tuyển sinh và chất lượng học tập. Theo Đề án, lộ trình thực hiện đến 2020 với chỉ tiêu tuyển sinh 12 triệu người là khó thực hiện, cần xem xét thấu đáo. Riêng khối các trường Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lí, mấy năm qua tuyển sinh đối với ngành văn hóa mới đạt 45%, ngành thể thao đạt khoảng 30%...
Ông Nguyễn Công Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Cao đẳng, Trung cấp kinh tế-kỹ thuật bày tỏ sự nhất trí cao với nội dung các giải pháp. Ông Dương cho biết, thời gian qua, các chính sách hỗ trợ người nghèo, vùng đồng bào dân tộc học nghề có ý nghĩa rất thiết thực trong việc phân luồng học sinh đối với các trường nghề ở địa phương... Hiệp hội đề nghị cho thành lập các Trung tâm kiểm định chất lượng dạy nghề; Giao quyền cho các trường trong lĩnh vực hợp tác quốc tế; Các trường nghề trong nước và khu vực được công nhận kết quả chất lượng lẫn nhau; Quy hoạch mạng lưới các trường nghề về một mối nhằm tiết kiệm về nhân lực và cơ sở vật chất; Rà soát chương trình, giảm tải nội dung không cần thiết; Cần có chính sách bắt buộc các doanh nghiệp sử dụng lao động qua đào tạo...
Ông Nguyễn Công Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Cao đẳng, Trung cấp kinh tế-kỹ thuật
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Lao động-TB&XH Đào Ngọc Dung đánh giá cao các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến hay, xác đáng, ủng hộ cho Đề án. Bộ trưởng nhấn mạnh: Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là công việc tối hệ trọng đối với đất nước, là một trong ba khâu đột phá nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay. Hiện nay, tháp nhân lực của chúng ta đang bất cập. Sau hội nghị này, Bộ Lao động-TB&XH sẽ tiếp tục chỉ đạo bổ sung hoàn thiện Đề án để lấy ý kiến trong hội nghị các trường nghề trước khi thực hiện... Việc tổ chức lại mạng lưới các trường nghề theo hướng các trung tâm dạy nghề trở thành vệ tinh của các trường cao đẳng nghề để tận dụng cơ sở vật chất, tích hợp giữa dạy nghề và bổ túc văn hóa. Về vấn đề liên thông, sinh viên cần phải đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn và căn cứ vào nhu cầu của người học... Đồng thời, Bộ trưởng cũng mong muốn các Hiệp hội đồng hành cùng với Bộ Lao động-TB&XH trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp./.

N.Ngọc
 

TAG:
Tin khác
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững
Một số định hướng cho việc làm bền vững ở Kiên Giang
Việc làm bền vững từ sự chủ động kết nối cung - cầu lao động ở Kiên Giang
Huyện Con Cuông (Nghệ An) hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho lao động địa phương