Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Điều chỉnh tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam từ dưới 16 lên dưới 18 tuổi: Phù hợp, cần thiết và có tính khả thi
09:41 AM 01/09/2019
(LĐXH) Theo kết quả một nghiên cứu mới được công bố, các chuyên gia cho rằng việc điều chỉnh tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam từ dưới 16 lên dưới 18 tuổi là phù hợp, cần thiết,có tính khả thi và cần được thực hiện càng sớm càng tốt.
Quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi: Chưa phù hợp với quan điểm phổ biến của quốc tế
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em của Liên hợp quốc (CRC) vào tháng 2/1990. Ngay sau khi tham gia Công ước, Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em năm 1991 (được sửa đổi năm 2004 và sau đó được thay thế bằng Luật Trẻ em năm 2016). Đạo luật này có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở pháp lý nền tảng cho việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở Việt Nam, tạo cơ hội cho trẻ em phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ, tinh thần.
Tuy nhiên, bên cạnh những quy định mới rất tiến bộ, Luật Trẻ em năm 2016 vẫn còn giữ một quy định gây tranh luận đó là về độ tuổi pháp lý của trẻ em (độ tuổi mà theo pháp luật là mốc hay căn cứ để xác định một người còn chưa đủ trưởng thành/chưa phải là người đã thành niên, chưa được hưởng các quyền đầy đủ, cũng như phải thực hiện các nghĩa vụ đầy đủ của một người đã thành niên). Cụ thể, kế thừa quy định trong Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em năm 1991 (sửa đổi năm 2004), Luật Trẻ em năm 2016 vẫn tiếp tục quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi, trong khi Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và một số điều ước, thỏa thuận quốc tế khác liên quan đến trẻ em mà Việt Nam đã ký kết, ví dụ như Công ước số 138 về độ tuổi lao động tối thiểu và Công ước số 182 về xoá bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, đều quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi.
Điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18 tuổi 
sẽ có tác động tích cực trên tất cả các phương diện.
Liên quan đến quy định kể trên, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Ủy ban về Quyền trẻ em (cơ quan giám sát thực hiện CRC) và một số cơ quan khác của Liên hợp quốc đã khẳng định định nghĩa về trẻ em trong Điều 1 CRC (trẻ em là người dưới 18 tuổi) không thể được hiểu theo cách khác là cho hạ thấp độ tuổi pháp lý của trẻ em trong pháp luật quốc gia xuống mức thấp hơn. Ủy ban về Quyền trẻ em cũng đã nhiều lần kiến nghị Việt Nam sửa đổi luật để điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em lên mức tương thích với quy định của Điều 1 CRC. Dù vậy, ở Việt Nam hiện nay, không chỉ các đại biểu Quốc hội mà trong xã hội nói chung, vẫn còn những quan điểm khác nhau trong vấn đề này. Bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ, vẫn còn những ý kiến chưa ủng hộ hoặc tỏ ra băn khoăn về việc sửa đổi luật để điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em lên mức dưới 18 theo như CRC.
 Trước thực trạng trên, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Viện Nghiên cứu Lập pháp và UNICEF Việt Nam đã phối hợp tổ chức thực hiện “Nghiên cứu điều chỉnh tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam từ dưới 16 lên dưới 18 tuổi”. Kế thừa và củng cố một vài công trình trước đó, mục đích của nghiên cứu này là nhằm đánh giá một cách toàn diện, có hệ thống và cụ thể hơn về các vấn đề lý luận, pháp lý và thực tiễn có liên quan và đề xuất các quan điểm, giải pháp thuyết phục về việc sửa đổi quy định về độ tuổi pháp lý của trẻ em trong Luật Trẻ em năm 2016.
Việc tổ chức thực hiện nghiên cứu điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam lên dưới 18 là rất cần thiết, có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, có hệ thống các quy định của pháp luật cũng như thực tiễn thực hiện các quy định của Việt Nam về độ tuổi của trẻ em; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của quốc tế, sẽ đưa ra những kiến nghị phù hợp về độ tuổi pháp lý mới của trẻ em, góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam về trẻ em.
Nghiên cứu này được thực hiện bởi hai chuyên gia độc lập do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Viện Nghiên cứu Lập pháp và UNICEF Việt Nam phối hợp lựa chọn, đó là PGS. TS. Vũ Công Giao, Chủ nhiệm Bộ môn Luật Hiến pháp và Luật Hành chính của Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội và ThS. Lê Thị Khánh Vân - chuyên gia độc lập. Quá trình nghiên cứu được thực hiện trong vòng 6 tháng, từ tháng 11/2018 đến tháng 4/2019, chủ yếu ở thành phố Hà Nội, ngoài ra còn ở bốn địa phương khác là các tỉnh Hoà Bình, Ninh Bình, Nghệ An và Trà Vinh.
Điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 là yêu cầu cấp thiết
Độ tuổi pháp lý của trẻ em là một vấn đề vừa mang tính khoa học, vừa mang tính xã hội sâu sắc. Với tính chất là ranh giới giữa những người chưa và đã đủ khả năng tự mình thực hiện các quyền và đảm nhiệm các nghĩa vụ, trách nhiệm với xã hội và Nhà nước nên việc xác định độ tuổi pháp lý của trẻ em cần dựa trên cơ sở sự trưởng thành đầy đủ về thể chất và tinh thần của một cá nhân. Ranh giới này hiện được xác định trong CRC và nhiều điều ước quốc tế khác, là 18 tuổi.
Việc Luật Trẻ em của Việt Nam xác định trẻ em là người dưới 16 tuổi là chưa tương thích với CRC cũng như chưa phù hợp với quan điểm phổ biến của cộng đồng quốc tế về sự trưởng thành của trẻ em. Quy định như hiện nay cũng đang gây ra những khó khăn về nhiều mặt, trong đó đặc biệt là trong việc thực thi các cam kết quốc tế về quyền trẻ em, và việc bảo vệ, chăm sóc một cách toàn diện và hiệu quả nhóm trẻ 16, 17 tuổi. Việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 là một yêu cầu cấp thiết ở nước ta hiện nay.
Có đủ các cơ sở khoa học, pháp lý và thực tiễn cho việc
điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam lên mức dưới 18
Nghiên cứu cho thấy có đủ các cơ sở khoa học, pháp lý và thực tiễn cho việc điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam lên mức dưới 18 để tương thích với quy định của CRC mà Việt Nam đã tham gia. Nghiên cứu cũng cho thấy việc điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em lên mức tương thích với CRC sẽ mang lại những lợi ích nhiều mặt cho trẻ em, xã hội và Nhà nước, trong đó đặc biệt là lợi ích về phát triển con người và nguồn nhân lực. Đặc biệt, từ những phân tích trong nghiên cứu này, có thể thấy chi phí phát sinh từ việc điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam lên mức dưới 18 là rất nhỏ so với GDP và tổng thu ngân sách nhà nước hiện nay, trong khi những lợi ích đạt được là rất to lớn và có tính chất vĩ mô, lâu dài. Thêm vào đó, việc điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em cũng không đặt ra những yêu cầu sửa đổi lớn hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến trẻ em và người chưa thành niên ở nước ta.
Trong giai đoạn trước đây, việc quy định độ tuổi trẻ em dưới 16 tuổi được xem là để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, bảo đảm tính khả thi về nguồn lực thực thi các chính sách về trẻ em. Tuy nhiên, kể từ năm 2010, tiềm lực kinh tế của Việt Nam đã tăng lên rất nhiều, Việt Nam đã tham gia vào nhóm nước có thu nhập trung bình. Vì vậy, việc mở rộng phạm vi bảo đảm quyền và các chính sách trợ giúp đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi như áp dụng đối với người dưới 16 tuổi là cần thiết và hợp lý, đặc biệt khi những yêu cầu về nguồn nhân lực và vật lực tăng lên đều rất nhỏ so với tiềm lực hiện nay của đất nước. Nói tóm lại, xét từ góc độ hoàn cảnh, điều kiện thực tế của đất nước, việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 là mang tính khả thi ở nước ta hiện nay.
Xuất phát từ những cơ sở lý luận, pháp lý, thực tiễn đã được phân tích làm rõ trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu khẳng định việc điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam lên dưới 18 là phù hợp, cần thiết và sẽ có tác động tích cực trên tất cả các phương diện.
Vì vậy, các nhà nghiên cứu kiến nghị Nhà nước, cụ thể là Quốc hội và Chính phủ, nên sớmtiến hành xem xét, sửa đổi Điều 1 của Luật Trẻ em năm 2016 để điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam lên mức tương thích với quy định tại Điều 1 của CRC. Việc sửa đổi này nên thực hiện càng sớm càng tốt, mặc dù Luật Trẻ em mới được thông qua năm 2016.
Bên cạnh đó, để quy định về độ tuổi pháp lý mới của trẻ em có thể áp dụng sớm trong thực tiễn, Nhà nước, cụ thể là Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các địa phương cần đồng thời:
- Rà soát sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan để tương thích với độ tuổi pháp lý mới nâng lên của trẻ em, cụ thể như các văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện Luật Trẻ em.
- Chuẩn bị nguồn ngân sách bổ sung cho việc mở rộng phạm vi của các chính sách, chương trình xã hội với trẻ em để đáp ứng nhu cầu của số trẻ em mới tăng thêm (ở độ tuổi 16-17), đặc biệt là trong các chương trình bảo trợ xã hội và chăm sóc y tế với trẻ em.
- Kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo hướng bổ sung đội ngũ cộng tác viên làm công tác này ở cấp cơ sở. Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ và cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em để làm việc với những trẻ em ở độ tuổi 16-17.
- Đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông về sự cần thiết, ý nghĩa và các quy định pháp luật cần áp dụng khi độ tuổi pháp lý của trẻ em được nâng lên đến mức dưới 18.
Đặng Thảo Lan
TAG:
Tin khác
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24