Thời gian qua, Đảng bộ và nhân dân quận Ba Đình đã và đang triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm đảm bảo các quyền của trẻ em được thực hiện một cách toàn diện và đầy đủ nhất. Cùng với xu thế và điều kiện phát triển chung của Thủ đô và đất nước, trẻ em quận Ba Đình ngày càng nhận được sự quan tâm, bảo vệ và chăm sóc nhiều hơn từ gia đình, cộng đồng và các tổ chức xã hội,… các em được chăm lo đảm bảo các điều kiện học tập, vui chơi giải trí, là chủ thể tham gia tích cực vào các hoạt động của trẻ em tại trường, lớp và cộng đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với những lợi ích mà nó mang lại cũng đã và đang làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng rõ nét, nguy cơ về bạo lực, xâm hại, tai nạn, thương tích... luôn tiềm ẩn trong môi trường sống của các em. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đang đứng trước rất nhiều thách thức.
Trước khi Diễn đàn chính thức được tổ chức, UBND quận Ba Đình đã tích cực truyền thông về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và kế hoạch tổ chức Diễn đàn nói riêng như: xây dựng phóng sự, in pano, áp phích, tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu… nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, xã hội. Mỗi phường chọn 5 trẻ em (từ 11 đến dưới 16 tuổi) tham gia Diễn đàn và 1 dẫn trình viên.
Trẻ em đến từ 14 phường được chia thành 4 nhóm thảo luận: Nhóm 1 thảo luận về “Quyền và bổn phận của trẻ em; Các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em được quy định tại Luật Trẻ em 2016”. Nhóm 2 thảo luận về “Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt và các chính sách trợ giúp của Nhà nước”. Nhóm 3 thảo luận về “Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”. Nhóm 4 thảo luận về “Trẻ em với vấn đề phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em”.
Tiếp theo phiên Thảo luận là phiên Giao lưu, đối thoại giữa 70 bạn nhỏ với những người làm công tác quản lý là lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, lãnh đạo quận, lãnh đạo các phòng, ban, ngành giáo dục, và các lĩnh vực khác có liên quan. Các thông điệp, khuyến nghị và mong muốn của các em chủ yếu xoay quanh các vấn đề: trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; trẻ em bị ngược đãi, xâm hại, bạo hành; trẻ em trong thế giới số; vấn đề bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em…
Nhiều câu hỏi được các em đặt ra và nhau thảo luận như: Làm thế nào để giáo dục trẻ em cách sử dụng hợp lý các thiết bị công nghệ số trong khi người lớn đang tự mình tạo ra những tấm gương xấu? Trẻ em nghèo nếu bị bệnh phải nằm viện thì có được ai giúp đỡ? Trẻ em nghèo, trẻ em vô gia cư khi bị xâm hại, ngược đãi, bạo hành thì thông tin cho ai? Những người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em có biện pháp gì để phục hồi tâm lý cho các bạn sau khi bị xâm hại?...
Đến với Diễn đàn, các em có cơ hội được làm quen, giao lưu học hỏi với nhau và có một buổi làm việc vô cùng hào hứng, sôi nổi với phần trưng bày, thuyết trình góc truyền thông, thảo luận nhóm, giao lưu và đối thoại với các lãnh đạo quận, phòng, ban, ngành liên quan. Những ý kiến của trẻ em tại Diễn đàn là cơ sở để các nhà quản lý xác định rõ hơn những vấn đề cụ thể thuộc phạm vi quản lý của mình, từng lĩnh vực cần tập trung ưu tiên cho các em. Từ đó, tham mưu với các cấp, các ngành để xây dựng kế hoạch, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy việc thực hiện các quyền của trẻ em trên địa bàn quận trong thời gian tới, tạo ra sức mạnh lan tỏa, bảo vệ tốt hơn trẻ em trước các nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, tai nạn, thương tích, để mọi trẻ em đều có cơ hội được phát triển bình đẳng.
Trần Huyền