Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Diễn đàn các tổ chức xã hội về việc thực hiện quyền trẻ em
09:48 AM 29/03/2024
(LĐXH)- Ngày 28/3/2024, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (BVQTEVN) tổ chức Diễn đàn các tổ chức xã hội liên quan đến trẻ em cùng cập nhật các quy định, chính sách mới của Nhà nước và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện quyền trẻ em.
Đây là sự kiện được tổ chức nhằm thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em, góp phần triển khai các khuyến nghị của Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc, Luật Trẻ em và nhiệm vụ được quy định tại Điều 92 Luật Trẻ em năm 2016, đồng thời thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Diễn đàn có sự tham dự trực tiếp và trực tuyến (qua ZOOM) của gần 140 đại biểu bao gồm đại diện của cơ quan của Nhà nước như một số Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh… cùng các đại biểu đến từ các cơ sở Hội thành viên tại 27 tỉnh/TP, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp xã hội liên quan tới trẻ em, các tổ chức quốc tế làm việc về trẻ em tại Việt Nam như Unicef, Cứu trợ trẻ em, Tầm nhìn, Plan, Childfund, HealthBridge, TFCF…
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu tại Diễn đàn.
Tại Diễn đàn, các đại diện cơ quan quản lý Nhà nước như Cục Trẻ em (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội), Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) cập nhật một số quy định, chính sách mới của Đảng, Nhà nước về thực hiện quyền trẻ em. Đồng thời, trao đổi, chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm, mô hình thực hiện quyền trẻ em hiệu quả.
Đánh giá kết quả công tác bảo vệ trẻ em năm 2023 của Cục Trẻ em, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, hệ thống pháp luật, chính sách về trẻ em liên tục được Cục quan tâm rà soát, phối hợp với các bên liên quan tham mưu hoàn thiện theo hướng đồng bộ, đảm bảo tính khả thi. Công tác tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương trong xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động thực hiện các Chương trình, đề án, kế hoạch về trẻ em được Cục quan tâm, đẩy mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Hoa Nam, hiện vẫn còn tồn đọng những vấn đề như: Tình hình xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, nhiều nguy cơ tiềm ẩn làm gia tăng xâm hại trẻ em, nhất là bạo lực xâm hại trong gia đình, bạo lực với trẻ em nhỏ tuổi; Trẻ em làm trái pháp luật ngày càng manh động, liều lĩnh, có chiều hướng diễn biến phức tạp; Tình hình tai nạn, thương tích và đuối nước còn ở mức cao; Ngân sách cho công tác trẻ em qua ngành LĐTBXH thấp ở nhiều địa phương, không đáp ứng yêu cầu tối thiểu việc thực hiện nhiệm vụ về trẻ em của ngành; Các nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa được triển khai thực hiện do chờ ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính, hồ sơ tiếp nhận nguồn viện trợ quốc tế chậm phê duyệt do vướng mắc trong quy định về thẩm quyền và quy trình tiếp nhận,...
Diễn đàn được tổ chức nhằm thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em, góp phần triển khai các khuyến nghị
của Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc, Luật Trẻ em.
Do đó, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em đề xuất 3 mục tiêu, giải pháp trọng tâm chính trong năm 2024, đó là: Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành động về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai hiệu quả pháp luật, chính sách về trẻ em, các chương trình, đề án về trẻ em được Chính phủ ký phê duyệt; Tăng cường theo dõi, kiểm tra, thống kê việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em, đặc biệt công tác phòng, chống xâm hại, tai nạn, thương tích, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ trẻ em của các cơ sở chăm sóc trẻ.
 Trong phiên toàn thể, các đại biểu tập trung trao đổi về tình hình thực hiện các hoạt động năm 2023, kế hoạch năm 2024 và một số mô hình thực hiện quyền trẻ em. Trong đó, các đại biểu đặc biệt quan tâm trao đổi tới mô hình về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; phương pháp Kỷ luật tích cực trong thực hành làm cha mẹ hàng ngày dưới góc độ văn hóa; thúc đẩy sự tham gia của trẻ em nhằm phòng chống phân biệt đối xử với trẻ em khuyết tật…
Tại phiên phiên thảo luận chuyên đề, các đại biểu đi sâu vào  nội dung: “Vai trò của các tổ chức xã hội trong Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình và khả năng ứng dụng các mô hình mới nhằm phòng chống bạo lực gia đình, cải thiện mối quan hệ gia đình” và chuyên đề về “Tăng cường thực hiện chính sách trợ giúp xã hội cho trẻ em khuyết tật và vai trò của các tổ chức xã hội tại địa phương”. Đặc biệt, các đại biểu tập trung vào chia sẻ những thách thức trong quá trình hỗ trợ cho trẻ em khuyết tật tại các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; trong xác định mức độ khuyết tật của trẻ; vai trò của gia đình trong chăm sóc trẻ khuyết tật…
Những ý kiến góp ý, trao đổi tại Diễn đàn sẽ được Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nghiên cứu, tổng hợp và chuyển tới các cơ quan chức năng, góp phần thúc đẩy thực hiện Khuyến nghị của Ủy ban Quyền trẻ em, đồng thời thể hiện trách nhiệm của Hội trong kết nối, thu thập thông tin từ các tổ chức xã hội để góp ý văn bản, chính sách như quy định tại Điều 92 Luật Trẻ em 2016.
Thảo Lan

 

 

TAG: Diễn đàn các tổ chức xã hội
Tin khác
Xe ôm công nghệ tắt app, kiếm tiền triệu nhờ vận chuyển cây cảnh dịp Tết
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức họp mặt chúc tết cán bộ hưu trí của Sở qua các thời kỳ
Hưng Yên: Thực hiện kịp thời trợ cấp xã hội hàng tháng cho trên 64.000 đối tượng
Năm 2030 sẽ triển khai tàu khách tốc độ 120 km/h
Nhộn nhịp chợ hoa Quảng An, Hà Nội ngày cận Tết Ất Tỵ 2025
Hội chợ Tết 3 miền Xuân Ất Tỵ: “Đậm tình nguồn cội, Trọn nghĩa yêu thương”
‘Biển người’ đổ về hồ Tây xem 2.025 drone trình diễn ánh sáng
TP Lào Cai tặng quà Tết cho gia đình người có công bị ảnh hưởng cơn bão số 3
Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện, xã hội nhân dịp Tết Ất Tỵ