Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Điện Biên nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy
11:04 AM 24/12/2021
(LĐXH)- Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai, tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho người nghiện ma túy trên địa bàn.
Vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp
Điện Biên là 1 trong 13 tỉnh trọng điểm của cả nước về tệ nạn ma túy. Tình hình mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma tuý diễn biến phức tạp, tội phạm ma tuý ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Các điểm, tụ điểm ma tuý phức tạp trên dọc tuyến biên giới chưa được triệt phá triệt để. Số người nghiện ma tuý còn nhiều, tuy đã được cai nghiện hàng năm nhưng giảm không đáng kể, tỷ lệ tái nghiện cao. Số người nghiện ma tuý không chỉ ở trong đồng bào dân tộc vùng cao, vùng trước đây có trồng cây thuốc phiện, mà còn tiềm ẩn gia tăng ở những vùng thấp, trong học sinh, sinh viên, cán bộ viên chức.
Học viên cai nghiện ma túy tại Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh (ảnh Báo Điện Biên Phủ)
Tệ nạn xã hội nói chung và tệ nạn ma túy, mại dâm nói riêng ngày càng diễn biến phức tạp. Bên cạnh việc hút thuốc phiện là hủ tục mang tính tập quán đã có từ lâu ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ nhiều năm nay, thì khu vực đông dân cư ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, số người sử dụng ma túy tổng hợp, heroine ngày càng tăng cao, gây tác hại nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội. Tệ nạn ma túy, tệ nạn mại dâm đang làm suy thoái nhân cách, phẩm giá, tàn phá cuộc sống của nhiều gia đình và xã hội, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn.
Nhiều năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành, đoàn thể và địa phương ở Điện Biên đã có nhiều biện pháp tích cực nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma tuý. Tuy nhiên, việc buôn bán, vận chuyển và sử dụng trái phép các chất ma túy còn xảy ra và diễn biến phức tạp, khó kiểm soát; số người nghiện ngày càng trẻ hóa và rất manh động dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật (trộm cắp tài sản, cướp giật, giết người…) đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là các tuyến biên giới.
Theo số liệu thống kê, rà soát của Công an tỉnh Điện Biên, tính đến ngày 15/12/2021, tổng số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý là 8.766 người, giảm 15 người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nam 8.360 người (chiếm 95,37%), nữ 406 người (chiếm 4,63%); người nghiện có nghề nghiệp 3.035 người (chiếm 34,62%), không nghề nghiệp 5.731 người (chiếm 65,38%); người nghiện có độ tuổi từ 16 - 18 tuổi có 05 người (chiếm 0,057%); từ 18 tuổi đến dưới 30 tuổi 2.232 người (chiếm 25,46%), từ đủ 30 tuổi trở lên 6.529 người (chiếm 74,48%).
Đa dạng giải pháp cai nghiện
Ông Mai Hoàng Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Điện Biên, cho biết: Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai, ngay từ đầu năm 2021, HĐND, UBND tỉnh Điện Biên đã giao chỉ tiêu kế hoạch cai nghiện cho các ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh tổ chức cai nghiện ma túy bắt buộc, cai tự nguyện, điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho người nghiện ma túy trên địa bàn. Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong quá trình tổ chức cai nghiện đã phát sinh chi phí xét nghiệm cho người nghiện trước khi áp dụng các biện pháp cai nghiện; khó khăn trong quá trình mua thuốc cai nghiện; lực lượng y tế cấp xã hạn chế, lại phải tập trung cho công tác tiêm chủng phòng, chống dịch Covid-19…
Kết quả, trong năm 2021, toàn tỉnh tổ chức cai nghiện ma túy cho 927 người, đạt 100,43%KH/năm (trong đó cai tại Trung tâm 596 người, đạt 112,45%KH/năm; cai tại gia đình và cộng đồng 331 người, đạt 84,22%KH/năm). Cụ thể, cai tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh, gồm: cai bắt buộc cho 496 người (tiếp nhận mới 221 người, gồm: huyện Điện Biên Đông 22 người, huyện Tủa Chùa 19 người, huyện Mường Ảng 28 người, thành phố Điện Biên Phủ 18 người, huyện Điện Biên 36 người, huyện Nậm Pồ 25 người, huyện Mường Nhé 21 người, huyện Tuần Giáo 30 người, huyện Mường Chà 15 người, thị xã Mường Lay 05 người); cai tự nguyện cho 100 người (tiếp nhận mới 58 người).
Cai tại gia đình và cộng đồng 331 người, gồm: huyện Mường Nhé 115 người, huyện Nậm Pồ 63 người, huyện Điện Biên 50 người, thành phố Điện Biên Phủ 20 người, huyện Tuần Giáo 45 người, thị xã Mường Lay 08 người, huyện Mường Ảng 30 người. Số người (lượt người) quản lý tại cộng đồng là 285 người.
Người nghiện đến điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện tại huyện Điện Biên Đông
Tính đến ngày 10/12/2021, Điện Biên đã tiếp nhận mới và duy trì điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục – Lao động xã hội tỉnh cho 100 bệnh nhân (trong đó tại Chi nhánh huyện Điện Biên Đông 45 bệnh nhân).
Phó Giám đốc Mai Hoàng Hà, đánh giá: Qua duy trì đa dạng các biện pháp cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh như cai bắt buộc, cai tự nguyện, điều trị nghiện bằng chất thay thế tại Trung tâm; cai bắt buộc, cai tự nguyện tại cộng đồng, cai tự nguyện tại gia đình có 7/10 huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện cai nghiện ma túy với kết quả đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch giao. Nhờ đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nghiện ma túy lựa chọn tham gia các loại hình cai nghiện phù hợp qua đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, số người được cai nghiện hằng năm còn ít, tỷ lệ tái nghiện cao, số người nghiện ma túy ngoài xã hội còn lớn đã ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, như tham gia mua bán, vận chuyển ma túy; thực hiện các hành vi phạm tội và bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động người nghiện tự nguyện đăng ký, tham gia các hình thức cai nghiện ma túy còn hạn chế; người nghiện ma túy sau cai nghiện trở về địa bàn nơi cư trú chưa quyết tâm cao, dễ bị lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc và dẫn đến tái nghiện. Nhiều gia đình và cấp ủy chính quyền cơ sở chưa phát huy vai trò, trách nhiệm trong giúp đỡ người sau cai nghiện thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh tái nghiện.
Phó Giám đốc Mai Hoàng Hà, trao đổi: Phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2022, Điện Biên sẽ tiếp tục Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ cai nghiện ma túy để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác cai nghiện ma túy. Tập trung xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm (tiếp tục duy trì 57 xã, phường, thị trấn và xây dựng mới thêm 02 xã); đồng thời tăng cường biện pháp kiểm tra, giám sát công tác cai nghiện ma túy…

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Long An: Quan tâm, chăm lo cho người có công với cách mạng
Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hải Phòng tích cực vận động, kết nối, kịp thời hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3
Hà Tĩnh: Trọn nghĩa vẹn tình với người có công với cách mạng
Lạng Sơn: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo
Định Hóa: Huy động nguồn lực chăm lo cho người có công
Lan tỏa phong trào Đền ơn đáp nghĩa ở Ý Yên
Quảng Ninh: quyết liệt và tích cực việc xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin
Thừa Thiên Huế: Triển khai nhiệm vụ tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ Lào mùa khô 2024 - 2025
Quảng Bình: Xuất quân tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Lào mùa khô 2024 - 2025