Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Đề xuất 6 nhóm giải pháp hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19
11:08 AM 21/03/2020
(LĐXHH)- Trao đổi với các phóng viên báo chí vào 20/3, Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH Đào Ngọc Dung cho biết Bộ đã gửi Chính phủ về đề xuất 6 nhóm giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp đối phó với ảnh hưởng bất lợi từ dịch Covid-19.
Tạm dừng đóng BHXH
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, do dịch bệnh Covid-19 đến thời điểm này đã có trên 15% số doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất (con số này của tháng 2/2020 là 10%). Doanh nghiệp giảm quy mô dẫn đến số lượng lao động mất việc, giãn việc ngày mỗi tăng.
Chỉ tính riêng trong tháng 2/2020, số người thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp là trên 47.000 người, tăng 60% so với tháng 1/2020 (30.000 người) và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái (gần 28.000 người)…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi với các cơ quan báo chí
"Trước những khó khăn của doanh nghiệp, người lao động, thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, Bộ Lao động - TBXH đã có đề xuất với 6 nhóm chính sách nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động. Và tạm dừng đóng BHXH là 1 trong 6 nhóm giải pháp mà Bộ Lao động - TBXH đã trình Thủ tướng Chính phủ" – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh.
Cụ thể, Bộ Lao động – TBXH đề xuất tạm dừng đóng quỹ bảo hiểm hưu trí, tử tuất. Trước mắt tập trung hai nhóm đối tượng cụ thể là người lao động bị ngừng việc, thôi việc và đối tượng thứ hai là doanh nghiệp có trên 50% lao động phải nghỉ việc, giãn việc, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do COVID-19 từ 50% trở lên. Thời gian hỗ trợ tạm dừng đóng tối đa 12 tháng (không tính lãi chậm đóng) kể từ tháng doanh nghiệp có văn bản đề nghị gửi cơ quan BHXH.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết: Trong điều kiện hiện nay, Bộ Lao động – TBXH đề xuất với Chính phủ và Thường vụ Quốc hội mở rộng đối tượng này theo hướng không chỉ phần trăm số lượng lao động bị ảnh hưởng. Theo đó, sẽ không khống chế tỷ lệ 50% đối với doanh nghiệp mà việc này áp dụng cho mọi doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp bị ảnh hưởng 10% chứ không riêng doanh nghiệp bị ảnh hưởng 50%.
Đối với trường hợp phải nghỉ việc để điều trị sức khỏe (không được hưởng tiền lương) và có xác nhận của cơ sở y tế thì được xem xét, giải quyết chế độ ốm đau theo quy định của pháp luật về BHXH.
Với tác động và đề xuất như trên, ước tính sẽ có khoảng 1,5 triệu đến 3 triệu người được hưởng lợi từ chính sách này, tương ứng với 150.000 - 200.000 doanh nghiệp; số tiền dừng đóng và miễn lãi chậm đóng khoảng từ 24,7 - 49,5 nghìn tỷ đồng.
Nhóm giải pháp thứ hai là tập trung miễn đóng hoàn toàn bảo hiểm thất nghiệp cho người bị mất việc, ngừng việc do tác động của COVID-19, thời gian tính toán cũng từ tháng 3 đến hết tháng 12/2020. Có thể nói đây là thời cơ để sử dụng kết dư của quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Quỹ này sẽ sử dụng cho việc đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề của người lao động; hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động để giữ chân người lao động, đồng thời đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ, để khi tình hình ổn định thì người lao động quay trở lại làm việc.
Người lao động đến nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Cần Thơ
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho rằng: Quan điểm của Bộ là tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp, người lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp, thời hạn áp dụng là từ tháng 3 đến hết tháng 12/2020. Sau đó doanh nghiệp và người lao động phải đóng bù thời gian này mà không phải nộp tiền lãi chậm đóng; trong trường hợp miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp, đề xuất của Bộ hướng tới các doanh nghiệp và lao động ngừng việc, không tham gia sản xuất.
Khoảng 350.000 lao động được vay vốn ưu đãi
Với nhóm chính sách tín dụng đối với lao động và doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, Bộ Lao động – TBXH đề xuất hỗ trợ vay vốn ưu đãi đối với người lao động, ưu tiên lao động là người dân tộc thiểu số, lao động không có quan hệ lao động ở khu vực nông thôn, lao động phi chính thức ở khu vực thành thị; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh (cơ sở sản xuất kinh doanh) để tạo, duy trì và mở rộng việc làm, ưu tiên đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ ở khu vực thành thị…
Dự kiến, thời hạn vay tối đa là 12 tháng với lãi suất vay là 3,96%/năm, bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo. Cơ quan cho vay là Ngân hàng Chính sách xã hội.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng khẩu trang và nước sát khuẩn cho công nhân tại Thái Nguyên
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết: Việc hỗ trợ này sẽ hướng tới khoảng 350.000 lao động với mức vay bình quân 30 triệu đồng/lao động và 20.000 cơ sở sản xuất kinh doanh mức vay bình quân 500 triệu đồng/cơ sở.
Với nhóm chính sách hỗ trợ từ ngân sách, nhằm giúp doanh nghiệp khó khăn do Covid-19, Bộ Lao động - TBXH hướng tới việc đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp được vay tiền để trả lương trong trường hợp người lao động ngưng việc tạm thời. Qua đó giữ chân người lao động và tạo điều kiện để doanh nghiệp ổn định, phục hồi lại sản xuất và kinh doanh. Khi đó người lao động tiếp tục trở lại lao động bình thường.
Đối với nhóm hỗ trợ từ ngân sách địa phương thì đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp bị giải thể, phá sản trả trợ cấp thôi việc cho người lao động. Các địa phương nghiên cứu, xử lý tạm ứng từ ngân sách địa phương, được hoàn trả từ nguồn thu khi thực hiện thanh lý tài sản của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong điều kiện doanh nghiệp khó khăn thì Nhà nước sẽ cho vay tiền để trả lương, bảo hiểm, chi trợ cấp cho người lao động trong trường hợp người lao động thôi việc và mất việc. Với sự hỗ trợ này, Nhà nước không tính lãi. Khi doanh nghiệp ổn định trở lại thì doanh nghiệp có trách nhiệm trả lại khoản vay…
"Cuối cùng, nhóm giải pháp thứ sáu theo đề xuất của nhiều nghiệp đoàn, tập đoàn, Bộ Lao động - TBXH đã bàn với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có chính sách tạm hoãn đóng quỹ công đoàn cho các doanh nghiệp theo lộ trình phù hợp trong từng giai đoạn" – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết.

Trần Thắng

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật