An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Để Quỹ BHXH được quản lý và sử dụng hiệu quả
09:09 AM 15/11/2021
(LĐXH) - Năm 2021, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh, khiến nhiều người lao động mất việc làm, nhất là những địa phương có số lượng công nhân lao động tập trung lớn, như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Bình Thuận… làm đứt gãy đến chuỗi cung ứng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, thậm chí giải thể, phá sản, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế- xã hội của cả nước
Mặc dù vậy, BHXH các tỉnh, thành phố đã có những giải pháp phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh ở từng địa phương, thực hiện có hiệu quả, sáng tạo công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp để phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Vì vậy, trong 9 tháng năm 2021 đã phát triển được trên 14,5 triệu người tham gia BHXH. Trong đó, tham gia BHXH bắt buộc trên 13,4 triệu người; hơn 1,2 triệu người tham gia BHXH tự nguyện. Đáng chú ý, so với cuối năm 2020, số người tham gia BHXH bắt buộc tăng ở 18 tỉnh; tham gia BHXH tự nguyện tăng ở 42 tỉnh và tham gia BHYT tỉnh tăng ở 08 tỉnh, thành phố; đặc biệt có 9 tỉnh, số người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tăng cao so với năm 2020.
Với sự linh hoạt, nhạy bén và trách nhiệm, ngành BHXH Việt Nam đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, từ trực quan đến trực tuyến, từ lưu động đến truyền thanh trên hệ thống phát thanh của địa phương… để tuyên truyền về lợi ích, sự cần thiết và tầm quan trọng của chính sách BHXH tự nguyện đến các tầng lớp nhân dân lao động. Vì vậy, tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện ngày càng tăng cao, nhất là ở nhóm người lao động tự do, kinh doanh cá thể, nông dân và kể cả lao động biển…
ông Nguyễn Hữu Thông, Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Bình Thuận
Quỹ BHXH là quỹ ngoài ngân sách lớn nhất, được nhà nước quản lý thông qua hoạt động của Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Chủ tịch hội đồng; quỹ BHXH công khai, minh bạch và hằng năm đều được Quốc hội giám sát cũng như công khai trước Quốc hội. Quỹ BHXH được hình thành trên cơ sở sự đóng góp của Nhà nước, của chủ sử dụng lao động và đóng góp của người tham gia, được Nhà nước quản lý bảo toàn, tăng trưởng, có trách nhiệm bảo hộ cho người tham gia và cũng là cam kết chính trị của Nhà nước đối với chính sách an sinh xã hội. Do vậy, quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ. Người lao động, người dân ngày càng tin tưởng hơn về chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.
Qua báo cáo, thảo luận tại Quốc hội vừa qua, cho thấy quỹ BHXH đang được quản lý, sử dụng hiệu quả và bảo đảm được giá trị của quỹ BHXH thông qua sự đầu tư, tăng trưởng. Công tác chi trả các chế độ BHXH, BHTN được bảo đảm, kịp thời, hỗ trợ người dân, người lao động vượt qua khó khăn, nhất là trong tình hình dịch bệnh. Năm 2020, tổng số tiền chi trả các chế độ BHXH ước khoảng 240.765 tỷ đồng… Tuy nhiên, số liệu thực tế cho thấy lực lượng người tham gia BHXH còn thấp, đặc biệt là người tham gia BHXH bắt buộc, BHTN sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu năm 2021; số thu BHXH bắt buộc tăng, nhưng tỷ lệ tăng thấp hơn so với năm 2019; mức lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc và BHTN tăng không đáng kể, tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện thấp. Trong khi đó, số nợ, việc chậm đóng BHXH, BHTN lại có chiều hướng gia tăng trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Để quỹ BHXH được bảo toàn, nhằm bảo đảm khả năng chi trả các chế độ BHXH, BHTN được kịp thời và cân đối trong dài hạn, theo ông Nguyễn Hữu Thông, Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Bình Thuận, trong thời gian tới cần tập trung một số giải pháp sau:
Một là, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý về BHXH, tăng cường các định chế pháp luật; nghiên cứu, đề xuất một số điều khoản hợp lý để thúc đẩy doanh nghiệp và người lao động tham gia BHXH, BHYT; có giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng không chấp hành hoặc chấp hành chưa nghiêm túc pháp luật về BHXH.
Hai là, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để kịp thời thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHTN.
Ba là, có giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong việc phát triển người tham gia BHXH, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhóm lao động có quan hệ lao động nhưng không có hợp đồng lao động được tham gia BHXH bắt buộc, như: chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương…, đặc biệt lực lượng lao động ở khu vực phi chính thức, nhóm tham gia BHXH tự nguyện; hạn chế hưởng BHXH một lần.
Bốn là, các Bộ, ngành có liên quan cần đưa ra các giải pháp xử lý tiền nợ BHXH, BHTN, BHYT tồn đọng đối với một số đơn vị ngừng hoạt động kéo dài hoặc chờ phá sản, giải thể, chủ doanh nghiệp bỏ trốn... để không ảnh hưởng đến quyền lợi cho người lao động.
Năm là, ngành BHXH Việt Nam cần xây dựng các giải pháp phù hợp với từng giai đoạn, từng thời điểm, từng khu vực để phát triển người tham gia; giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHTN chính xác, kịp thời, thuận tiện nhất cho người thụ hưởng. Tăng cường thanh tra chuyên ngành đóng BHXH; thu hồi nợ và các khoản thanh toán chế độ BHXH, BHYT, BHTN không đúng quy định; tiếp tục đổi mới, kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Ngoài ra, để tăng cường phát triển quỹ BHYT, Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ BHYT cho người dân ở các vùng không còn thuộc diện hưởng BHYT do Nhà nước đảm bảo theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vì người nghèo trong khu vực này vẫn còn nhiều, tài chính còn eo hẹp, nên hiện tại chưa thể tự bỏ tiền mua  thẻ BHYT và điều này sẽ tác động đến việc thực hiện tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân. Cần xây dựng chính sách BHYT theo nhóm người thụ hưởng, không nên theo vùng hay khu vực như hiện nay, sẽ không công bằng và thiệt thòi cho người có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, cần bố trí nguồn ngân sách để nâng mức hỗ trợ tham gia BHYT đối với người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, đặc biệt là người cao tuổi có điều kiện khó khăn, người cao tuổi ở vùng dân tộc thiểu số; nâng mức hỗ trợ cho người làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; nghiên cứu phương án nâng mức đóng BHYT phù hợp với khả năng chi trả của người dân; Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT; xử lý nghiêm những hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT; nâng cao đạo đức nghề nghiệp, chất lượng KCB và chất lượng dịch vụ y tế; tăng cường mở rộng độ bao phủ của BHYT, đảm bảo tính bền vững của chính sách BHYT là vấn đề hết sức quan trọng đặt ra hiện nay.
Bảo Hoàng
 
TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công