Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Đề án 1956 góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở Ý Yên
02:39 PM 06/12/2019
LĐXH - Huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định) có khoảng 25 vạn dân, trong đó, có trên 14 vạn người đang ở độ tuổi lao động, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Hiện trên địa bàn huyện có 3 cụm công nghiệp với 195 doanh nghiệp, 37 điểm công nghiệp với hơn 70 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Ý Yên luôn quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, UBND huyện đã xây dựng Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn huyện Ý Yên đến năm 2020”. Để thu hút nông dân tham gia học nghề, các ngành chức năng phối hợp với các xã, thị trấn trong huyện tổ chức tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chính sách, quyền lợi của người lao động nông thôn tham gia học nghề theo Đề án 1956. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động trong độ tuổi, tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn học nghề phù hợp khả năng, điều kiện của bản thân.

Người dân Ý Yên gìn giữ nghề đúc đồng truyền thống

Trên cơ sở điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động và chỉ tiêu của UBND tỉnh giao về đào tạo nghề, huyện mở các lớp dạy nghề gắn với quy hoạch vùng sản xuất của các xã, thị trấn và nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp trên địa bàn. UBND huyện giao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký hợp đồng với những cơ sở đào tạo nghề có uy tín, chất lượng đã được UBND tỉnh phê duyệt, như: Trường Trung cấp nghề Thủ công mỹ nghệ truyền thống Nam Định, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp Thanh niên, Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm Thành phố Nam Định, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định tổ chức các lớp đào tạo nghề cho người lao động. Năm 2018, thực hiện Đề án 1956, theo chỉ tiêu, huyện đã mở 7 lớp dạy nghề trình độ sơ cấp cho 233 lao động, gồm 2 lớp nghề may công nghiệp (70 học viên) tại xã Yên Bình; 2 lớp nghề thêu ren (70 học viên) tại xã Yên Mỹ và 1 lớp nghề may công nghiệp (20 học viên) tại xã Yên Đồng; 1 lớp chăn nuôi lợn và 1 lớp trồng cây lương thực thực phẩm (mỗi lớp 35 học viên). Ngoài thực hiện đào tạo nghề theo Đề án 1956, huyện còn mở 12 lớp đào tạo nghề theo các chương trình khác, gồm: 5 lớp may công nghiệp (160 học viên), 1 lớp đúc đồng mỹ nghệ (20 học viên), 2 lớp kỹ thuật điêu khắc gỗ (70 học viên), 1 lớp hàn (20 học viên) và 1 lớp mộc mỹ nghệ (35 học viên). Sau khoá học, người lao động đều nắm được các kiến thức, kỹ năng cơ bản và đều tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định. Các học viên sau khi được đào tạo nghề đều có việc làm phù hợp; nhiều người đã mạnh dạn áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình. Theo khảo sát của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, tỷ lệ học viên có việc làm sau khóa học đạt 80-85%.

Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể trong huyện như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên và UBND các xã, thị trấn mỗi năm tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho hàng nghìn hội viên và nhân dân địa phương. Qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động ngành nghề, tăng năng suất lao động, hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập. Cùng với công tác đào tạo nghề, huyện huy động các nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ người lao động đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất. Hàng năm, có hàng nghìn lượt hộ, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong huyện được vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ hàng chục tỷ đồng. Với sự nỗ lực của các cấp, ngành cùng với những giải pháp hiệu quả trên, bình quân mỗi năm, huyện Ý Yên đã tạo thêm việc làm mới cho trên 1.000 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của huyện hiện đạt 45%.

Nhờ được đào tạo kỹ thuật canh tác, năng suất lao động tăng cao, thu nhập của bà con nông dân dần được cải thiện

Với việc vận dụng liên hoạt, sáng tạo nhiều giải pháp, đến nay, cơ cấu kinh tế của huyện được chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại - dịch vụ. Thế mạnh kinh tế làng nghề (đúc đồng, gỗ mỹ nghệ, sơn mài...) của huyện được phát huy mạnh mẽ. Trên lĩnh vực nông nghiệp, huyện đã hình thành vùng trồng lúa chất lượng cao tại 24/32 xã, thị trấn với diện tích 7.943ha, chiếm 60,3% diện tích gieo cấy toàn huyện; hình thành vùng sản xuất cây màu ở các xã: Yên Cường, Yên Đồng, Yên Nhân, Yên Dương, Yên Thắng, Yên Lộc, Yên Phúc... với diện tích 2.944 ha, chiếm 57,5% diện tích trồng màu toàn huyện. Huyện cũng đã hình thành được 8 cánh đồng lớn (quy mô từ 20 ha trở lên), với tổng diện tích 320 ha. Kinh tế phát triển giúp nhiều lao động nông thôn trong huyện có thêm việc làm, thu nhập. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương được nâng lên. Trong đó, thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ 11,74 triệu đồng (năm 2010) lên 44,92 triệu đồng (năm 2018); tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 1%... Đến hết năm 2018, 100% số xã trong huyện thực hiện đạt đủ 19 tiêu chí nông thôn mới Quốc gia.

Năm 2019, huyện Ý Yên xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho 700 lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Để thực hiện hiệu quả Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trên địa bàn, huyện tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về vai trò đào tạo nghề đối với tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn. Tập trung cao cho công tác giới thiệu, tạo việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động đã tham gia học nghề. Tăng cường sự phối hợp giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp và người học giải quyết việc làm cho người học nghề.

Trần Huyền

 

TAG:
Tin khác
Thành phố Bắc Kạn: Đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động
Trung tâm Dịch vụ việc làm Yên Bái tăng cường kết nối cung – cầu lao động
Nam Định: Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả
Nghệ An kết nối cung cầu tạo việc làm bền vững cho người nghèo
Nam Định: Hỗ trợ việc làm bền vững cho người nghèo
Quảng Ngãi hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động
Nam Định: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội
Tăng cường tập huấn nghiệp vụ phân tích dự báo về thị trường lao động góp phần giảm nghèo bền vững
Cà Mau: Hỗ trợ phát triển thị trường lao động, kết nối việc làm bền vững