Đẩy mạnh công tác y tế trường học, nâng cao sức khỏe và dinh dưỡng học đường
(LĐXH) - Trong 2 ngày (14-15/03/2024), tại Vĩnh Phúc, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em phối hợp với Quỹ Mars Wrigley tổ chức Hội thảo chia sẻ về công tác y tế trường học và tổng kết Dự án “Sức khỏe và Dinh dưỡng Học đường” sau 12 năm triển khai (2011-2024) tại 125 trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở thuộc các địa phượng: quận Hà Đông (thành phố Hà Nội), Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh và Tiền Giang.
Đại diện một số đơn vị phát triển tại Hội thảo
Hội thảo không chỉ đánh giá hiệu quả các hoạt động dự án mà còn là cơ hội để các đối tác chia sẻ các bài học kinh nghiệm và những mô hình tốt trong công tác y tế trường học tại Việt Nam. Buổi hội thảo có sự tham gia của đại diện Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện nhà tài trợ, cùng gần 100 đại biểu đến từ các Sở Giáo dục và Đào tạo tại nhiều địa phương trên cả nước.
Dự án “Sức khỏe và Dinh dưỡng Học đường” được thực hiện ở 3 quốc gia châu Á (bao gồm Trung Quốc, Philippines và Việt Nam) với mục tiêu cải thiện sức khỏe và kết quả học tập của trẻ em trong độ tuổi đi học thông qua việc tăng cường sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng tại trường học. Tại Việt Nam, các can thiệp của dự án được xây dựng dựa trên nỗ lực chung nhằm thực hiện các mục tiêu Chiến lược quốc gia của Chương trình Sức khỏe học đường qua từng giai đoạn 2011-2015, 2016-2020 và 2021-2025. Không chỉ dừng lại ở các nội dung Sức khỏe và Dinh dưỡng học đường quen thuộc như: Sức khỏe răng miệng, dinh dưỡng theo độ tuổi, khám sức khỏe định kỳ, bảo vệ thị lực ở trẻ, dự án còn mở rộng với nhiều chủ đề "nóng hổi" đang được quan tâm như: giới và giới tính, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tâm thần, bạo lực học đường trên cơ sở giới...
Qua 6 giai đoạn thực hiện, dự án đã hỗ trợ việc cải thiện cơ sở vật chất trường học gồm 122 khu vực rửa tay, nhà vệ sinh, vườn cây dinh dưỡng, tổ chức được hơn 30.000 lớp học lồng ghép kiến thức chăm sóc sức khoẻ răng miệng, sức khoẻ học đường, 460 sự kiện truyền thông cấp trường và tổ chức sinh hoạt với 196 câu lạc bộ. Theo khảo sát cuối kỳ vào tháng 12/2023, tỷ lệ học sinh, người chăm sóc trẻ và giáo viên có sự cải thiện về kiến thức, thái độ và hành vi chăm sóc sức khỏe sau khi tham gia dự án lần lượt là 70,9%, 49,3% và 50,3%. Riêng trong năm học 2022-2023, tỷ lệ học sinh đánh giá nhà vệ sinh sạch sẽ và an toàn đã tăng 16,4% so với năm trước, và đây cũng là lý do chính giúp tỉ lệ sử dụng nhà vệ sinh tại trường đạt 84,5%. Liên kết giữa nhà trường, phụ huynh và học sinh đã trở thành yếu tố quan trọng, giúp tăng cường thực hành chăm sóc sức khỏe học đường, với 98,6% phụ huynh tham gia chương trình tin nhắn đã chia sẻ và áp dụng các chủ đề này với con tại nhà. Với những kết quả tích cực này, mô hình can thiệp của dự án đã được nhân rộng thêm 142 trường ngoài dự án và nhận được phản hồi tích cực từ các địa phương. Đồng thời, 100% các trường tham gia dự án cam kết duy trì và nhân rộng các hoạt động giáo dục và truyền thông về sức khoẻ học đường trong thời gian tới.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Chia sẻ tại sự kiện, ông Lê Văn Tuấn – Chuyên viên cấp cao Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao kết quả đạt được của dự án, cũng như sự hợp tác, hỗ trợ của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đối với Bộ nhằm nâng cao chất lượng y tế học đường trong thời gian qua. Một số thành tựu nổi bật có thể kể đến là việc phối hợp xây dựng và ban hành bộ tài liệu thuộc chương trình “Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho nhân viên y tế trường học” theo Quyết định số 354/QĐ-BGDĐT ngày 22/01/2024, hợp tác xây dựng Thông tư số 18/2023-TT-BGDĐT và hỗ trợ tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị về chủ đề y tế trường học. Công tác y tế trường học đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế như Tổ chức Cứu trợ Trẻ em nhằm nâng cao trình độ đội ngũ y tế trường học, cải thiện cơ sở vật chất, tăng cường các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh, cha mẹ và cộng đồng”.
Về Tổ chức Cứu trợ Trẻ em:
Tổ chức Cứu trợ Trẻ em là một tổ chức phi Chính phủ quốc tế hoạt động nhằm đảm bảo quyền sống còn, được bảo vệ, phát triển và tham gia của trẻ em trên toàn thế giới. Tổ chức Cứu trợ Trẻ em được thành lập tại Vương quốc Anh vào năm 1919 và hiện đang hoạt động tại khoảng 116 quốc gia. Tổ chức Cứu trợ Trẻ em bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1990, kể từ đó đã mở rộng hoạt động ra sáu lĩnh vực chương trình chính bao gồm: Giáo dục, Sức khỏe và Dinh dưỡng, Bảo vệ trẻ em, Quản trị quyền trẻ em, Giảm nghèo cho trẻ em và thanh thiếu niên, Giảm thiểu rủi ro thiên tai và Ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong tất cả các chương trình, Tổ chức thúc đẩy các phương pháp tiếp cận dựa trên quyền và tập trung vào các nhóm trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em di cư, trẻ em khuyết tật và các nhu cầu đặc biệt của trẻ em và thanh thiếu niên thuộc mọi giới tính. Ở Việt Nam, Tổ chức hiện hoạt động tại 22 tỉnh, thành trên cả nước và có mối quan hệ đối tác với các cơ quan chính phủ, tổ chức xã hội, khối doanh nghiệp, các viện nghiên cứu.
Về Quỹ Mars Wrigley:
Quỹ Mars Wrigley được thành lập với mong muốn cải thiện sức khỏe thể chất – tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống và lan tỏa tinh thần hạnh phúc đến với cộng đồng, thông qua các chương trình dự án giáo dục, chăm sóc sức khỏe răng miệng, thúc đẩy đổi mới ở vùng nông thôn và tăng cường sự kết nối xã hội.
Chúng tôi thể hiện cam kết của mình trong việc đồng hành cùng những cộng đồng dễ bị tổn thương trên toàn thế giới thông qua các đối tác tin cậy tại địa phương, nhằm đáp ứng nhanh chóng với nhu cầu thực tế của cộng đồng và chia sẻ nguồn lực trong thời kỳ khó khăn, khủng hoảng.
Hồng Phượng
TAG: