Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã xây dựng, triển khai nhiều cơ chế, chính sách, đề án, chương trình nhằm nâng cao hiệu quả công tác tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên. Tuy nhiên, nhìn chung hoạt động tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề và giải quyết việc làm đối với thanh niên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Nhận thức của một bộ phận thanh niên và xã hội về đào tạo nghề, tạo việc làm, nghề nghiệp chưa đầy đủ; công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, thanh niên còn nhiều hạn chế.Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm trong thanh niên có xu hướng tăng; chất lượng việc làm chưa cao, thiếu việc làm hoặc không có việc làm thường xuyên, năng suất lao động thấp.
Theo bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, quý I/2018 cả nước có 1,064 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,2%; tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là 7,25%. Trong giai đoạn tới đây, cơ cấu lao động trẻ tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng tăng trong khu vực công nghiệp và dịch vụ, giảm trong nông nghiệp; có xu hướng di chuyển lao động tự do, thu hẹp khu vực công, mở rộng khu vực tư ở tất cả các lĩnh vực; tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm sẽ tiếp tục là mối quan tâm xã hội lớn của thanh niên.
Ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, giai đoạn từ 2011 - 2017, hằng năm cả nước đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,5-1,6 triệu lao động (năm 2016: 1,641 triệu lao động, năm 2017: 1,633 triệu lao động), trong đó khoảng 60-65% là lao động thanh niên.
Song song với việc đẩy mạnh tạo việc làm trong nước, Việt Nam cũng tích cực triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án nhằm đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Từ năm 2006 đến 2010, cả nước đưa được khoảng 360 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; từ 2011-2017, cả nước đã đưa được trên 826 nghìn lao động, tập trung ở các thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, …, trong đó chủ yếu là lao động thanh niên (chiếm 80-90%).
Nhằm đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, từ năm 2006 đến nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tập trung đầu tư nâng cao năng lực cho hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và các Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm của Trung ương Đoàn thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm.
Giai đoạn 2011 – 2017, các Trung tâm đã tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho khoảng 16,8 triệu lượt lao động, trong đó số tìm được việc làm thông qua hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm chiếm khoảng 30% (tương đương khoảng 5 triệu lượt lao động). Các Trung tâm không ngừng đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, chú trọng tổ chức các sàn giao dịch việc làm định kỳ, thường xuyên, tạo cơ hội cho người lao động, chủ yếu là thanh niên, học sinh, sinh viên tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp. Đến nay, cả nước đã có 48 Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức sàn giao dịch việc làm (bình quân một phiên giao dịch thu hút từ 25-30 doanh nghiệp, 400-450 lao động tham gia (80-90% là thanh niên), trong đó có 200-230 lao động được sơ tuyển, phỏng vấn). Ngoài ra, các Trung tâm cũng chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm dành riêng thanh niên, sinh viên mới tốt nghiệp; tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên trong các nhà trường phổ thông, các cơ sở đào tạo; tổ chức các phiên giao dịch việc làm vệ tinh xuống khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, tạo thuận lợi cho lao động nông thôn tiếp cận các thông tin việc làm trong và ngoài nước.
Đẩy mạnh công tác phân luồng, hướng nghiệp và dạy nghề cho thanh niên
Bên cạnh đó, nhằm định hướng cho công tác đào tạo cũng như lựa chọn ngành nghề của học sinh, sinh viên, thanh niên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động, tích cực thực hiện nhiều giải pháp như: hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, thu thập, cập nhật, phổ biến thông tin thị trường lao động; tổ chức điều tra nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp; thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu cung – cầu lao động hàng năm; chỉ đạo hệ thống các Trung tâm dịch vụ việc làm thành lập bộ phận phân tích, dự báo thị trường lao động; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) định kỳ hàng quý công bố Bản tin cập nhật Thị trường lao động; tăng cường công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của xã hội, thanh niên về học nghề, lập nghiệp qua các phương tiện thông tin đại chúng, các ấn phẩm truyền thông, các trang mạng, xây dựng ứng dụng Chọn nghề - Chọn trường trên thiết bị di động …
Hiện nay, Việt Nam đang trong thời kỳ toàn cầu hóa – tự do hóa, liên kết, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ mở ra nhiều cơ hội và thách thức trong giải quyết việc làm bền vững cho thanh niên. Theo Tổ chức lao động quốc tế ILO, quá trình chuyển tiếp của thanh niên từ học tập sang tham gia thị trường lao động không chỉ dừng lại ở việc đo lường thời gian từ khi rời ghế nhà trường (bao gồm cả tốt nghiệp và bỏ học giữa chừng) cho đến khi làm công việc đầu tiên, mà còn bao gồm các yếu tố định tính như chất lượng công việc đó như thế nào, có ổn định hay không...
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày và chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm về công tác tư vấn giới thiệu việc làm; sáng kiến, ý tưởng kiến tạo khởi nghiệp, mô hình khởi nghiệp hay. Đồng thời, nêu lên những đề xuất, kiến nghị, khó khăn, vướng mắc trong quá trình khởi nghiệp thanh niên, sinh viên để từ đó, đưa ra những giải pháp hỗ trợ thanh niên lập nghiệp cũng như có được sự định hướng, chuẩn bị cần thiết về nghề nghiệp trong tương lai.
Hà Giang