Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ việc làm – Giải pháp giảm nghèo bền vững ở huyện Sơn Động
(LĐXH)- Nhận thức rõ giải quyết việc làm là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm nghèo bền vững, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang đã tận dụng các nguồn lực nhằm hỗ trợ, tạo cơ hội việc làm cho người lao động, đặc biệt là nguồn lực từ Tiểu dự án 3, thuộc Dự án 4, Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.
Sơn Động là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh Bắc Giang có 14 dân tộc cùng chung sống. Đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tại 100% thôn, bản, khu dân cư, trong đó dân tộc Tày có hơn 16.500 người, Nùng 6.805 người, Cao Lan 6.510 người, Dao hơn 3.700 người, Sán Chí gần 3.600 người, Hoa 1.247 người.
Cùng với các chính sách đặc thù phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Sơn Động luôn xác định giúp người dân có kiến thức, kỹ năng nghề, việc làm mới với thu nhập ổn định chính là trao cho họ chiếc “cần câu” hiệu quả nhất để giảm nghèo bền vững.
Năm nay, huyện được phân bổ hơn 4 tỷ đồng từ kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó, hơn 1,1 tỷ đồng để hỗ trợ việc làm bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo từ nguồn vốn của Tiểu dự án 4, Dự án 4, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Với kinh phí này, huyện đã tổ chức 25 lớp đào tạo nghề cho khoảng 750 lao động nông thôn; tổ chức cung cấp thông tin thị trường lao động, giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động.
Được giao chủ trì triển khai dự án, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã triển khai các hoạt động: Xây dựng cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động; tổ chức điều tra dữ liệu lao động để quản lý, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác; tổ chức các phiên giao dịch việc làm; hỗ trợ kết nối việc làm thành công (có giao kết hợp đồng lao động) cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin thị trường lao động, việc làm giúp chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng kịp thời nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tạo cơ hội để người nghèo có việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững. Được biết, theo kết quả điều tra hộ nghèo năm 2023, huyện Sơn Động còn gần 3,3 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 15,59%.
Thực hiện chỉ đạo của huyện, mới đây Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành khảo sát đối với hơn 64 nghìn người lao động, thu thập thông tin về trình độ giáo dục, trình độ chuyên môn kỹ thuật, tình trạng tham gia hoạt động kinh tế (có việc làm, thất nghiệp, không tham gia hoạt động kinh tế). Kết quả điều tra cũng giúp địa phương có thêm căn cứ để mở các lớp dạy nghề, bồi dưỡng kiến thức phát triển sản xuất, tư vấn giới thiệu việc làm phù hợp với từng đối tượng.
Cuối tháng 10/2024, tại thị trấn An Châu, UBND huyện Sơn Động đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức Ngày hội việc làm năm 2024. Đây là hoạt động thuộc Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024. Ngày hội việc làm đã cung cấp nhiều thông tin về lĩnh vực lao động, việc làm, thị trường lao động trong nước, xuất khẩu lao động; đào tạo nghề, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng lao động, các cơ sở đào tạo nghề tuyển sinh. Cùng với đó, định hướng nghề nghiệp, tư vấn những kỹ năng mềm cho lao động trẻ khi đi xin việc; tạo cầu nối giữa doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động và người lao động cần tìm việc làm.
Tại Ngày hội, 12 doanh nghiệp đăng thông tin tuyển dụng ngay gần 3 nghìn vị trí việc làm dành cho lao động phổ thông và cung cấp nhiều cơ hội việc làm theo chương trình hợp tác lao động với nước ngoài tại các quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia...; đưa ra các tiêu chí về năng lực, trình độ, sức khỏe, công việc, mức lương, thưởng, điều kiện an sinh để người lao động lựa chọn.
Dịp này, một số lao động chấp hành xong án phạt tù cũng được Công an huyện phối hợp với các doanh nghiệp tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp, giúp họ có việc làm, thu nhập ổn định, tái hòa nhập cộng đồng.
Được biết, thông qua các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Sơn Động đã có hơn 2,5 nghìn lao động được tạo việc làm mới. Trong số này có khoảng 150 người đi xuất khẩu lao động, còn lại làm việc trong nước với các nghề: May mặc, điện tử, cơ khí, sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ…
Theo đánh giá của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, các chính sách về lao động, việc làm đã góp phần nâng cao tiêu chí về thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện. Giai đoạn 2020-2023, tỷ lệ hộ nghèo của Sơn Động giảm bình quân 5%/năm, cao hơn mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra là giảm 2,5 - 3%/năm. Năm 2024, huyện phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,44%.
Dù đã có những kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo song so với mặt bằng chung của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo của Sơn Động vẫn còn cao (hiện còn 15,59%). Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, Sơn Động ra khỏi danh sách huyện nghèo, UBND huyện đẩy mạnh phân cấp cho các ngành, đơn vị chuyên môn, UBND xã, thị trấn bám sát chức năng, nhiệm vụ, tập trung giải ngân vốn đầu tư, triển khai các dự án hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm phù hợp với nhu cầu của người dân và đặc thù vùng phát triển cây ăn quả, cây lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Hải Uyên
TAG:
hỗ trợ việc làm