Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Vĩnh Long - Bài 1: Dạy nghề gắn với giải quyết việc làm
Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long được các địa phương chú trọng thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực. Thông qua công tác đào tạo và gắn kết với giải quyết việc làm đã góp phần thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo tại các địa phương.
Linh hoạt trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Hiện nay, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đang có nhiều đổi mới, chuyển hướng từ đào tạo theo năng lực sẵn có của các cơ sở đào tạo sang hướng gắn với nguyện vọng của người học. Công tác đào tạo nghề cũng gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của doanh nghiệp, hướng đến việc giải quyết và duy trì việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động sau học nghề.
Xã Đông Thành là một trong những địa bàn có đông đồng bào dân tộc Khmer của thị xã Bình Minh, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông nên thu nhập không cao. Nhằm góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên thị xã Bình Minh đã tổ chức lớp học đan lát để người dân tham gia.
Bà Thạch Thị Thắm, ngụ xã Đông Thành, thị xã Bình Minh chia sẻ: Ở đây người dân quanh năm chỉ biết làm ruộng. Từ lúc mở lớp học đan lát, bà con cũng tranh thủ đi học. Lớp học tổ chức ngay trong ấp nên thuận tiện cho phụ nữ tham gia, học một buổi còn một buổi vẫn đi ruộng. Ai có con nhỏ thì dẫn theo vừa trông con vừa học. Học rành nghề có việc làm luôn nên mỗi tháng chị em có thêm thu nhập 1 triệu đồng, phụ đóng tiền điện, tiền nước, cho con đi học.
Giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên thị xã Bình Minh Sơn Thị Sây Ha cho biết: Nghề đan lát không đòi nhiều về kỹ thuật, học vấn, không giới hạn thời gian nên người dân có thể tận dụng thời gian nông nhàn. Trung tâm đã liên kết với các cơ sở sản xuất để đảm bảo đầu ra nên khi học xong là người học có việc làm ngay. Trung bình mỗi tháng mỗi người cũng thu nhập hơn 1 triệu đồng.
Các trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh cũng đa dạng hóa hình thức tổ chức lớp dạy nghề, tạo điều kiện để người dân vừa tham gia đầy đủ các tiết học, tiếp thu được kiến thức vừa duy trì được công việc và thu nhập hiện tại.
Lớp học nghề xây dựng dân dụng đang được đánh giá là mô hình dạy nghề hiệu quả cho lao động nông thôn vì vừa nâng tay nghề, tạo việc làm cho người thu nhập, vừa góp phần xây dựng các công trình phúc lợi xã hội tại địa phương. Trong năm 2019, tại huyện Mang Thít, tỉnh đã mở 3 lớp. Anh Nguyễn Văn Tâm, ngụ xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít ban ngày đi làm phụ hồ, ban đêm đi học lý thuyết. Tay nghề của anh được nâng lên, sau khi hoàn thành khóa học được cấp chứng chỉ nên có thu nhập cao hơn.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Mang Thít Nguyễn Văn Nguyên, lớp học nghề xây dựng được tổ chức linh động về thời gian để vừa đảm bảo nội dung đào tạo vừa tạo điều kiện để học viên tham gia lao động, có thêm thu nhập. Đặc biệt, trong phần thực hành, các học viên được hướng dẫn để xây dựng các công trình phục vụ giao thông tại địa phương, xây nhà cho người nghèo nên rất nhiệt tình tham gia, phát huy hiệu quả của lớp học.
Tăng thu nhập cho lao động nông thôn
Với đặc trưng không đòi hỏi quá nhiều về học vấn, sức khỏe, độ tuổi, thời gian nên các lớp học nghề thủ công mỹ nghệ như đan thảm lục bình, đan giỏ... là những nghề thu hút khá nhiều lao động nông thôn tham gia trong thời gian qua. Tận dụng thời gian nông nhàn, lao động nông thôn có việc làm với mức thu nhập bình quân từ 1,5 đến 3 triệu đồng, giúp trang trải thêm chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Bà Nguyễn Bích Phượng, ngụ xã Phú Đức, huyện Long Hồ cho biết mỗi ngày bà đan được từ 10-15 tấm thảm, thu nhập gần 50.000 đồng/ngày. Còn bà Nguyễn Thị Hồng Xuân, xã Tích Thiện có thêm thu nhập mỗi tháng hơn 1,5 triệu đồng từ nghề đan giỏ. Hàng ngày, ngoài thời gian đưa đón con đến trường, chăm sóc ruộng vườn, bà tranh thủ đan từ 5 - 6 cái giỏ.
Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tích Thiện (huyện Trà Ôn) Võ Thị Tố Lan cho biết, đa phần hội viên phụ nữ của xã sống dựa vào hoạt động nông nghiệp, thời gian nông nhàn thường không có việc làm. Vì thế Hội phối hợp với Trung tâm dạy nghề tổ chức các lớp thủ công mỹ nghệ. Hàng tháng, nếu chịu khó mỗi người làm cũng có thêm thu nhập 1-2 triệu đồng, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo đánh giá của các địa phương, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với việc làm đã tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần giúp chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết tốt việc làm cho người dân nông thôn. Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Phú Huỳnh Văn Sơn cho biết, xã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội mở được nhiều lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, qua đó góp phần nâng cao tay nghề, trình độ kỹ thuật cho lao động nông thôn và phát triển kinh tế gia đình.
Năm 2019, toàn tỉnh Vĩnh Long tổ chức được 207 lớp đào tạo nghề cho 5.405 lao động nông thôn với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng. Hơn 50% học viên tham gia các lớp đào tạo nghề được giới thiệu việc làm phù hợp với nhu cầu và có thu nhập ổn định. |
Lê Thúy Hằng
TAG: