Đạo diễn, diễn viên Mai Thu Huyền là cầu nối đưa “ngọn đuốc điện ảnh quốc tế” về Việt Nam
(LĐXH)-Chiều ngày 19/6/2024, Chiến dịch Ngọn đuốc quốc tế cho điện ảnh thế giới do Quỹ Liên hoan phim Quốc tế Jaipur (JIFF) của Ấn Độ khởi xướng, phối hợp cùng Hội Điện ảnh Việt Nam và Công ty Tincom Media chính thức phát động tại thủ đô Hà Nội, Việt Nam, thu hút sự tham gia của đông đảo các cấp lãnh đạo quản lý ngành điện ảnh, các hiệp hội, các nhà làm phim, các nghệ sĩ và các phóng viên báo đài khu vực miền Bắc.
Vào năm 2022, Liên hoan phim quốc tế Jaipur (JIFF) đã tổ chức thành công Chiến dịch Ngọn đuốc Quốc gia tại một số thành phố của Ấn Độ để quảng bá điện ảnh khu vực với tiêu đề “JIFF Indian Toàn cảnh“. Chiến dịch nhằm nâng cao sự công nhận toàn cầu đối với điện ảnh Ấn Độ với mục tiêu mang lại một bản sắc mới cho điện ảnh khu vực. Chiến dịch phần 1 này đã rất thành công tại Ấn Độ và phần thứ hai của chiến dịch ngọn đuốc sẽ dành cho điện ảnh thế giới. Sau khi phát động thành công tại các thành phố New Delhi, Hyderabad và Trivandrum ở Ấn Độ, Việt Nam là nước đầu tiên ở khu vực châu Á cũng như quốc tế mở màn cho chiến dịch lớn nhất này của điện ảnh Ấn Độ.
Chiến dịch Ngọn đuốc quốc tế cũng nhằm nâng cao nhận thức về hướng đi của điện ảnh thế giới ngày nay, khơi dậy một cuộc tranh luận mới liên quan đến các vấn đề của điện ảnh thế giới và điện ảnh quốc gia. Với ý tưởng thắp ngọn đuốc cho ngành điện ảnh quy mô quốc tế, sau Việt Nam, ngọn đuốc sẽ tiếp tục đi đến các nước châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Iran, Dubai, Ả Rập Saudi… Sau đó là đến các nước châu Âu: Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy, Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Sĩ, Đức, Ba Lan, Áo, Ý, Hy Lạp, Romania… tiếp đó là các quốc gia thuộc Châu Mỹ như: Canada, Hoa Kỳ, Mexico, Colombia, Brazil, Chile, Argentina, Úc, Nam Phi và nhiều quốc gia khác.
Tổ chức sáng lập Chiến dịch Ngọn đuốc quốc tế hi vọng rằng đây sẽ là sự kiện được đón nhận nhiều sự quan tâm từ những người làm điện ảnh và công chúng quốc tế, tạo tiền đề cho những cuộc đối thoại, giao lưu và kết nối điện ảnh Ấn Độ với điện ảnh thế giới. Theo đó, Ban tổ chức sẽ tiếp tục mở rộng quy mô quốc gia trong 18 tháng tới, hướng đến thu hút khoảng 200 triệu người trên toàn thế giới. Nhìn chung, "Chiến dịch Ngọn đuốc Quốc tế" là một sáng kiến quan trọng nhằm tôn vinh và quảng bá sự đa dạng và phong phú của điện ảnh trên quy mô toàn cầu.
Là một nhà làm phim trẻ, thời gian qua rất năng động tích cực tìm kiếm nhiều cơ hội hợp tác sản xuất quay phim tại nước ngoài, cũng như quảng bá điện ảnh Việt Nam ra thế giới nói chung và tại thị trường Ấn Độ nói riêng, đạo diễn, nhà sản xuất, diễn viên Mai Thu Huyền chính là cầu nối đưa “ngọn đuốc điện ảnh quốc tế” về Việt Nam. Cơ duyên này được bắt nguồn từ Liên hoan phim New Delhi (NDFF) diễn ra vào ngày 28/3/2024 khi ngọn đuốc này được thắp sáng và cũng trong lễ trao giải này thì bộ phim điện ảnh âm nhạc Việt Nam “Đoá hoa mong manh” của Mai Thu Huyền đã vinh dự đạt giải đặc biệt của Ban giám khảo là Top 3 bộ phim truyện xuất sắc nhất. Từ đó, JIFF đã đề xuất hợp tác với Tincom Media và Hội Điện Ảnh Việt Nam để cùng đồng tổ chức sự kiện đặc biệt này tại thủ đô Hà Nội.
Đạo diễn, diễn viên Mai Thu Huyền tặng hoa ông Hanu Roj- Giám đốc sáng lập Liên hoan phim quốc tế Jaipur (JIFF)
Sắp tới đây, bộ phim “Đóa Hoa Mong Manh” do Mai Thu Huyền đạo diễn cũng sẽ chính thức chiếu tại Ấn Độ với 2 phiên bản lồng tiếng Anh và tiếng Hindi, hứa hẹn mở ra một thị trường mới khá tiềm năng cho các nhà sản xuất phim Việt Nam. Chia sẻ về lý do đồng tổ chức sự kiện này tại Việt Nam, Đạo diễn Mai Thu Huyền cho biết: “Trong hành trình tham gia các liên hoan phim quốc tế và quảng bá phim ở nhiều quốc gia, tôi đã nhận được rất nhiều lời đề nghị hợp tác sản xuất phim tại Việt Nam, trong đó có khá nhiều nhà sản xuất phim tại Ấn Độ. Chính vì vậy, tôi rất hy vọng Chiến dịch Ngọn đuốc điện ảnh quốc tế lần này sẽ là cầu nối mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa 2 nền điện ảnh Việt Nam và Ấn Độ, cũng như giúp điện ảnh Việt Nam hội nhập với điện ảnh khu vực và thế giới”.
Đại diện lãnh đạo Hội Điện Ảnh Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tân- Phó Chủ tịch thường trực phát biểu tại sự kiện: “Chiến dịch Ngọn đuốc điện ảnh quốc tế sẽ góp phần để Điện ảnh Châu Á - trong đó có Ấn Độ và Việt Nam chúng ta đóng góp hữu ích cho một nền văn hóa nhân loại hòa bình, hòa hợp, khoan dung và chữa lành theo tinh thần Công ước UNESCO 2005 về bảo tồn và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa. Tôi hy vọng các nhà làm phim, cơ quan quản lý ngành và tổ chức nghề nghiệp hai nước cần kịp thời có biện pháp đẩy mạnh sự giao lưu, hợp tác và tiến tới đích quan trọng là làm sao để phim Ấn Độ và phim Việt Nam đều có thể vào chiếu thương mại tại cả hai nước”.
Phát biểu chúc mừng tại sự kiện, Bà Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - cho rằng Ấn Độ là "kinh đô điện ảnh" của khu vực: "Bollywood có những phim mang bản sắc văn hóa, âm nhạc hấp dẫn và những chuyện tình thấm đẫm nước mắt. Nhiều thế hệ khán giả Việt Nam biết đến điện ảnh Ấn Độ trước khi biết đến các nền điện ảnh khác trên thế giới. Tôi hy vọng chiến dịch này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các nhà làm phim Việt Nam và Ấn Độ cùng trao đổi, truyền cảm hứng, tiếp cận nguồn lực và cùng nhau kể câu chuyện Việt Nam, câu chuyện Ấn Độ, đóng góp vào bức tranh đa dạng của văn hóa thế giới thông qua điện ảnh theo hướng bền vững", bà Hòa nói.
Ngoài hoạt động thắp đuốc thì nội dung thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà làm phim và giới truyền thông là Toạ đàm với chủ đề “Điện ảnh thế giới với sự tham khảo của Điện ảnh Việt Nam và Điện ảnh Ấn Độ” cùng sự tham gia của các diễn giả đều là những nhà làm phim dầy dặn kinh nghiệm và có nhiều cống hiến cho điện ảnh Việt Nam. Các vấn đề được đưa ra như: Điện ảnh Việt Nam và Ấn Độ đứng ở đâu trong bản đồ điện ảnh thế giới, những nhà làm phim toàn cầu của thế giới hiện nay là ai? Làm thế nào các liên hoan phim có thể toàn cầu hóa điện ảnh thế giới? Điện ảnh thế giới cần thiết như thế nào để bảo tồn văn hóa và truyền thống của chúng ta? Làm thế nào điện ảnh thế giới có thể làm nảy sinh mối quan hệ hữu nghị giữa hai con người, hai quốc gia? Làm thế nào Ấn Độ và Việt Nam có thể hợp tác cùng nhau trong lĩnh vực điện ảnh và vai trò của các chính phủ trong vấn đề này.…
Bà Ngô Thị Bích Hạnh - Phó chủ tịch cấp cao Công ty BHD cho biết: “Điện ảnh Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển vàng. Bên cạnh những phim đạt doanh thu phòng vé tốt, chúng ta cũng có các bộ phim nghệ thuật đoạt giải thưởng cao tại các liên hoan phim uy tín của thế giới như: Cannes, Berlin, Busan…Nhưng nhìn chung, điện ảnh Việt Nam vẫn đang còn hết sức bé nhỏ, đường đến với thế giới vẫn còn là một chặng rất dài”.
Được mời làm giám khảo trong rất nhiều liên hoan phim quốc tế, Đạo diễn Lương Đình Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các liên hoan phim: “Tôi không phân biệt liên hoan phim lớn hay nhỏ bởi những liên hoan phim quốc tế tổ chức tại Việt Nam sẽ giúp chúng ta đón được nhiều nhà làm phim quốc tế đến Việt Nam, cũng như giúp khán giả có thể được xem nhiều bộ phim của các nền điện ảnh khác nhau, chính vì vậy có thể nói các liên hoan phim chính là cách để toàn cầu hoá điện ảnh thế giới”.
Ông Hanu Roj - giám đốc sáng lập Liên hoan phim quốc tế Jaipur (JIFF) - phát biểu chiến dịch này thể hiện sự quan tâm của Ấn Độ với Việt Nam cũng như sự hợp tác giữa hai quốc gia. Theo ông Hanu Roj, hiện đã có một số công ty của Ấn Độ bắt đầu sang Việt Nam và chiến dịch này chỉ là sự kiện mở màn. Ông cũng cung cấp địa chỉ trang web của liên hoan phim này www.jiffindia.org và nói "các nhà làm phim Việt Nam có thể tìm hiểu, ở đó có nhiều chương trình hợp tác, phát triển trong điện ảnh"./.
PV