Đảng bộ huyện Mộc Châu lãnh đạo bà con vùng cao thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020
(LĐXH)-Trong suốt giai đoạn 2016-2020, bước đột phá và sáng tạo nhất đối với Đảng bộ, HĐND, UBND huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La trong thực hiện công cuộc giảm nghèo chính là việc phân công chi bộ, đảng bộ cơ sở phụ trách công tác giảm nghèo bền vững đối với các bản khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo cao; chỉ đạo các xã, thị trấn phân công các đoàn thể phụ trách giúp đỡ đến từng hộ nghèo để bà con có thể thoát nghèo một cách nhanh nhất và bền vững nhất.
Phân công chi bộ, đảng bộ cơ sở phụ trách trực tiếp công tác giảm nghèo
Thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo, trong giai đoạnh 2016-2020, Ủy ban nhân dân huyện Mộc Châu đã tham mưu, đề xuất với Ban Thường vụ huyện ủy ban hành Kết luận số 321-KL/HU ngày 16/6/2016 về tăng cường lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Mộc Châu giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời quyết định thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Bí thư huyện ủy làm Trưởng Ban chỉ đạo. Thực hiện quy chế làm việc, Ban Chỉ đạo và Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành 46 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững, gồm: 07 kế hoạch, 15 thông báo, 18 báo cáo, 06 công văn.
Nhằm huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đối với công tác an sinh xã hội mà trọng tâm là giảm nghèo bền vững, UBND huyện đã đề xuất với Ban Thường vụ huyện ủy ban hành Quyết định số 1017-QĐ/HU ngày 04/4/2017 (nay là Quyết định số 1531-QĐ/HU ngày 08/01/2020) phân công 52 chi bộ, đảng bộ cơ sở phụ trách công tác giảm nghèo bền vững đối với 62 bản khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo cao; chỉ đạo các xã, thị trấn phân công các đoàn thể phụ trách giúp đỡ đến từng hộ nghèo.
Thực hiện Kết luận số 38-KL/TW ngày 13.11.2018 của Ban Bí thư “Thực hiện nghiêm túc, nền nếp việc phân công cấp ủy viên các cấp theo dõi, phụ trách cơ sở theo phương châm: cấp ủy tỉnh nắm đến tổ chức cơ sở Đảng; Cấp ủy huyện nắm đến chi bộ; đảng viên ở cơ sở nắm đến hộ gia đình”, UBND huyện tham mưu Ban Thường vụ huyện ủy ban hành Thông báo Kết luận số 883-TB/HU ngày 28.02.2019 về chủ trương phân công đảng viên phụ trách hộ nghèo trên địa bàn huyện; ban hành Quyết định số 1365-QĐ/HU ngày 28.3.2019, phân công 649 đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo quản lý từ cấp huyện đến cơ sở phụ trách 649 hộ dân tộc thiểu số nghèo của huyện, số hộ nghèo được đảng viên giữ cương vị lãnh đạo giúp đỡ phụ trách đạt 38,5% số hộ nghèo trong toàn huyện. Theo đó mỗi đảng viên phải báo cáo tại hội nghị chi bộ, trong tháng đã xuống gặp gỡ giúp đỡ hộ nghèo mấy lần? Đã giúp đỡ được nội dung gì? Vướng mắc khó khăn khi được phân công giúp đỡ hộ nghèo là gì? Đề nghị và kiến nghị gì với từng cơ quan, đơn vị để hộ nghèo được giúp đỡ có thể thoát nghèo. Chỉ đạo Đảng ủy các xã, thị trấn ban hành quyết định phân công cho các đồng chí bí thư chi bộ, trưởng bản, tiểu khu trưởng trực thuộc đảng ủy giúp đỡ hộ nghèo.
Bằng nhiều biện pháp, giải pháp, hình thức khác nhau đảng viên các chi bộ, đảng bộ đã từng bước tiếp cận, giúp đỡ các hộ nghèo về vật chất, tinh thần; tuyên truyền, vận động hộ nghèo thay đổi tư duy, cách thức làm ăn, sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, mạnh dạn thay đổi cách thức làm kinh tế để cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác giảm nghèo cho Bí thư, trưởng bản
Huyện Mộc Châu đã tổ chức 6 lớp tập huấn cho 1.524 lượt là bí thư, trưởng bản, MTTQ và trưởng các đoàn thể bản, tiểu khu và Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu xã, thị trấn. Tổ chức 24 cuộc họp để kịp thời đánh giá kết quả thực hiện công tác giảm nghèo, đề xuất giải pháp lãnh đạo công tác giảm nghèo.
Năm 2016, UBND huyện đã rà soát, làm việc với trên 3.900 hộ nghèo của huyện, có biên bản làm việc với từng hộ, qua đó xác định rõ nguyên nhân nghèo của từng hộ; để tiếp tục duy trì hiệu quả và nắm lại nguyên nhân và phân diện hộ nghèo, đôn đốc hệ thống chính trị quan tâm đến công tác giảm nghèo. Năm 2020, huyện tiếp tục chỉ đạo thành viên Ban Chỉ đạo huyện phối hợp với UBND các xã tiếp tục rà soát, xác định nguyên nhân nghèo của 1.457 hộ nghèo, phân loại làm rõ nguyên nhân nghèo. Trên cơ sở đó, phân loại hộ nghèo thành 7 nhóm nghèo, bao gồm: (1) Không có đất sản xuất, (2) Không biết cách làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng, (3) Có nhu cầu vay vốn, chưa biết cách tiếp cận với nguồn vốn của các tổ chức tín dụng, (4) Có lao động không có việc làm, (5) Có đất, có lao động nhưng không biết cách làm ăn, (6) Khó có khả năng thoát nghèo, (7) Nhóm khác (là những hộ có nhu cầu sửa chữa nhà ở, hỗ trợ cây giống, con giống). Trên cơ sở đó, có từng giải pháp cụ thể cho từng nhóm nghèo, giao trách nhiệm cho các cơ quan phụ trách giải quyết từng nhóm.
Kịp thời ban hành Kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ rà soát, thống kê hộ nghèo cho thành viên Ban chỉ đạo điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo huyện, xã và các điều tra viên. Để đảm bảo khách quan, công bằng trong việc rà soát, xác nhận, công nhận hộ nghèo, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 1917/QĐ-UBND ngày 03/9/2019 về việc kiện toàn Tổ kiểm tra kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 để kiểm tra, rà soát lại kết quả do xã, thị trấn thực hiện, lập biên bản thống nhất giữa tổ công tác với UBND cấp xã để làm cơ sở ban hành quyết định công nhận hộ nghèo hằng năm; việc công nhận hộ nghèo hằng năm đã được UBND các xã, thị trấn thực hiện công khai, minh bạch.
Với cách làm như trên, Mộc Châu có một đội ngũ làm công tác giảm nghèo chuyên nghiệp, đủ năng lực và trình độ để giải quyết đến công tác liên quan đến giảm nghèo
Những kết quả giảm nghèo tích cực
Trong giai đoạn 2016-2020, UBND huyện Mộc Châu đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đối với công tác an sinh xã hội mà trọng tâm là giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, từng bản làng trên vùng đất cao nguyên Mộc Châu này đã từng bước “thay da đổi thịt”, người nghèo được tiếp cận các dịch vụ văn hóa, y tế, giáo dục và xã hội, có vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Trước hết, các chính sách của Trung ương và tỉnh về giáo dục, y tế, nhà ở, bảo hiểm xã hội đã tác động tích cực và trực tiếp tiếp đến người dân huyện Mộc Châu, góp phần giảm bớt khó khăn về điều kiện sống của bà con các dân tộc trên địa bàn. Trong 5 năm qua, thực hiện Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ, huyện đã miễn giảm học phí cho học sinh cho 19.738 lượt học sinh với số tiền trên 1.101 triệu đồng; hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ cho 23.379 lượt học sinh với số tiền trên 10.356 triệu đồng; hỗ trợ miễn, giảm học phí cho 7 học sinh, sinh viên với số tiền 16,8 triệu đồng; hỗ trợ học sinh nghèo khuyết tật theo Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH cho 77 lượt học sinh với số tiền trên 436 triệu đồng. Toàn huyện cũng có 11.673 hộ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền điện với tổng số tiền trên 6,8 tỷ đồng.
Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng đã cho 156 hộ nghèo vay vốn để làm mới và sửa chữa nhà ở với số tiền 3.887.000.000 đồng. Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, trường học, đoàn viên, hội viên và nhân dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã đóng góp ủng hộ với số tiền là 10,9 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng được 609 nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo, tổng giá trị đưa vào sử dụng trên 31 tỷ đồng. Hoạt động này không những giúp người nghèo có nhà mới để an cư, mà còn tạo niềm vui, giúp họ phấn khởi, hăng say lao động sản xuất để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hằng năm, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND cấp xã phối hợp với Bảo hiểm xã hội huyện đối chiếu, xác nhận và làm thủ tục cấp phát thẻ BHYT cho 320.449 đối tượng được đóng, hỗ trợ đóng BHYT từ Ngân sách nhà nước. Đồng thời huyện đã bổ sung 4.000 tỷ đồng cho Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn theo Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Trong 5 năm qua, đã cho 6.940 hộ vay vốn phát triển sản xuất với tổng số tiền 314.313 tỷ đồng. Chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đem lại hiệu quả cao, đã cho 72.666 lượt khách hàng vay với tổng số tiền trên 7.618 tỷ đồng.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương, góp phần tăng năng xuất lao động, nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống của nhân dân, UBND huyện đã hỉ đạo các phòng, ban, các cơ quan, đơn vị của huyện thực hiện có hiệu quả công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động. Cụ thể, đã tổ chức 35 lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp theo Đề án 1956 của Chính phủ cho 1.161 lao động nông thôn với tổng kinh phí với tổng kinh phí 2.190,686 triệu đồng và 11 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 518 học viên theo các chương trình đào tạo khác; Tổ chức 11 lớp huấn luyện cho 483 học viên về nghiệp vụ du lịch, thuyết minh viên du lịch và nghiệp vụ lễ tân, buồng, bàn, bếp; huấn luyện nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm cho cộng đồng và tập huấn xây dựng chính sách và quy hoạch du lịch có trách nhiệm cho cán bộ quản lý du lịch ở địa phương; Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp huyện mở 33 lớp tập huấn cho 2.450 lượt nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, tỉa cành cho cây ăn quả, trồng rau, hoa chất lượng cao; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức 25 hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động cho trên 3.500 lượt lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo; quân nhân xuất ngũ; tổ chức 02 Ngày hội việc làm tư vấn cho trên 2.600 lượt người lao động. Kết quả, trong giai đoạn 2016-2020, huyện đã giải quyết việc làm ổn định cho 7.956 lao động, trong đó có 74 lao động xuất khẩu sang các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.
Bên cạnh việc thực hiện các chính sách chung về giảm nghèo của Trung ương, tỉnh, huyện Mộc Châu còn thực hiện tốt Chương trình, Dự án về giảm nghèo khác. Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2020, Chương trình 135 của huyện đã triển khai hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn với tổng số vốn đã giải ngân 35.171 triệu đồng đạt 75,3% kế hoạch. Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Tổng kế hoạch vốn được giao cho cả giai đoạn 9.460 triệu đồng đầu tư cho 11 xã với 2.088 hộ thụ hưởng. Theo đó, đã cung ứng hàng hóa cho người nghèo là 77 con gia súc; 346 kg cá giống; 126.540 cây ăn quả các loại; 283.134 kg phân bón cây trồng.
Dự án về hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 trong 5 năm qua đã thực hiện giải ngân 485 triệu đồng hỗ trợ mô hình chăn nuôi bò sinh sản cho 81 hộ dân cư trú tại 05 xã: Chiềng Sơn, Lóng Sập, Chiềng Khừa, Quy Hướng, Tân Hợp để mua 67 con bò cái giống theo nhóm hộ (03 hộ không đủ điều kiện hỗ trợ). đạt 97% kế hoạch.
Hay huyện cũng đã thực hiện tốt chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định 102/QĐ-TTg ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2016 - 2018 với tổng vốn được giao là 3.302 triệu đồng. Qua đó đã hỗ trợ cho 8.677 hộ với khối lượng thực hiện gồm 5.694 kg muối I ốt; 27.015 kg giống cây lương thực; 7.806 giống cây ăn quả; 264.222 kg phân bón các loại. Giá trị giải ngân 3.302 triệu đồng đạt 100% kế hoạch.
Thông qua việc thực hiện các dự án, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần người dân trong huyện Mộc Châu. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12,74% xuống còn 4,94 % năm 2019, giảm 7,8% so với năm 2016. Bản đặc biệt khó khăn giảm từ 43 bản xuống còn 28 bản, giảm 15 bản so với năm 2017; Xã đặc biệt khó khăn giảm từ 5 xã xuống còn 3 xã. Các công trình dân sinh điện, đường, trường, trạm của huyện được đầu tư đã tác động lớn đến cuộc sống và tạo điều kiện phục vụ phát triển sản xuất mạnh mẽ cho người dân, bà con các dân tộc trên toàn địa bàn huyện./.
Mỹ Hạnh
TAG: