Dân tộc-Tôn giáo
Trang chủ / Xã hội / Dân tộc-Tôn giáo
Đảm bảo chính sách dân tộc trong Chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững
03:28 PM 21/06/2021
(LĐXH) - Thực hiện Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, ngày 21/5/2021, Chính phủ đã có Tờ trình số 143/TTr-CP và Báo cáo số 145/BC-CP ngày 21/5/2021 gửi Quốc hội khóa XV xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025.
Theo kế hoạch, đối tượng thụ hưởng trực tiếp tập trung ưu tiên hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên phạm vi cả nước (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo DTTS hiện là 61% trong tổng số hộ nghèo) và người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo (trong đó, phần lớn dân cư là người DTTS). 
Để xác định đối tượng thụ hưởng, địa bàn đầu tư của Chương trình, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành tiêu chí xác định huyện nghèo giai đoạn 2021-2025. Dự kiến tiêu chí huyện nghèo có quy định về tỷ lệ số xã thuộc diện đặc biệt khó khăn hoặc tỷ lệ số xã đạt dưới 15 tiêu chí nông thôn mới trong tổng số xã của huyện; khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và tỷ lệ số hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ dân cư của huyện.
Chương trình tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng trên địa bàn huyện nghèo (trong đó, phần lớn các xã ĐBKK vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc các huyện nghèo), nhất là vùng “lõi nghèo” thuộc vùng đồng bào dân tộc và miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo.
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, Chương trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu bền vững, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống và các địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề, tạo việc làm đầy đủ, việc làm tốt cho tất cả mọi người, phát triển hệ thống trợ giúp xã hội chuyên nghiệp, giảm bất bình đẳng xã hội. Đặc biệt là ưu tiên thực hiện mục tiêu hỗ trợ người nghèo, nhất là người nghèo DTTS thoát nghèo bền vững, có việc làm, sinh kế, có thu nhập tốt nhằm tiến tới xóa bỏ nghèo đói cho mọi người, ở mọi nơi, mọi thời điểm và mọi chiều; không để ai bị bỏ lại phía sau.
Dự kiến, Chương trình gồm 4 dự án và 11 tiểu dự án, bao gồm:
Dự án 1: Giảm nghèo, bao gồm 5 tiểu dự án. Dự án tập trung vào hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng tại các huyện nghèo và xã ĐBKK vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Hỗ trợ hộ nghèo, hộ DTTS đa dạng hóa sinh kế, phát triển các mô hình giảm nghèo; phát triển sản xuất nông nghiệp (nông, lâm, ngư, diêm nghiệp); hỗ trợ người nghèo, người DTTS, người dân sống trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn giảm nghèo về thông tin.
Dự án chú trọng hỗ trợ hộ nghèo DTTS và người DTTS sinh sống trên địa bàn huyện nghèo có việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dịch chuyển cơ cấu lao động, phát huy các giá trị văn hoá của các dân tộc trong tăng trưởng kinh tế, phát triển du lịch văn hoá ở cộng đồng.
Ảnh minh họa
Hỗ trợ người DTTS, người nghèo tiếp cận thông tin, sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; sử dụng các dịch vụ truyền hình, phát thanh ở khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, phương thức sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu thoát nghèo bền vững.
Dự án 02: Phát triển hệ thống Giáo dục nghề nghiệp và Việc làm bền vững, bao gồm 4 tiểu dự án tập trung vào hỗ trợ phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp, tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng công tác đào tạo nghề; hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người DTTS và các nhóm đối tượng dân cư yếu thế. Thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hỗ trợ kết nối việc làm cho các nhóm lao động đặc thù như người nghèo, người DTTS. Hỗ trợ người lao động, nhất là người DTTS thuộc các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài. 
Chú trọng hỗ trợ người dân tộc thiểu số về tiếp cận thị trường lao động trong các chính sách giảm nghèo: đào tạo kỹ năng, cung cấp các thông tin đầy đủ về thị trường lao động, thực hiện các biện pháp giảm thiểu các rào cản từ việc phân công lao động. Xây dựng, thí điểm và tuyên truyền các sáng kiến, thực hành tốt trong đảm bảo môi trường làm vệc thân thiện cho lao động người dân tộc thiểu số trong chính sách thị trường lao động.
Dự án 3: Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội, bao gồm 2 tiểu dự án, tập trung vào hỗ trợ phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội chuyên nghiệp, xây dựng các mô hình trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ cho các nhóm đối tượng yếu thế, hỗ trợ người nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng.
Dự án 4: Giám sát, đánh giá Chương trình,  tập trung vào hoạt động xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá, cơ sở dữ liệu đồng bộ và ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý Chương trình. Chú trọng giám sát việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo đối với hộ DTTS và cơ sở dữ liệu hộ nghèo DTTS.
Ngoài ra, Cương trình thực hiện các cơ chế, chính sách giảm nghèo đối với người DTTS sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã ĐBKK vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo: Hộ dân tộc thiểu số sống trên địa bàn này được thụ hưởng các nhóm chính sách giảm nghèo đặc thù cho vùng đặc biệt khó khăn về y tế, giáo dục, vay vốn, bao gồm: Mua BHYT; hỗ trợ tiền đi lại, tiền ăn, một phần chi phí khám, chữa bệnh. Hỗ trợ học sinh vùng đặc biệt khó khăn, học sinh là người dân tộc thiểu số khu vực III, II được xét tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (chính sách cử tuyển); được hưởng học bổng chính sách theo quy định của Nhà nước, trợ cấp tiền ăn, ở, đi lại, mua sách vở, đồ dùng học tập, bảo hiểm y tế; được miễn, giảm học phí theo quy định. Hỗ trợ cho vay vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ gia đình DTTS sản xuất kinh doanh ở vùng đặc biệt khó khăn...
Theo kế hoạch, nguồn lực thực hiện chương trình khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, bố trí vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp cho các địa phương thực hiện Chương trình thì tiêu chí quy mô hộ dân tộc thiểu số trên tổng số hộ dân cư trên địa bàn được xác định là một tiêu chí ưu tiên phân bổ vốn.
Quy định đối tượng là người dân tộc thiểu số tham gia trong công tác lập kế hoạch cấp xã và dưới xã (thôn, bản), tạo điều kiện, khuyến khích sự tham gia và đưa ra quyết định của đối tượng; hướng dẫn nâng cao năng lực cho người dân tộc thiểu số trong công tác lập kế hoạch thực hiện Chương trình. Chú trọng công tác truyền thông, có chuyên mục chuyên sâu về chính sách dân tộc, tăng cường tuyên truyền về các trường hợp người dân tộc thiểu số thành công trong nỗ lực giảm/thoát nghèo qua đó góp phần nâng cao khát vọng thoát nghèo, làm giàu của người dân tộc thiểu số, nhất là phụ nữ DTTS.
Thông qua các cơ chế như phát huy sự tham gia của hộ nghèo là người dân tộc thiểu số trong quá trình xác định ưu tiêu khi lập kế hoạch, ưu tiên các công trình có nhiều người dân tộc thiểu số là đối tượng hưởng lợi; ưu tiên người dân tộc thiểu số tham gia việc làm công, hoạt động được trả công; thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng theo cơ chế đặc thù, trong đó người dân tộc thiểu số có cơ hội tham gia vào các nhóm cộng đồng tự thực hiện các công trình cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, nội dung chủ trương đầu tư đã được rà soát, phân định về đối tượng, phạm vi, nội dung không trùng lặp với nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và nội dung Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025./.
Hà Giang
 
TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả
An Giang: Những đề xuất bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi nhằm chăm lo tốt hơn đối với người có công
Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương miền Tây An Giang
Huyện Châu Phú: Thiết thực tri ân người có công với cách mạng
An Giang: Không còn hồ sơ người có công với cách mạng tồn đọng thuộc quy định giải quyết
An Giang: Quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
Lào Cai: Tập trung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
An Giang chú trọng tôn tạo, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ