Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Đăk Tô tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
10:21 PM 23/12/2024
(LĐXH) - Huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum) có đông đồng bào DTTS (chiếm 57.17% dân số toàn tỉnh), với 17 dân tộc anh em cùng sinh sống như Ba Na, Xơ Đăng, Mường, Nùng, Tày, Thái, Thổ... do nhiều yếu tố khách quan, đời sống của bà con nơi đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đăk Tô xác định thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2025 có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đào tạo và giải quyết việc làm được xem là cơ hội để người dân thoát nghèo nhanh và bền vững.
Thời gian qua, triển khai chương trình mục tiêu giảm nghèo huyện đã tập trung nguồn lực triển khai thực hiện các nội dung cho cả giai đoạn và theo từng năm, bao gồm việc triển khai các dự án, mô hình hỗ trợ giảm nghèo bền vững và các chính sách, các cuộc vận động, phong trào khác trong đầu tư cơ sở hạ tầng, triển khai các mô hình sinh kế, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, các hộ nghèo ở Đăk Tô được tiếp sức, có thêm động lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Hàng năm, UBND huyện chủ động tuyên truyền các quy định, hướng dẫn thực hiện giảm nghèo bền vững đến các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân. Đồng thời, giao nhiệm vụ thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình giảm nghèo cho từng cơ quan, đơn vị và địa phương đảm bảo đúng người, đúng việc.

Thông qua việc lồng ghép Chương trình giảm nghèo với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn và các địa phương rà soát hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, nước sinh hoạt phân tán cho 140 hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí hơn 7,049 tỷ đồng; hỗ trợ 797 hộ nghèo, hộ cận nghèo 14,107 tỷ đồng về quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; hỗ trợ trồng rừng sản xuất tập trung 345,81ha và trồng được 313,83ha các loại cây; hỗ trợ phát triển sản xuất cho 3 chuỗi giá trị và 1 mô hình cho cộng đồng trồng cỏ và nuôi bò sinh sản.

Ngoài việc triển khai hỗ trợ sinh kế, huyện Đăk Tô còn chú trọng tăng cường chất lượng nguồn lực lao động nông thôn trên địa bàn huyện. Riêng giai đoạn 2021 - 2024 huyện đã tổ chức tuyển sinh mở 38 lớp đào tạo nghề cho 1.267 lao động, chủ yếu là lao động tại các xã vùng đồng bào DTTS từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Qua đó, giúp người lao động có thể tự tạo việc làm cho bản thân và tham gia lao động tại các hợp tác xã, các doanh nghiệp nhỏ hoặc lao động phổ thông.

Đầu tháng 7/2024 UBND huyện cũng đã phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và một số doanh nghiệp tổ chức Phiên giao dịch việc làm tại địa bàn xã Tân Cảnh. Tham gia hoạt động, người lao động được phổ biến, chia sẻ thông tin về chính sách pháp luật lao động – việc làm, học nghề; thông tin thị trường lao động về nhu cầu tuyển dụng lao động trong tỉnh, ngoài tỉnh, đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng lao động; thông tin về điều kiện tuyển dụng, tiền lương tiền công, chế độ bảo hiểm - phúc lợi theo quy định của doanh nghiệp; thông tin về chính sách hỗ trợ học nghề, vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Phiên giao dịch việc làm được tổ chức trên địa bàn xã Tân Cảnh (Đăk Tô)

Cùng với việc tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, tại các xã trên địa bàn đều nỗ lực đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm của người đồng bào DTTS làm cho người đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”. Từ đó, người dân đã xóa bỏ những tập quán sản xuất lạc hậu, chuyển sang áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đưa cơ giới vào sản xuất, biết lấy ngắn, nuôi dài, sản xuất xen canh, tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Đăk Tô đã giảm từ 15,04% của năm 2021 xuống còn 6,73% năm 2024.

Trong thời gian tới, huyện Đăk Tô tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách, chương trình giảm nghèo, các chính sách ưu đãi tạo điều kiện cho người nghèo vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên các dịch vụ gắn với tiêu chí đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường. Tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo chăm lo sản xuất, phát triển kinh tế, tham gia các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tự lực tự cường để vươn lên thoát nghèo, không ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.


Trần Huyền
TAG:
Tin khác
Thanh Hóa: Quan tâm cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động
AEON Việt Nam đẩy mạnh tuyển dụng và mở rộng quy mô năm 2025
Nestlé và PRO Việt Nam thúc đẩy thực hành an toàn vệ sinh lao động trong quản lý rác thải
Thừa Thiên Huế: Giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Những giải pháp quan trọng thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Một số khó khăn trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở Bình Phước
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Chủ động giải quyết chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Hà Nội: Thị trường lao động cuối năm có nhiều chuyển biến tích cực