Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Đắk Nông kiềm chế, tiến tới đẩy lùi những hiểm họa và hệ lụy do tội phạm ma túy
10:41 PM 18/11/2024
(LĐXH) - Thời gian gần đây, tình hình tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có xu hướng diễn biến phức tạp, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc Mông; số vụ vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy số lượng lớn được phát hiện tăng so với những năm trước đây. Trước thưc tế đó, địa phương đã có nhiều giải pháp nhằm phát huy vai trò, sức mạnh của hệ thống chính trị trong công tác phát hiện, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuý và quản lý sau cai nghiện nhất là đối với người dân di cư tự do trên địa bàn.

Xác định công tác phòng, chống ma túy là nhiệm vụ quan trọng góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương,  Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành 09 kế hoạch, quyết định, công văn để lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia phòng, chống ma túy nhằm từng bước kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy, nhất là trong việc phát hiện, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện ma túy. Hằng năm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch chỉ đạo và tổ chức thực hiện nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, công tác cai nghiện và quản lý sau cai, làm giảm số người nghiện ma túy mới; quản lý chặt chẽ người nghiện ngoài xã hội, không để phát sinh tình trạng phức tạp, góp phần xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh.

Ngày 27/02/2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 181/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án “Xã, phường, thị trấn sạch về ma túy”, giai đoạn 2024 - 2025, mục tiêu đến năm 2030. Đề án đã phân công, phân cấp, giao nhiệm vụ cụ thể đối với từng cấp, từng ngành, cơ quan, đơn vị gắn với trách nhiệm, thi đua của cấp ủy, tập thể lãnh đạo, đơn vị, cá nhân, nhất là người đứng đầu; huy động cả hệ thống chính trị và sự tham gia của quần chúng nhân dân, trong công tác phòng, chống ma túy; triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đấu tranh với tội phạm, triệt xóa điểm, tụ điểm phức tạp, điểm bán lẻ ma túy, tăng cường công tác cai nghiện, quản lý sau cai, công tác tái hòa nhập cộng đồng, không để phát sinh tình hình phức tạp mới liên quan đến tội phạm và tệ nạn ma túy, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Đắk Nông tổ chức hội nghị triển khai Đề án xây dựng "Xã, phường, thị trấn sạch về ma túy"

Qua thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 954 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện có hồ sơ quản lý (347 người nghiện, 544 người sử dụng trái phép chất ma túy, 63 người bị quản lý sau cai nghiện, tăng 20 người so với năm 2023), đa số đang ở ngoài xã hội (708 người, chiếm 74,2%). Người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng trẻ hóa (ở độ tuổi từ 12 đến dưới 18 chiếm 10,4%; từ 18 đến dưới 30 tuổi chiếm 39,5%, trên 30 tuổi chiếm 50,1%) cùng với đó là việc xuất hiện nhiều loại ma túy mới, “núp bóng” trong thuốc lá điện tử, thực phẩm, đồ uống gây ảnh hưởng xấu, hệ lụy đến thế hệ trẻ, đây là nguyên nhân làm tăng “nguồn cầu” về ma túy.

Với điều kiện tự nhiên về thổ nhưỡng, thời tiết phù hợp với việc canh tác các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, trong thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã thu hút rất nhiều doanh nghiệp và người dân từ địa phương khác đến đầu tư, làm ăn sinh sống. Vấn đề đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn vì vậy cũng phát sinh nhiều vấn đề.

Tính đến ngày 31/10/2024, tổng số dân di cư tự do hiện sinh sống trên tỉnh Đắk Nông là 351 hộ, 1.297 khẩu, chủ yếu là các dân tộc: Kinh, Mông, Tày, Nùng, Thái, Dao, Mường...; dân di cư tự do chủ yếu cư trú nằm ngoài vùng quy hoạch dân cư và xâm canh trên đất lâm nghiệp hoặc đất dự án của các Công ty lâm nghiệp. Nhằm quản lý chặt chẽ, không để phát sinh người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trong vùng dân di cư tự do, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật, thường xuyên rà soát phát hiện người nghiện để kịp thời lập hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, phần lớn dân di cư tự do sinh sống trên đất rừng xâm canh, đất lâm nghiệp, hay vắng mặt tại nơi cư trú (về lại quê nơi họ đi), do đó gây khó khăn trong công tác quản lý cư trú, ảnh hưởng đến công tác rà soát, thống kê, theo dõi, quản lý người nghiện (có thời điểm rà soát, họ vắng mặt tại địa bàn).

Trong công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện ma túy ở Đắk Nông còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Hiện tỉnh chưa có cơ sở cai nghiện ma túy công lập mà chỉ hợp đồng với cơ sở cai nghiện ma túy số 1 (trực thuộc lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh) đóng chân trên địa bàn huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, cơ sở này mỗi năm chỉ tiếp nhận tối đa 150 học viên của tỉnh gửi vào và không tiếp nhận người nghiện là nữ giới. Tỉnh cũng chưa có tổ chức, cá nhân nào đăng ký cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng. Công tác quản lý sau cai nghiện ma túy và lập hồ sơ quản lý sau cai nghiện còn khó khăn do đối tượng thường không khai báo khi hoàn thành cai nghiện, đối với người không có nơi cư trú ổn định rất khó khăn trong công tác quản lý, mặt khác vẫn còn tâm lý kỳ thị của người dân đối với người sau cai nghiện ma túy…

Hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy” năm 2024 trên các trục đường chính của huyện Cư Jút

Trước thực tế đó, để tiếp tục tăng cường, và triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, tỉnh Đắk Nông đã có đề xuất Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ bố trí nguồn vốn để xây dựng cơ sở cai nghiện ma túy công lập của tỉnh Đắk Nông. Bộ Công an sớm ban hành Bộ tiêu chí và quy định trình tự, thủ tục xét, công nhận “xã không ma túy”, “huyện không ma túy”, “tỉnh không ma túy” để thống nhất tiêu chí và quy trình đánh giá, công nhận đối với “Xã, phường, thị trấn sạch ma túy” trên phạm vi toàn quốc.Cùng với đó, địa phương kiến nghị Bộ Y tế tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định số 90/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 để quy định tất cả những người tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế sau khi chấm dứt điều trị nghiện phải tiến hành xác định tình trạng nghiện để có cơ sở xử lý tiếp theo và có cơ chế trao đổi thông tin giữa cơ sở điều trị Methadone với lực lượng Công an; sửa đổi Thông tư số 18/2021/TT-BYT ngày 16/11/2021 của Bộ Y tế Quy định tiêu chuẩn chẩn đoán và quy trình chuyên môn để xác định tình trạng nghiện ma túy theo hướng dễ thực hiện, tạo điều kiện xác định tình trạng nghiện được thuận lợi. Ban hành Thông tư quy định định mức và đơn giá dịch vụ cho việc xác định tình trạng nghiện; sửa đổi Nghị định 116/2021/NĐ-CP theo hướng phù hợp hơn đối với công tác cai nghiện tự nguyện, nhất là quy định về điều kiện của cơ sở, cá nhân cung cấp dịch vụ, điều kiện trang thiết bị, đảm bảo công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng thực hiện có hiệu quả, tạo cơ chế phù hợp để khuyến khích các tổ chức cá nhân đủ điều kiện đăng ký cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng./.

Trần Huyền

TAG: phòng chống ma tuý quản lý cai nghiện
Tin khác
Nam Định: Lan toả sâu rộng phong trào hỗ trợ nhà cho người nghèo
Chương trình “Kết nối những vòng tay” – Chủ đề Tết cho trẻ em nghèo năm 2024: Món quà yêu thương dành cho Trường Mầm non xã Diễn Yên
“Mùa xuân cho em” lần thứ 18 tiếp nhận hơn 107 tỷ đồng hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn
Yên Bái cung cấp dịch vụ công tác xã hội đối với người cao tuổi
Phú Thọ đẩy mạnh công tác kiểm tra thực hiện chính sách ưu đãi người có công
Yên Bái đảm bảo cơ sở trợ giúp xã hội có cung cấp dịch vụ công tác xã hội
Doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nga: Từ tuổi thơ cơ cực đến doanh nhân thành đạt với tấm lòng nhân hậu
Ghi nhận trong công tác tìm kiếm, qui tập, xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin ở Quảng Trị
Nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương Giao Thủy