An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Đắk Lắk: Ước đến cuối năm 2024, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5 - 2,0%
04:23 PM 27/09/2024
(LĐXH) - Tỉnh Đắk Lắk đang tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, ước đến cuối năm 2024 mức giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 1,5 - 2,0%; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3,0 - 4,0%.
Tặng quà cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh
Theo Sở Lao động – TBXH tỉnh, thời gian qua, nhờ thực hiện đồng bộ các dự án của chương trình giảm nghèo, tỉnh đã thực hiện đạt kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo theo kế hoạch đề ra. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1,57% (kế hoạch 1,5-2,0%/năm); tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 3,66% (kế hoạch từ 3,0-4,0%/năm); giai đoạn 2022-2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân 1,82%/năm, từ 12,79% cuối năm 2021 xuống còn 9,15% cuối năm 2023, đạt chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu kế hoạch 1,5-2,0%/năm); tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 3,52%, từ 26,74% cuối năm 2021 xuống còn 19,7% cuối năm 2023, đạt chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu kế hoạch 3,0-4,0%/năm).
Công tác giảm nghèo bền vững đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể trong tỉnh quan tâm, chỉ đạo, trở thành nhiệm vụ, mục tiêu ưu tiên, được cụ thể hóa thành Chương trình của Tỉnh ủy, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, kế hoạch của UBND các cấp và của từng đơn vị. Các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội như: Nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, các chính sách dạy nghề, khuyến nông, hỗ trợ về y tế, giáo dục, trợ giúp pháp lý, tiền điện góp phần tạo việc làm, giảm nghèo và từng bước nâng cao chất ượng cuộc sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đến các sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức, cơ quan, đơn vị để xác định rõ các nhiệm vụ, nội dung chủ yếu của Chương trình làm cơ sở tham mưu, giải quyết các chế độ, chính sách nhằm không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo an sinh xã hội cho người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương thường xuyên tổ chức giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo theo từng lĩnh vực được phân công. Hằng năm, Sở Lao động - TBXH và UBND các huyện, thành phố phối hợp rất tốt trong công tác tổ chức rà soát, phúc tra kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo định kỳ. Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đã tổ chức các đợt giám sát việc tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Người dân đã tích cực tham gia vào các hoạt động của chương trình, tham gia trực tiếp vào từ khâu đầu tư chuẩn bị, tổ chức thực hiện, nghiệm thu và bàn giao các công trình, đặc biệt đối với các chương trình, chính sách người dân được thụ hưởng trực tiếp.
Trong năm 2024, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo trên địa bàn tỉnh là 453,7 tỷ đồng, trong đó: Vốn đầu tư phát triển 184,2 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 269,5 tỷ đồng. Kết quả thực hiện, giải ngân kế hoạch năm 2022 và 2023 kéo dài sang 2024 tính đến tháng 7/2024 đạt 12,13% kế hoạch; Kết quả phân bổ, thực hiện và giải ngân kế hoạch năm 2024 đạt 19,49% kế hoạch.
Từ nguồn vốn phân bổ, tỉnh đã tập trung thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần của Chương trình, trong đó đối với Tiểu dự án 1: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, xã ĐBKK vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, đã đầu tư xây dựng 31 công trình (15 công trình đầu tư chuyển tiếp, 16 công trình duy tu bảo dưỡng). Đối với Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, đã thực hiện 91 mô hình (02 mô hình trồng trọt, 88 mô hình chăn nuôi, 01 mô hình phi nông nghiệp); số hộ tham gia là 1.793 hộ.
Đối với Dự án 5: Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, tỉnh đã hỗ trợ nhà ở cho 207 hộ (xây mới 108 hộ, sửa chữa 99 hộ). Lũy kế thực hiện từ năm 2021 tính đến hết 06 tháng đầu năm 2024 đã hỗ trợ nhà ở cho 1.488 hộ (xây mới 889 hộ, sửa chữa 599 hộ).
Nhìn chung, việc bố trí nguồn lực thực hiện thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo trong giai đoạn 2021-2025 bảo đảm theo đúng quy trình, quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công. Cùng với nguồn vốn ngân sách trung ương, tỉnh Đắk Lắk cũng đã cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương đối ứng để thực hiện Chương trình.
Trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái", khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo. Ngoài kinh phí từ Ngân sách Trung ương phân bổ, huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo bền vững; bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và huy động đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng.

Đồng thời triển khai hiệu quả hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo; hoạt động tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả Đề án đưa người lao động của tỉnh Đắk Lắk đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2024 - 2026 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 578/QĐ-UBND ngày 07/02/224. Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện tổng hợp, đồng bộ các cơ chế, chính sách, phát triển đa dạng các ngành, nghề, đặc biệt là các ngành, nghề mà địa phương có thế mạnh để tạo ra nhiều việc làm bền vững cho người lao động./.

Hồng Phượng

TAG:
Tin khác
Huyện Châu Phú: Thiết thực tri ân người có công với cách mạng
An Giang: Không còn hồ sơ người có công với cách mạng tồn đọng thuộc quy định giải quyết
An Giang: Quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
Lào Cai: Tập trung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
An Giang chú trọng tôn tạo, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang