An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Đắk Lắk tập trung đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững
03:36 PM 22/08/2018
(LĐXH) - Đắk Lắk là địa phương thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Tỉnh phấn đấu từ nay đến năm 2020, bình quân mỗi năm giảm từ 2,5 - 3% tỷ lệ hộ nghèo, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 4,5%/năm.
Mô hình nuôi bò sinh sản có hiệu quả góp phần giam nghèo bền vững ở huyện Cư Mgar (Đắk Lắk)

Trong năm 2017, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững của tỉnh có tổng số vốn được giao trên 115 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ trên 107 tỷ đồng; nguồn vốn của tỉnh là 8 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh xuống còn 15,24%.

Ông Lê Văn Dần – Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết: Trong năm 2017 vừa qua, thông qua nguồn vốn từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả các dự về giảm nghèo, hạn chế tái nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người nghèo, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin). Cụ thể, các chương trình, dự án: Chương trình 135 với kinh phí được giao ( cả nguồn bổ sung năm 2016) là 111.509 triệu đồng, tỉnh đã triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng cho 46 xã và 98 thôn buôn với 184 công trình (trong đó, đường giao thông 151 công trình, nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng 12 công trình, trường học – lớp học, trạm bơm, duy tu bảo dưỡng các công trình giao thông 20 công trình); hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cho cộng động và cán bộ cơ sở giảm nghèo, nhân rộng các mô hình giảm nghèo như mô hình trồng hoa hòe, chăn nuôi bò sinh sản tại 2 xã với 48 hộ được hỗ trợ, với kinh phí 760 triệu đồng; hỗ trợ sản xuất các xã ngoài chương trình 135 cho các mô hình như: Mô hình phát triển sản xuất, đang dạng hóa sinh kế, tập huấn kỹ thuật, khai thác thủy sản sông, hồ chúa, chăn nuôi gà lai, dê bách thảo tại 04 xã,  với số hộ được hỗ trợ cho hàng trăm hộ nghèo, hộ cận nghèo đạt hiệu quả cao góp phần thoát nghèo bền vững…

Về Chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, tỉnh đã giải quyết cho vay đối với 52.536 hộ nghèo và các đối tượng chính sách, với doanh số cho vay 1.215.807,22 triệu đồng. Tỉnh cũng thực hiện hỗ trợ khuyến nông - lâm, đào tạo nghề, giáo dục, y tế, nhà ở, trợ giáp pháp lý…Cụ thể, đã tổ chức được 50 lớp tập huấn khuyến nông, nâng cao năng lực cho 600 lượt người thuộc hộ nghèo tham gia; xây dựng 14 mô hình trình diễn (với 50 hộ nghèo, 196 hộ dân tộc thiểu số tham gia); tổ chức 4 lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá ngọt (với 65 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia), tiến hành thả  bổ sung 55.500 cá các loại tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Đồng thời, hỗ trợ 73 lớp học nghề (với các ngành nghề đào tạo như: chăn nuôi bò, heo, trồng và chăm sóc cây tiêu, trồng và khai thác nấng, cao su, may công nghiệp, xây dựng dân dụng, dệt thổ cẩm, sửa chữa máy nông nghiệp…), cho 2.481 người ( trong đó, người nghèo 434 người, người dân tộc thiểu số 1.917 người), với tổng kinh phí hỗ trợ là 8.212 triệu đồng.

Toàn tỉnh cũng cấp 1.063.717 thể bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo và các đối tượng ngân sách hỗ trợ, với tổng kinh phí 654.665 triệu đồng. Số người nghèo, cận nghèo và các đối tượng được khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT là 1.293.586 lượt người, với tổng số tiền 579.149 triệu đồng. Hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ –TTg cho 2.062 căn ( đạt 98,94% kế hoạch), trong đó xây dựng mới là 1.923 căn, sửa chữa 139 căn. Lũy kế 2 năm 2016 và 2017, toàn tỉnh đã xây dựng 2.913 căn ( đạt 93,2% kế hoạch);  Trợ giúp pháp lý miễn phí cho 776/1.190 vụ việc cho 776 lượt người nghèo bằng các hình thức tư vấn và tham gia tố tụng. Ngoài ra, còn thực hiện 75 đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại 27 xã, trong đó tập trung tại các xã, thôn buôn đặc biệt khó khăn, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, xã biên giới thuộc 11 huyện trên địa bàn, với 3.492 lượt người tham gia.

Bên cạnh đó, các Hội, đoàn thể như Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên tỉnh cũng đã tích cực thực hiện các mô hình, dự án hỗ trợ người nghèo, hộ cận nghèo sản xuất, làm ăn vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong năm qua, Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã vận động được 20.063 triệu đồng để xây dựng 178 căn nhà, sửa chữa 73 căn nhà Đại đoàn kết; xây dựng 1.891 căn nhà theo QĐ 167 giai đoạn 2; hỗ phát triển sản xuất,  khám chữa bệnh, thăm tặng quà lễ, Tết cho trên 2.325 người nghèo, học sinh nghèo…Hội Nông dân tỉnh đã vận động các Chi hội, nông dân sản xuất giỏi được 2.111 triệu đồng, 44.450 cây giống, 1.842 con giống các loại, 290 tấn phân bón (trị giá 762 triệu đồng), 3.460 ngày công và 2.960 giờ tưới để giúp đỡ cho 1.616 hộ nông dân nghèo; hướng dẫn cách sản xuất và phổ biến kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật cho 12.886 lượt hộ nghèo. Hội Liên hiệp phụ nữ hộ trợ vốn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho 476 phụ nữ nghèo và cận nghèo, 266 phụ nữ dân tộc thiểu số, với tổng số vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội bố trí là 12.763 triệu đồng. Đoàn Thanh niên CSHCM tỉnh đã hỗ trợ hơn 800 suất học bổng, 200 xe đạp cho học sinh nghèo; xây dựng mới 47 căn nhà tình nghĩa, 04 điểm trường mẫu giáo tại xã nghèo,… Các chương trình đã góp phần thực hiện khá thành công trong công tác giảm nghèo bền vững trên toàn địa bàn của tỉnh Đắk Lắk trong năm 2017.  

Có thể nói, với sự quyết tâm vào cuộc cả hệ thống chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Lắk, công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm 5,25% ( vượt chỉ tiêu đề ra).  Tổng số hộ nghèo là 66.956 hộ, tỷ lệ 13,37%, tổng số hộ cận nghèo là 42.074 hộ ( tỷ lệ 9,8%), ( tính cả hộ phát sinh do cơn bão số 12)

Toàn tỉnh không còn huyện có tỷ lệ từ 50% trở lên, có 04 huyện, thị xã, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo dưới 10% ( thành phố Buôn Ma Thuột: 1,18%, thị xã Buôn Hồ 6,6%, huyện Kuin 6,99%, huyện Cư M”gar 7,33%). Toàn tỉnh hiện có 45/152 xã ( chiếm tỷ lệ 29,6%) đạt chỉ tiêu 11 nông thôn mới và có tỷ lệ hộ nghèo là 7%, tăng 15 xã so với năm 2016 và tăng 27 xã so với năm 2015; 73,91% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo tiêu chuẩn và cấp kỹ thuật theo quy định; 96,65% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 91,3% trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, 84,78% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng; 68,86% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và 100% cán bộ làm công tác giảm nghè ở cấp xã, 144/231 (62,34%) cán bộ tại thôn, buôn đặc biệt khó khăn được tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về giảm nghèo, lập kế hoạch có sự tham gia, xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng, 100% cán bộ, thôn, buôn được tập huấn về ra soát xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo…

Trong năm 2018, UBND tỉnh Đắk Lắk phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh từ 2,5 – 3%, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giam từ 4 -4,5%. Để thực hiện được các mục tiêu này, tỉnh đề ra các giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, nhất là hộ nghèo về mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm hợp lực của toàn xã hội. Đồng thời khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại, khơi dậy ý chí, sự chủ động vươn lên của chính quyền, người nghèo, từ đó tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả; phát động phong trào thi đua “ Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn toàn tỉnh.

Tiếp tục phối hợp, lồng ghép hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới với các chính sách khác liên quan trên địa bàn. Khuyến khích các doanh nghiệp hỗ trợ phát triển cho các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, nâng cao đời sống đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách lao động, an toàn lao động và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Xây dựng kế hoạch, xác định địa bàn trọng điểm, điều kiện hoàn cảnh của từng hộ gia đình nghèo, cận nghèo, từ đó có các giải pháp phù hợp, góp phần thực hiện tốt giảm nghèo bền vững tại địa phương./.

Hoàng Cảnh

 

 

 

 

 

 

 

 

TAG:
Tin khác
Năm 2030 sẽ triển khai tàu khách tốc độ 120 km/h
Nhộn nhịp chợ hoa Quảng An, Hà Nội ngày cận Tết Ất Tỵ 2025
Hội chợ Tết 3 miền Xuân Ất Tỵ: “Đậm tình nguồn cội, Trọn nghĩa yêu thương”
‘Biển người’ đổ về hồ Tây xem 2.025 drone trình diễn ánh sáng
TP Lào Cai tặng quà Tết cho gia đình người có công bị ảnh hưởng cơn bão số 3
Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện, xã hội nhân dịp Tết Ất Tỵ
Nhân rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên vùng đất Thép Thái Nguyên
Du khách mang thuốc lá điện tử vào Việt Nam có thể bị xử tù
Bé gái sơ sinh bị bỏ rơi kèm mảnh giấy: ‘Em là sinh viên, không nuôi được con’