Đắk Lắk: Tăng cường các biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em
(LĐXH) - Trong năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã quan tâm tăng cường đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tuy nhiên tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại vẫn còn xảy ra và diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành và UBND cấp huyện, xã,… tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Tình trạng xâm hại trẻ em giảm
Đắk Lắk là tỉnh biên giới thuộc khu vực Tây Nguyên, có 13 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố với dân số gần 1,9 triệu người. Tổng số trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh là 509.946 em (chiếm 26,1% dân số), trong đó số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 134.423 em. Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, tính từ tháng 01/2015 đến hết tháng 6/năm 2019 trên địa bàn tỉnh có 268 trẻ em bị xâm hại (giảm 34 vụ so với giai đoạn 2011 – 2014). Đạt được kết quả này do tỉnh Đắk Lắk đã sớm ban hành một số văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã,… tập trung đẩy mạnh công tác tác chăm sóc và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt công tác này đã được đưa vào Nghị quyết của HĐND tỉnh Đắk Lắk về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm đều nêu mục đích về trẻ em, trong đó có mục tiêu về phòng, chống xâm hai trẻ em.
Những chính sách về trẻ em của tỉnh Đắk Lắk luôn được rà soát, sửa đổi và bổ sung theo hướng mở rộng về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em thuộc gia đình nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và phù hợp, thực hiện đầy đủ Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn. Trong đó, các chương trình, đề án chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, nhất là cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được UBND tỉnh đầu tư nguồn lực cũng như huy động mọi nguồn lực trong xã hội cùng chăm sóc sức khỏe tạo cơ hội, điều kiện cho trẻ em phát triển cả về thể chất và tinh thần. Cụ thể như: Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em; Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em; Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em và các chương trình chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em…
Các đại biểu tham dự lễ phát động Phòng chống đuối nước cho trẻ em tại huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk năm 2019
Theo ông Nguyễn Duy Tuyết – Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết: Công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tạo sự chuyển biến về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận trong xã hội. Nội dung tuyên truyền, giáo dục tập trung vào những kiến thức chuyên đề nâng cao nhận thức, vận động sự ủng hộ và tham gia của toàn xã hội; các tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến, gương người tốt, việc tốt.
Bên cạnh đó, còn tổ chức nhiều chương trình tư vấn trực tiếp, tư vấn cộng đồng hay tư vấn qua đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em (Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và đường dây nóng về trẻ em của tỉnh 02623951567); qua các chương trình truyền hình, bản tin, phóng sự ngắn về các vấn đề liên quan đến trẻ em. Riêng Sở Lao động –Thương binh và Xã hội đã tổ chức 190 lớp tập huấn, tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề về Luật phòng, chống bạo lực học đường, Luật trẻ em, Luật phòng, chống bạo lực gia đình với sự tham gia của 10.517 lượt cán bộ xã, thôn, buôn, tổ dân phố; cấp phát 22.300 tờ gấp truyên truyền pháp luật các loại cho các xã, thị trấn về tìm hiểu một số hành vi vi phạm quyền trẻ em và xử phạt vi phạm hành chính. Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt các luật mới ban hành (trong đó có Luật Trẻ em) cho 200 lượt cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành, đoàn thể ở tỉnh, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, in 42.000 tờ với tuyên truyền một số quy định của pháp luật về quyền và bổn phận của trẻ em, chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn,…
Các đơn vị tặng quà cho trẻ em tại lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2019
Hiện có 100% trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Bện cạnh đó, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ,… cũng quan tâm tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn về mô hình; nói chuyện chuyên đề về pháp luật về công tác trẻ em cho 1.895 người là cán bộ Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên, và các tuyên truyền viên cơ sở. Bên cạnh đó, các huyện, thị xã, thành phố cũng đã mở 358 lớp tập huấn cho 35.023 lượt tuyên truyền viên cơ sở; tổ chức truyền thông cho 343.956 lượt bà mẹ và 62.965 lượt ông bố có con dưới 16 tuổi; Phối hợp với nhà trường tổ chức nói chuyện chuyên đề về kỹ năng sống, tình bạn, tình yêu cho 152.644 lượt trẻ trong độ tuổi từ 10- 15 tuổi.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 166/184 xã, phường, thị trấn được công nhận xã, phường hợp với trẻ em theo Quyết định 34/2014/QĐ-TTg, đạt tỷ lệ 90,22% (nay là Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 23/01/2019). Mạng lưới cộng viên bảo vệ chăm sóc trẻ em tại thôn, buôn, tổ dân phố đã được củng cố và kiện toàn với 2.491 cộng tác viên; đến nay, có 15/15 huyện, thị xã, thành phố thành lập Ban chỉ đạo hoặc nhóm liên ngành bảo vệ trẻ em (đạt 100%); 184/184 xã, phường, thị trấn thành lập Ban bảo vệ trẻ em cấp xã/nhóm liên ngành hoặc đã có hội đồng để thực hiện xét duyệt xã phường phù hợp với trẻ em hàng năm (đạt 100%). Theo số liệu tổng điều tra trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt năm 2015 và rà soát lại năm 2018, hiện nay số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của tỉnh Đắk Lắk đã giảm còn 1,1. Hiện có khoảng 80% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã được chăm sóc, trợ giúp. Tuy nhiên, tổng số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt tại Đắk Lắk hiện vẫn lên tới 134.423 em, chiếm tỷ lệ 26,3% trên tổng số trẻ em của tỉnh.
Đánh giá về công tác trẻ em của tỉnh Đắk Lắk, bà Lê Thị Nga - Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc Hội, Phó Trưởng đoàn thường trực đoàn Giám sát của Quốc hội Khóa XIV cho rằng, những năm qua UBND tỉnh Đắk Lắk đã quan tâm chỉ đạo triển khai tương đối toàn diện, lành mạnh, hiệu quả các biện pháp và hoạt động để xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trên địa bàn. Theo đó, công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống xâm hại trẻ em của tỉnh được triên khai kịp thời, đồng bộ, bước đầu góp phần làm thay đổi được đồng bộ nhận thức của người dân về tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn.
Đông đảo các em học sinh tham dự lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em tỉnh Đắk Lắk năm 2019
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Đắk Lắk hiện tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn còn diễn biến phức tạp. Đối tượng phạm tội xâm hại trẻ em rất đa dạng, chủ yếu là những người quen biết, hàng xóm của trẻ em, thậm chí là người ruột thịt, người thân thích trong gia đình. Nguyên nhân do tình trạng dân trí thấp, thiếu hiểu biết, một số phong tục lạc hậu của một bộ phận người dân dẫn, đặc biệt là người dân tộc thiểu số không nhận thức đúng về quan hệ tình dục sớm ở lứa tuổi 13- 16 tuổi,.. Trong khi đó, công tác tuyên truyền Luật pháp, chính sách về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em còn chưa được thường xuyên và chưa đầy đủ, rộng khắp các địa bàn cộng đồng dân cư toàn tỉnh. Việc tuyên truyền chưa được thực hiện theo chuyên đề riêng về phòng, chống xâm hại trẻ em, mà chủ yếu lồng ghép với các hoạt động truyền thông chung về công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em,…
Theo đó, thời gian tới UBND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục chỉ đạo các huyện, thi, thành phố và chính quyền xã, phường, thôn, buôn… tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh điều tra xử lý kịp thời tình trạng xâm hại trẻ em. Trong đó, tăng cường quan tâm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Chú trọng đến việc lồng ghép nội dung truyền thông vào trong sinh hoạt của thôn, buôn, tổ dân phố và sinh hoạt ngoại khóa ở hệ thống các trường học trên địa bàn. Quan tâm, đẩy mạnh hình thức tư vấn, tham vấn và vận động trực tiếp đối với gia đình, cộng đồng dân cư về kỹ năng bảo vệ trẻ em tránh bị xâm hại. Tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông - giáo dục vào những phường, xã trọng điểm, các vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, những nhóm đối tượng còn hạn chế trong thực hiện trách nhiệm của mình đối với trẻ em. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra giám sát bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cơ sở và xây dựng đội ngũ những người làm công tác bảo vệ trẻ em đáp ứng đủ các yếu tố: tinh thần, trách nhiệm, trình độ, kỹ năng, góp phần giảm thiểu tình trạng trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại./.
Hải Đăng
TAG: