Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Đắk Lắk đưa sàn giao dịch việc làm về địa phương giúp người lao động kết nối việc làm hiệu quả
01:51 PM 26/12/2024
(LĐXH) - Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ Việc làm (DVVL) tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2024, nhờ được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban ngành, địa phương và sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của tập thể viên chức, người lao động của Trung tâm nên các hoạt động dịch vụ việc làm, tư vấn việc làm và giải quyết chế độ BHTN được triển khai thực hiện theo kế hoạch, hầu hết các lĩnh vực đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.
Người lao động đăng ký tìm việc làm tại Sàn giao dịch việc làm tỉnh Đắk Lắk năm 2024

Cụ thể, trong năm 2024, Trung tâm đã tư vấn việc làm, nghề nghiệp và các chế độ chính sách cho 46.900 lượt người, vượt 46,56% so với kế hoạch (trong đó, tư vấn việc làm là 35.700 lượt); giới thiệu việc làm cho 8.210 lượt người, vượt 2,63% so với kế hoạch (kế hoạch năm là 8.000 lượt); số người có việc làm sau khi giới thiệu là 2.530 người, vượt 5,42% so với kế hoạch (kế hoạch năm là 2.400 lượt), trong đó việc làm trong tỉnh 1.626 người. Đồng thời, đã chủ trì và phối hợp với các đơn vị tổ chức 86 hoạt động giao dịch việc làm (trong đó: chủ trì tổ chức 39 hoạt động, cụ thể: 04 Phiên giao dịch việc làm chuyên đề; 32 Phiên giao dịch việc làm lưu động, 03 Ngày hội việc làm; tham gia 46 Phiên giao dịch việc làm lưu động tại địa phương, 01 Phiên giao dịch việc làm trực tuyến). Trung tâm còn tổ chức 32 Hội nghị tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước và xuất khẩu lao động với 2.090 người tham gia. Ngoài ra, Trung tâm tham gia 45 buổi tư vấn việc làm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum đã thu hút 226 lượt đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, tuyển sinh trên với tổng nhu cầu tuyển dụng là 56.980 vị trí.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tư vấn thông tin xuất khẩu lao động, giới thiệu người lao động có nhu cầu tham gia phỏng vấn tại các đơn vị, doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, gó phần giải quyết việc làm  hiệu quả của địa phương.  Điểm nổi bật nhất trong năm 2024, Trung tâm phối hợp với các đơn vị xuất khẩu lao động tư vấn chuyên sâu về xuất khẩu lao động cho 3.590 lượt người có nhu cầu và tìm hiểu về thị trường xuất khẩu lao động, từ đó góp phần hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu lao động của tỉnh. Đồng thời, tiếp nhận 597 người đăng ký tham dự kỳ thi tiếng Hàn để đi XKLĐ theo chương trình EPS tại Hàn Quốc; kết quả có 174 người lao động đạt yêu cầu qua kỳ thi tiếng Hàn được làm hồ sơ đăng ký dự tuyển (trong đó 173 người nộp hồ sơ đầy đủ, 01 người lao động không còn nguyện vọng tham gia chương trình).

Đắk Lắk đưa sàn giao dịch việc làm về địa phương giúp người lao động kết nối việc làm hiệu quả

Ngoài ra, Trung tâm còn tiếp nhận thông tin nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, hộ gia đình là 2.470 lượt, trong đó số đơn vị có nhu cầu tuyển dụng là 1.955 lượt, vượt 4% so với kế hoạch năm (kế hoạch năm là 1.880 lượt), với tổng nhu cầu tuyển dụng là 23.000 lượt người. Đồng thời, cung cấp thông tin thị trường lao động cho các đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cơ sở kinh doanh và người lao động là 15.200 lượt, vượt 8,57% so với kế hoạch đề ra.

Bên cạnh thực hiện vượt chỉ tiêu, kế hoạch về công tác tư vấn và giải quyết việc làm, Trung tâm còn thực hiện tốt công tác giải quyết chính sách Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động trên địa bàn. Theo đó, trong năm 2024, số lượng người nộp hồ sơ đề nghị hưởng Bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm là 11.800 người. Trung tâm đã thẩm định hồ sơ và tham mưu cho Sở LĐ- TB&XH ban hành 11.500 quyết định hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp (bao gồm lũy kế số người đã tiếp nhận hồ sơ trong năm 2023 và được ban hành quyết định hưởng trong năm 2024), với số tiền chi trả 190 tỷ đồng.  Đồng thời, làm thủ tục chuyển hưởng 200 hồ sơ đang hưởng chế độ BHTN tại tỉnh Đắk Lắk đến các tỉnh, thành phố theo nguyện vọng của người lao động. Đáng chú ý trong năm 2024, Trung tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người lao động nộp hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, qua đó đã có 1.000 hồ sơ nộp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (tăng 668 hồ sơ so với năm trước).

Ngoài ra, Trung tâm còn tư vấn học nghề cho 11.800 lượt lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, qua tư vấn đã có có 850 người được hỗ trợ học nghề (vượt 157,58% kế hoạch đề ra). Cùng với đó, Trung tâm còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách bảo hiểm thất nghiệp đến người lao động tại các địa phương, đơn vị doanh nghiệp bằng nhiều hình thức phong phú và đa  dạng.

 Theo đánh giá của ông Lê Hải Lý - Giám đốc Trung tâm, cho biết điểm nổi bật nhất trong năm 2024, Trung tâm đã thực hiện tốt công tác phối hợp, tuyên truyền thông tin chính sách lao động việc làm, đặc biệt là công tác xuất khẩu lao động thông qua website, facebook, zalo, mã QR,… đến người lao động, các đơn vị, doanh nghiệp. Đồng thời, Trung tâm cũng đã đẩy mạnh công tác tổ chức Phiên giao dịch việc làm, các Hội nghị tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước và xuất khẩu lao động tại các buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Chủ động liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp XKLĐ uy tín được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp phép đưa người lao động đi làm việc tại thị trường Rumani, Ba Lan, Algeria để đa dạng thị trường cho người lao động lựa chọn tham gia. Do đó, hầu hết các chỉ tiêu nhiệm vụ đặt ra đã đạt và vượt mức.

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế, vướng mắc, khó khăn: Tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động (theo hướng thiếu hụt lao động) ở tất cả các cấp độ kỹ năng, trình độ, nơi làm việc, mức lương khởi điểm, hình thức làm việc, giới tính và độ tuổi khác nhau tạo nên áp lực rất lớn đối với công tác chắp nối cung  cầu lao động. Đối với công tác XKLĐ, hiện nay các thị trường đi xuất khẩu lao động truyền thống (nhất là thị trường Nhật Bản) có nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng lao động ít quan tâm, vì tỷ giá đồng yên không ổn định, các điều kiện tuyển dụng khắt khe, thời gian học ngoại ngữ kéo dài (khoảng 7-9 tháng mới xuất cảnh).

Người lao động đăng ký tìm kiếm việc làm tại sàn gia dịch việc làm Trung tâm DVVL tỉnh Đắk Lắk năm 2024

Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2024, trong  năm 2025 Trung tâm tiếp tục đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Dự kiến phấn đấu tư vấn việc làm, nghề nghiệp cho hơn 40.000 lượt người; giới thiệu việc làm cho khoảng 8.400 người (phấn đấu số người có việc làm sau giới thiệu khoảng 2.500 người, tư vấn chuyên sâu về xuất khẩu lao động cho khoảng 5.000 lượt người); Thu thập thông tin nhu cầu tuyển dụng khoảng 2.400 lượt đơn vị, doanh nghiệp; cung cấp thông tin thị trường lao động cho khoảng 15.100 lượt đơn vị, doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chế độ về bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp là 12.000 người và tư vấn, hỗ trợ học nghề cho lao động bảo hiểm thất nghiệp, dự kiến số lao động thất nghiệp được hỗ trợ học nghề là 400 người.

Để thực hiện đạt mục tiêu trên, Trung tâm đề ra các giải pháp trọng tâm như: Tăng cường công tác truyền thông, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến thông tin thị trường lao động để tăng khả năng tiếp nhận thông tin, tạo nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm cho người lao động. Tập trung đẩy mạnh tăng quy mô, tần suất tổ chức các hoạt động việc làm trong đó tập trung tổ chức các Hội nghị tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc làm trong nước và xuất khẩu lao động. Tổ chức các hoạt động việc làm một cách linh hoạt về thời gian, địa điểm phù hợp với nhu cầu của người lao động. Đặc biệt các hoạt động tuyên truyền về XKLĐ phải đa dạng, phong phú, dễ hiểu và hình thức tổ chức phù hợp với từng đối tượng, địa bàn nhằm giúp người dân tiếp cận thông tin đầy đủ, kịp thời.

Ngoài ra, tiếp tục kết nối với Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành đặc biệt là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn để thu thập thông tin tuyển dụng lao động tại các địa phương. Đồng thời thu thập thông tin nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động để chắp nối cho phù hợp, hiệu quả. Phối hợp với các doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài để mở rộng các thị trường, đặc biệt là các thị trường mới có chi phí thấp, lương cao, không yêu cầu khắt khe về tuyển dụng,… nhằm đáp ứng nhu cầu của người lao động.

Thảo Lan

 

 

TAG: trung tâm dich vụ việc làm
Tin khác
Nam Định: Khẳng định vị thế của Trung tâm Dịch vụ việc làm
Xã Hành Đức: Nỗ lực kết nối việc làm cho người nghèo
Huyện Đức Hoà (Long An) nỗ lực tìm kiếm giải pháp tạo việc làm ổn định cho người lao động
Long An chủ động kết nối doanh nghiệp đưa lao động sang Nhật Bản làm việc
Kiên quyết không để đối tượng xấu lừa đảo đưa lao động sang Úc làm việc bất hợp pháp
Dấu ấn trong phái cử lao động đi làm việc tại Hàn Quốc
Tăng cường kết nối cung – cầu lao động trên địa bàn tỉnh Nam Định
Thanh Hóa tăng cường kết nối cung cầu lao động
Huyện Quế Phong: Tích cực kết nối việc làm cho người lao động