An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Đại hội đại biểu lần thứ hai Hội Hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi Việt Nam
10:11 AM 20/12/2021
(LĐXH) Đại hội đại biểu lần thứ hai, nhiệm kỳ 2021-2026 của Hội Hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội nhằm đánh giá, tổng kết các hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ 1, đề ra phương hướng, nhiệm vụ tiếp tục đưa Hội lên bước phát triển mới, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền núi nước ta.
Đến tham dự đại hội có: Ông Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Chính phủ; Ông Ngô Sách Thực - Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ông Lê Văn Nghị - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Ông Hà Quang Dự - Nguyên UV Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục thể thao; GS.TS Trần Quốc Toản, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương; TS Hoàng Xuân Lương, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ; TS. Đinh Quang Ngữ, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch; GS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Việt Nam; TS.Bế Trường Thành - Chủ tịch Hội hỗ trợ Phát triền Kinh tế miền núi khóa 1, Nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Dân tộc Chính phủ
Hội Hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi được thành lập vào ngày 28/5/2013 theo Quyết định số 628/QĐ-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và hoạt động theo Điều lệ Hội do Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt tại Quyết định số 2019/QĐ-BNV, ngày 16/12/2013. 
Trong nhiệm kỳ I vừa qua, dù có nhiều khó khăn, nhưng Hội hỗ trợ Phát triển Kinh tế miền núi đã đạt một số thành tựu nhất định. Cụ thể: Năm 2014, Ban Thường trực Hội đã cử Đoàn công tác do Chủ tịch Hội làm Trưởng đoàn đi thăm và làm việc với 2 tỉnh Cao Bằng và Yên Bái, tìm hiểu tình hình và nắm bắt nhu cầu phát triển kinh tế của đồng bào các dân tộc thiểu số tại 2 địa phương nói trên, đồng thời tạo tiền đề phối hợp hoạt động của Hội về lâu dài với chính quyền các địa phương vùng dân tộc và miền núi.

Ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ phát biểu tại Đại hội

Năm 2015, Hội đã tiến hành Hội thảo khoa học về chuyên đề xúc tiến thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển miền núi. Đến dự Hội thảo có các chuyên gia nhà khoa học và cán bộ quản lý thuộc các cơ quan, lĩnh vực liên quan.
Hội đã phối hợp với Hiệp hội Làng nghề Việt Nam xây dựng chương trình liên kết phối hợp hoạt động quảng bá sản phẩm của miền núi, tổ chức Hội thảo và chương trình truyền thông, vinh danh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội miền núi.
Hội đã phối hợp với một số tỉnh triển khai các Dự án phát triển kinh tế và an sinh xã hội, kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài như: Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất viên nén mùn cưa xuất khẩu; nhà máy sản xuất hạt nhựa và bao bì; Bệnh viện khu vực, đường giao thông miền núi huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang; Dự án trồng rau quả sạch tại tỉnh Lâm Đồng; Dự án xây dựng Trung tâm nuôi dê sữa cho đồng bào dân tộc Chăm ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận; Dự án phát triển cây chè Tuyết san và cây thuốc nam tại Yên Bái.
Hội đã làm việc với đại diện Hội doanh nghiệp Việt Kiều cùng với một số tổ chức Phi chính phủ để quảng bá xúc tiến du lịch tại Tuần Châu-Quảng Ninh, Cát Bà - Hải Phòng, Bái Đính - Ninh Bình và giới thiệu tiềm năng phát triển du lịch các tỉnh miền núi; Tiếp cận tìm hiểu và tham gia hình thành Dự án Bảo vệ môi trường thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắc; Kết nối các nhà đầu tư với trường đại học Y - Dược Thái Nguyên để liên kết đào tạo Điều dưỡng viên cao cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế phục vụ cho chương trình xuất khẩu lao động chất lượng cao đối với con em đồng bào miền núi.
Hội đã tích cực tiếp cận một số tổ chức Quốc tế, tổ chức Phi Chính phủ để tìm kiếm nguồn viện trợ của nước ngoài hỗ trợ cho các chương trình an sinh xã hội tại các tỉnh miền núi; Cử đại diện của Hội đến Cộng hòa Pháp để tiếp xúc với đại diện tập đoàn Tài chính Quốc tế kêu gọi vận động tài trợ, hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi.
Ban Thường trực Hội đã vận động và xúc tiến các thủ tục để hình thành “Quỹ hỗ trợ phát triển miền núi Việt Nam” làm cơ sở đẩy mạnh các hoạt động của Hội. Lãnh đạo Hội đã làm việc với một số địa phương và một số tổ chức quốc tế để quảng bá về Hội và xúc tiến việc hình thành các Văn phòng Đại diện của Hội tại các địa bàn thích hợp.

Ra mắt Ban chấp hành Hội hỗ trợ phát triển Kinh tế miền Núi Việt Nam khóa 2, nhiệm kỳ 2021-2026

Hội đã làm việc với Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam để tìm hiểu về các chương trình hợp tác đầu tư nước ngoài và các hoạt động viện trợ Phi Chính phủ; Làm việc với một số tổ chức Hội xã hội nghề nghiệp trong nước để liên kết hoạt động; Đã phối hợp xây dựng 20 dự án đầu tư các công trình an sinh xã hội tại 20 tỉnh miền núi. Hội đã tích cực tiếp cận một số tổ chức Quốc tế, tổ chức Phi Chính phủ để tìm kiếm nguồn viện trợ của nước ngoài hỗ trợ cho các chương trình an sinh xã hội tại các tỉnh miền núi và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Tiếp xúc với đại diện Tập đoàn Tài chính Quốc tế; làm việc với Tập đoàn tài chính YingMing HongKong để giới thiệu đầu tư và kêu gọi viện trợ; Tiếp đón làm việc với Hội Doanh nhân Việt Kiều và một số tổ chức Phi Chính phủ.
Hội đã phối hợp với Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Quỹ Trái tim vàng Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Bảo vệ thiên nhiên môi trường - ứng phó với biến đổi khí hậu”. Hội thảo đã có nhiều Báo cáo khoa học tham luận và đã được tổng hợp in thành Kỷ yếu Hội thảo để sử dụng lâu dài cho các hoạt động của Hội sau này. Hội đã phối hợp với Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam tuyên truyền và vinh danh Cây Di sản Việt Nam từ 300 đến hơn 1.000 năm tuổi cho gần 2.000 cây (thuộc 70 loài thực vật) ở 45 tỉnh, thành phố. Qua đó đã phát hiện nhiều cây rất đặc sắc như cây Táu ở Việt Trì 2.200 tuổi, cây Lim xanh 1.000 năm tuổi tại Yên Thế, Bắc Giang; cây Samu dầu ở VQG Pù Mát Nghệ An (cao 73 m, đường kính 5,5m) và những cây có rễ phụ lớn nhất là cây Đa bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, cây Đa đền Thượng, Lào Cai; Những hoạt động trên đã góp phần thiết thực vào việc bảo vệ và bảo tồn các cây cổ thụ tại Việt Nam.
Hội đã phối hợp với Hội các nhà Khoa học Bắc Giang tại Hà Nội và UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội thảo để tham gia đóng góp xây dựng chương trình phát triển kinh tế-xã hội tổng thể của tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; trong đó đặc biệt là Đề án phát triển vùng cây ăn quả đa sản phẩm gồm vải thiều, nhãn, các loại quả có múi theo tiêu chuẩn VietGap để tham gia cạnh tranh trên các thị trường quốc tế.
Hội đã kết nối các nhà đầu tư với trường Đại học Y – Dược Thái Nguyên để liên kết đào tại Điều dưỡng viên cao cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế phục vụ cho chương trình xuất khẩu lao động chất lượng cao đối với con em đồng bào miền núi, trong đó chú trọng đồng bào các dân tộc thiểu số. Tiếp các tổ chức quốc tế của Nhật Bản, Hàn Quốc để giúp Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa và Trung tâm dạy nghề & Xuất khẩu lao động là 2 tổ chức thành viên của Hội liên kết đào tạo và xuất khẩu lao động cho con em các dân tộc thiểu số tại các tỉnh miền núi (Trong 5 năm, 2 đơn vị này đã dạy tiếng, dạy nghề và đưa được trên 3.500 học sinh du học và lao động sang Nhật Bản và Hàn Quốc theo hình thức học sinh và người lao động không phải bỏ tiền đóng góp ban đầu), các Tổ chức Quốc tế ứng tiền đào tạo và các thủ tục xuất nhập cảnh, người lao động sẽ trả dần trong quá trình học tập và lao động tại nước ngoài. Đây là hình thức rất phù hợp giúp con em đồng bào miền núi có điều kiện tham gia học tập và lao động tại nước ngoài, góp phần xoá đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao.
Tham luận tại Đại hội, các đại biểu đã tập trung vào các nội dung: Việc xây dựng, củng cố tổ chức Hội và phát triển hội viên; một số kinh nghiệm trong việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội miền núi…
Trong nhiệm kỳ tới, Hội Hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi sẽ tiếp tục phát huy những kết quả bước đầu đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, đẩy mạnh các mặt công tác và hoạt động của Hội với bước chuyển biến mới; Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của Hội, trong đó chú trọng các Ban Kinh tế Tài chính, Ban Quản lý và Điều hành Quỹ Hỗ trợ phát triển miền núi Việt Nam, Ban Kiểm tra và Ban chỉ đạo thực hiện các Dự án của Hội; Thành lập Tạp chí Kinh tế miền Núi Việt Nam; Viện Nghiên cứu Kinh tế miền Núi Việt Nam...
Đại hội Đại biểu lần thứ 2 nhiệm kỳ 2021-2026 của Hội hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi đã bầu ra BCH gồm 27 ông, bà. TS.Bế Trường Thành –Nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Dân tộc Chính phủ, Chủ tịch Hội hỗ trợ Phát triền Kinh tế miền núi khóa I tiếp tục được Đại hội tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội khóa II. Đại hội cũng bầu Ban Kiểm tra Khoá II, nhiệm kỳ 2021-2026 gồm 03 ông, bà.
Đại hội đã thông qua Nghị quyết và kêu gọi toàn thể Hội viên cùng đoàn kết, gắn bó và đóng góp để đưa Hội ngày càng phát triển lên một tầm cao mới./.
Thảo Lan

 

TAG:
Tin khác
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương
Dùng thuốc mua trên mạng, tiền mất mà tật còn nguyên
Người hâm mộ đổ ra đường, hô vang “Việt Nam vô địch!”
CSGT Diễn Châu kịp thời giúp bé 4 tuổi thoát cơn nguy kịch
Dữ liệu giám sát hành trình ôtô sẽ do Cục CSGT quản lý
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng gặp mặt cán bộ hưu trí phía Nam mừng Xuân Ất Tỵ