Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Đà Nẵng: Khó xử lý hoạt động mại dâm
05:17 PM 27/03/2017
Theo thống kê, Đà Nẵng hiện có khoảng 2.800 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm như các khách sạn, nhà nghỉ, quán karaoke, massage, cắt tóc thư giãn… cùng hàng nghìn nhân viên nữ đang làm việc.
Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Đà Nẵng cho biết, riêng trong năm 2016, TP có hơn 300 cơ sở kinh doanh dịch vụ gồm các nhà nghỉ, quán bar, khách sạn, quán nhậu. Trong đó, đoàn kiểm tra đã xử phạt gần 70 cơ sở kinh doanh với hơn 300 triệu đồng, đình chỉ 13 cơ sở và nhắc nhở 190 cơ sở.
“Chúng tôi đang đẩy mạnh rà soát, quản lý và phối hợp với lực lượng chức năng triệt phá các cơ sở kinh doanh dịch vụ trá hình. Tuy nhiên, công tác quản lý các cơ sở này không dễ bởi họ hoạt động lén lút với thủ đoạn ngày một tinh vi hơn”, ông Lê Minh Hùng- Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội nói.
Gái mại dâm chờ khách ở đoạn đường Trường Chinh, quận Thanh Khê
Không chỉ tăng cường kiểm tra, quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, thời gian qua, chi cục cũng phối hợp với lực lượng công an, chính quyền các địa phương khảo sát và triển khai hoạt động đấu tranh với tệ nạn mại dâm tại các tụ điểm, tuyến đường “nóng” như đường Trường Chinh, Nguyễn Tất Thành, Hồ Quý Ly, Lê Độ, Hà Huy Tập, cầu vượt Hòa Cầm, cầu Tiên Sơn và cầu Nguyễn Văn Trỗi...
Tại các khu vực này, Đội kiểm tra liên ngành 178 phát hiện và yêu cầu chấm dứt hoạt động đối với hàng chục gái mại dâm đứng đường hành nghề. Đội kiểm tra liên ngành 178 cũng đã gửi thông tin và hình ảnh của các gái mại dâm cho các chủ nhà trọ đề nghị phối hợp cùng lực lượng công an trong công tác bài trừ mại dâm.
Theo một cán bộ phụ trách công tác phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố, thực tế hiện nay, nạn mại dâm khó xử lý là do mức xử phạt thấp nên chưa đủ sức răn đe. “Xử phạt vài trăm ngàn rồi thả khiến nhiều gái mại dâm tiếp tục hoạt động. Hoặc có khi họ không nộp phạt với lý do... khó khăn không có tiền”, vị cán bộ này nói.
Ông Lê Minh Hùng cho biết, qua quá trình kiểm tra cho thấy rất nhiều người bán dâm bị lợi dụng để hành nghề. “Chúng tôi đã chứng kiến gái mại dâm đôi co với khách mua dâm và lập tức có một nhóm người đến giải cứu. Tất nhiên, nhóm người này sẽ được nhận một khoản thù lao không nhỏ. Bởi vậy, hiện tượng chăn dắt, bảo kê, lợi dụng gái mại dâm xảy ra không ít”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, nếu qua khai báo của người bán dâm mà xác minh được họ bị dẫn dắt thì không nên phạt tiền mà làm thủ tục đơn giản nhất để tiếp nhận họ vào cơ sở bảo trợ xã hội bởi đây là chính sách nhân văn. Hơn nữa, ở các cơ sở này, người từng hành nghề bán dâm có thể được học nghề, tạo việc làm và không tiếp tục bị các tổ chức cá nhân lợi dụng để trở về con đường cũ.
Theo Báo Đà Nẵng


TAG:
Tin khác
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương