Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Cựu chiến binh tỉnh Bắc Giang: Giúp nhau phát triển kinh tế
02:31 PM 28/10/2021
(LĐXH) - Phát huy truyền thống, bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, thời gian qua, hàng vạn cán bộ, hội viên Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Bắc Giang đã gương mẫu đi đầu trong các phong trào của địa phương. Đặc biệt là phong trào chung tay xóa nhà dột nát, giúp nhau phát triển kinh tế, làm giàu hợp pháp…
CCB Phạm Khắc Quyến (giữa) thôn Liên Phong, xã Cẩm Lý ( Lục Nam) vui mừng được ở trong ngôi nhà nghĩa tình CCB.
Hội CCB tỉnh Bắc Giang 115.427 hội viên sinh hoạt ở 2.186 chi Hội. Phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, cán bộ, hội viên Hội CCB các cấp luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, tích cực thi đua sản xuất, phát triển các ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng rừng, chế biến, bảo quản, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ… đã góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, hạn chế tái nghèo, đảm bảo đời sống an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, nâng tỷ lệ hộ hội viên khá, giàu, giảm tỷ lệ hộ hội viên nghèo.
Nhiều hội viên CCB có điều kiện kinh tế đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi từ mô hình làm kinh tế nhỏ lẻ, chuyển sang thành lập các mô hình sản xuất với quy mô lớn hơn, phương thức quản lý, quản trị hiện đại, phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao. Tiêu biểu như mô hình (5+1), (7+1), (10+1) có từ 5 đến 10 hộ hội viên có điều kiện, kinh tế khá giúp đỡ 1 hộ CCB có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trở thành hộ trung bình và khá. Mô hình góp vốn xoay vòng được thực hiện ở các hợp tác xã và tổ hợp tác, huy động hội viên và các thành viên góp vốn để sản xuất, tăng thu nhập, bảo đảm quyền lợi cho người lao động và các thành viên.
Theo thống kê, trong 5 năm qua, toàn tỉnh Bắc Giang đã có 150 mô hình giúp nhau giảm nghèo, giúp đỡ được 235 hộ hội viên CCB thoát nghèo, trong đó có 152 hộ vươn lên có thu nhập khá và giàu. Toàn tỉnh có 80 hội viên đạt tiêu chuẩn sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương; 231 hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh và hơn 4 nghìn hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi cấp cơ sở.
Tổ xung kích CCB thôn Hải Yên, xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn giúp hội viên thu hoạch vải thiều.
Hiện nay, toàn tỉnh có 237 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 87 hợp tác xã, 52 tổ hợp tác, 360 trang trại, 3.659 gia trại do CCB làm chủ, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động có thu nhập ổn định. Tiêu biểu như CCB Lê Văn Thùa, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc công ty Việt Thắng (TP Bắc Giang); CCB Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Công ty TNHH và Thương mại Hữu Hảo (TP Bắc Giang); CCB Nguyễn Văn Dậu, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Thống Nhất (huyện Lạng Giang); CCB Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc công ty TNHH xây dựng Hương Tiến, xã Cảnh Thụy (huyện Yên Dũng); CCB Trần Văn Hùng, Giám đốc công ty TNHH cơ khí Hùng Thảo, xã Ngọc Thiện (huyện Tân Yên)...
Bên cạnh đó, Hội CCB các cấp đã huy động từ các nguồn vốn được hơn 1.200 tỷ đồng, đang quản lý 57 dự án kinh tế, giải quyết việc làm cho 515.000 lao động, đây là một nguồn lực quan trọng để giúp CCB tỉnh Bắc Giang phát triển sản xuất, kinh doanh, có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình; vận động hội viên đóng góp xây dựng Quỹ Nghĩa tình đồng đội, qua đó đã giúp xây 57 nhà “Nghĩa tình CCB” cho các hội viên.
Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng tích cực vận động cán bộ, hội viên và nhân dân tham gia ủng hộ các quỹ: Vì người nghèo, Đền ơn đáp nghĩa, Vì Trường xa thân yêu; Khuyến học, khuyến tài; Các quỹ nhân đạo, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, môi trường... Với số tiền vận động ủng hộ hàng trăm triệu động mỗi năm.
Có thể thấy, trong thời bình, phẩm chất người lính Cụ Hồ lại được phát huy mạnh mẽ và trở thành dũng khí để các CCB tiếp tục chiến đấu chống lại nghèo nàn, lạc hậu, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Hội CCB tỉnh phấn đấu đến năm 2025, giảm tỷ lệ CCB nghèo xuống còn từ 0,4 - 0,5%, tương đương với giảm từ 500-600 hộ nghèo; mỗi năm tăng 1% hộ khá, giàu; đến năm 2025 đạt 85 - 87% hộ khá, giàu trở lên (hiện nay hộ khá, giàu chiếm 76,64%); 95% các xã, phường không còn CCB nghèo; hằng năm xóa 80% số nhà dột nát cho hội viên trở lên. Nhân rộng mô hình kinh tế tập thể, vận động thành lập mới từ 5 -7 hợp tác xã do hội viên CCB làm chủ; phát triển các trang trại, gia trại, giải quyết việc làm cho khoảng 5.500 lao động. Hằng năm, mỗi huyện, thành phố vận động xây dựng từ 1 - 2 mô hình kinh tế tập thể do hội viên CCB làm chủ hoạt động có hiệu quả./.
Minh Cảnh
TAG:
Tin khác
Huyện Đam Rông: Tập trung huy động mọi nguồn lực để giảm nghèo bền vững
Anh Phạm Văn Thành làm Chủ tịch Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam khóa I
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội nỗ lực vì an sinh xã hội Thủ đô
Hơn 100 đại biểu dự hội nghị về công tác tài chính do Sở LĐ-TB&XH TPHCM tổ chức
Tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững ở huyện Ba Tri
Bắc Giang: Tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo
Bắc Giang: Đẩy mạnh Phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”
Triển khai đồng bộ các giải pháp giúp người dân thoát nghèo tại huyện Sơn Động
Bắc Giang: Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, giúp người dân thoát nghèo