Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Cựu chiến binh huyện Sơn Động (Bắc Giang): Sáng ngời phẩm chất Bộ đội cụ Hồ
10:26 AM 20/08/2020
(LĐXH)- Trở về sau những năm tháng cống hiến xương máu nơi chiến trường ác liệt để bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc, các thế hệ cựu chiến binh (CCB) quận huyện Sơn Đông (Bắc Giang) hôm nay vẫn không ngừng nêu cao lý tưởng, bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ”, không lùi bước trước nghèo đói, khó khăn, gian khổ. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, họ luôn tỏ rõ quyết tâm làm theo lời Bác để cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Hội CCB huyện có gần 5.300 hội viên. Thời gian qua, Hội luôn chăm lo giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, hội viên; tích cực vận động hội viên thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của cấp trên. Đồng thời, đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đưa nội dung sinh hoạt trở thành hoạt động thường xuyên của các tổ chức Hội, tổ chức Đảng trong toàn Hội. Qua đó, đã giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên, hội viên nâng cao nhận thức, nêu cao ý thức trách nhiệm, rèn luyện bản lĩnh chính trị, gương mẫu trong đạo đức, lối sống và tích cực thực hiện nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, Hội còn làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp tham gia giải quyết nhiều vấn đề phức tạp ở địa phương, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền, xứng đáng với lòng tin của nhân dân địa phương.
Những năm qua, Hội CCB huyện còn động viên, khuyến khích hội viên tích cực tham gia các phong trào do Trung ương Hội phát động, tiêu biểu là phong trào đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo. Nhiều hội viên còn giúp đỡ nhau vật tư, cây con giống, cho vay vốn lãi suất thấp hoặc không lãi suất để phát triển kinh tế. Hiện nay, Hội CCB huyện có hơn 50% hộ khá và giàu. Hội CCB huyện cũng có nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Điển hình như CCB Nguyễn Đức Minh (SN 1955) ở xã Tuấn Đạo, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Ong mật hữu cơ Sơn Động.
Ông Nguyễn Đức Minh (bên trái), Chủ nhiệm HTX Ong mật hữu cơ Sơn Động
thăm mô hình nuôi ong lấy mật của hộ gia đình trên địa bàn
CCB Nguyễn Đức Minh cho biết, trước kia các hộ trong xã đều nuôi ong nhưng theo kiểu riêng lẻ, tự phát, hiệu quả không cao, ít người biết đến. Vì thế, năm 2014, ông đã đứng ra thành lập HTX nhằm tập hợp những gia đình nuôi ong để sản xuất tập trung, xây dựng thương hiệu “Mật ong rừng Sơn Động”. Vốn là bộ đội Trường Sơn nên ông Minh chẳng ngại khó ngại khổ, làm việc gì cũng chỉn chu, kiên trì. Những ngày đầu, ông tìm hiểu kỹ tập tính loài vật này rồi đi khắp nơi để chọn giống tốt, nguồn phấn hoa dồi dào để đặt thùng. “Nuôi ong lấy mật, chúng tôi cũng phải cần mẫn, tỉ mỉ chả khác gì những con ong thợ. Khi thấy có hiện tượng ong chúa già yếu, mắc bệnh hoặc sản sinh nhiều khiến thùng chật chội, chúng tôi phải tạo ong chúa mới, tách đàn hợp lý” - ông Minh nói về kỹ thuật nuôi ong.
Ông còn đầu tư hàng chục triệu đồng mua máy tách nước ra khỏi mật ong, bảo đảm mật nguyên chất, có màu vàng nâu đẹp mắt, mùi thơm đặc trưng, vị ngọt mát do các ong thợ đi lấy mật của hàng trăm, hàng nghìn loài hoa. Sau nhiều năm cố gắng, năm 2018, mật ong của HTX được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu “Mật ong rừng Sơn Động” và được Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh công nhận là sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Có thương hiệu, mật ong hữu cơ Sơn Động được nhiều người biết đến, mức tiêu thụ ngày càng tăng. HTX còn phối hợp với huyện dạy nghề cho hơn 1 nghìn hộ dân trên địa bàn.

Với xuất phát ban đầu của HTX chỉ có 29 thành viên với 2.700 đàn ong, đến nay đã tăng lên 44 thành viên với 5.500 đàn, chiếm hơn 40% tổng số đàn ong của toàn huyện. Mỗi năm HTX thu hơn 100 tấn mật, doanh thu ước đạt hơn 20 tỷ đồng. HTX đã phát huy được hiệu quả trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên CCB cũng như người lao động trên địa bàn.
Hay như, thương binh Nguyễn Văn Tiến (SN 1948), ở thôn Hắng, xã Vĩnh Khương vượt khó vươn lên phát triển kinh tế bằng mô hình trồng cây ăn quả, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Tình nguyện lên đường nhập ngũ năm 1968, khi ông vừa tròn 20 tuổi là lính công binh thuộc Binh đoàn 559 Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị), ông cùng lực lượng công binh đã đổ biết bao mồ hôi, xương máu để san núi mở đường, lấp hố bom để thông xe chi viện cho chiến trường miềm Nam. Sau những trận chiến ác liệt, năm 1970 ông bị thương nặng ở chân trái và bị sức ép ở đầu ông được chuyển ra Thanh Hoá điều dưỡng, sau đó ông tham gia làm công tác ở Trường hạ sĩ quan thuộc Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng) rồi xuất ngũ về quê năm 1984 với thương tật 55%.
Khi trở về địa phương, với công việc của một nhà nông, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, ông đã xoay đủ thứ nghề nhưng không mang lại hiệu quả. Với ý chí sắt đá, ông đã kiên trì học hỏi học hỏi kỹ thuật, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhận thấy đất đồi rộng, ban đầu từ vài con trâu, bò giống, ông đã phát triển đàn bò, đàn trâu tới gần 100 con. Năm nay 71 tuổi, hằng ngày ông Tiến vẫn cần mẫn chăm sóc vườn cây ăn quả, kết hợp chăn nuôi gà, nuôi cá, nấu rượu, trung bình mỗi năm cho ông thu nhập gần 100 triệu đồng.
Thương binh Nguyễn Văn Tiến nuôi cá cho thu nhập cao
Ông Tiến chia sẻ: “Khi xuất ngũ về địa phương với hai bàn tay trắng, sức khoẻ giảm sút, những vết thương thỉnh thoảng lại tái phát, nhưng vẫn phải cố gắng lao động, là chỗ dựa cho các con ăn học. Vui và hạnh phúc nhất khi các con tôi đều trưởng thành là công chức, viên chức nhà nước”.
Ngoài phát triển kinh tế, ông còn là già làng uy tín, nhiều việc khó, mâu thuẫn trong thôn ông đều hoà giải thành công. Mới đây nhất, khi chủ trương nhà nước hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn, ông đã tuyên truyền vận động, bà con góp tiền, hiến đất mở rộng đường, xây dựng nông thôn mơi.
Ông Hoàng Văn Lai, Chủ tịch Hội CCB xã Vĩnh Khương nhận xét: “Ông Tiến là một cựu chiến binh tiêu biểu làm kinh tế giỏi cũng như nhiệt huyết tham gia mọi phòng trào của Hội, đặc biệt với vai trò là gìa làng uy tín ông thường xuyên phối hợp với Ban quản lý thôn Hắng tháo gỡ nhiều việc khó, phức tạp được nhân dân mến phục”.
Với bản lĩnh bộ đội Cụ Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông Nguyễn Văn Tiến là tấm gương sáng ở địa phương. Ghi nhận những đóng góp và nỗ lực của người thương binh ấy, ông được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng, huân huy chương, bằng khen, giấy khen của tỉnh, huyện./.
Minh Hưng
TAG:
Tin khác
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Bình: Tấm lòng vàng trong công tác bảo tồn di sản và hoạt động từ thiện
Quảng Trị: Ước tính đến hết năm 2024, hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 1.595 nhà ở cho hộ nghèo tại huyện nghèo
Lạng Sơn: Đẩy mạnh hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo
Lạng Sơn: Hỗ trợ cải thiện dinh dưỡng, giúp giảm nghèo bền vững
Huyện Lộc Hà: Thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo
Huyện Bắc Sơn: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn Chương trình giảm nghèo
Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam gặp mặt các nhà tài trợ đồng hành cùng trẻ em khó khăn
Phú Thọ đẩy nhanh tiến độ thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ
Hà Tĩnh: Chú trọng công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024