Nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm vẫn cao hơn so với số lao động bị mất việc, thôi việc; cùng với đó, số doanh nghiệp thành lập mới cao hơn so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, qua đó góp phần tạo nhiều việc làm cho người lao động.
Tình hình lao động mất việc làm có xu hướng giảm so với các Quý trước. Tại Quý 3/2023, số lao động nghỉ giãn việc là 54,2 nghìn người, giảm 187,3 nghìn người so với Quý 2/2023, số lao động mất việc làm là 118,4 nghìn người, giảm 99,4 nghìn người so với Quý 2/2023.
Trong năm 2023, Cục Việc làm đã hướng dẫn sắp xếp, tổ chức lại các Trung tâm dịch vụ việc làm theo Nghị định số 120/2020/NĐ-CP, Nghị định số 23/2021/NĐ-CP; hướng dẫn về định mức kinh tế - kỹ thuật các dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực việc làm. Xây dựng các công cụ hỗ trợ tác nghiệp cho các Trung tâm dịch vụ việc làm địa phương về giao dịch việc làm trực tuyến; phát triển CSDL người tìm việc – việc tìm người; triển khai Dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.
Theo số liệu báo cáo của các Trung tâm dịch vụ việc làm, năm 2023, số người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 1.104.217 người, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2022 (983.810 người); Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 1.068.477 người, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2022 (975.333 người); Tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 2.355.621 lượt người, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022 (2.225.758 lượt người).
Tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Thực hiện công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Cục Việc làm đã tổ chức các lớp tập huấn triển khai thực hiện Nghị định số 70/2023/NĐ-CP cho 63 Sở LĐ-TB&XH tại 03 khu vực miền Bắc, Trung và Nam.
Tính đến cuối năm 2023 cả nước có 136.798 lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Số lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 10.807 người; số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động là 125.991, trong đó đã cấp mới giấy phép lao động cho 91.974 người và gia hạn cho 15.875 lao động, cấp lại cho 10.079 người, số còn lại 8.063 người đang hoàn thiện các giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động.
Về kết quả triển khai thu thập thông tin người lao động: tính đến ngày 07/12/2023, cả nước đã nhập được 11.965.981 người lao động, trong đó một số địa phương đã nhập xong cơ sở dữ liệu như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Đồng Tháp, Tuyên Quang..., một số địa phương đang bắt đầu nhập cơ sở dữ liệu như: Sơn La, Cà Mau, Hưng Yên, Trà Vinh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Bình…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đánh giá cao những kết quả mà Cục Việc làm đã đạt được trong năm 2023, nhất là việc tham mưu, xây dựng các văn bản đồng bộ, thống nhất, liên thông, góp phần hoàn thiện thể chế về lao động, việc làm, thị trường lao động và bảo hiểm thất nghiệp, tạo nền tảng pháp lý cho thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý Nhà nước, Cục đã chú ý triển khai thực hiện, bám sát các Nghị quyết, Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Chỉ thị Thủ tướng Chính phủ và sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ; chủ động phối hợp tốt với các cơ quan, ban, ngành Trung ương và địa phương trong việc tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện pháp luật lao động, việc làm.
Trên cơ sở kết quả đạt, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thanh đề nghị trong năm 2024, Cục Việc làm cần đẩy mạnh công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện các văn bản, trong đó tập trung xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi), đảm bảo chất lượng, tiến độ thời gian để Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024.
Xây dựng Dự án công nghệ thông tin, Sàn giao dịch việc làm điện tử. Chủ động phối hợp với các Sở LĐ-TB&XH trong việc thực hiện kết nối cung-cầu lao động, củng cố hệ thống thông tin phân tích dự báo thị trường lao động, kịp thời nắm bắt, dự báo tình hình để tham mưu cho Bộ, cho Chính phủ. Tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp, việc làm, quản lý lao động, đặc biệt là lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, tiếp tục tăng cường đối thoại, tạo sự đồng thuận trong thực hiện chính sách. Tăng cường kiểm tra giám sát, theo dõi nắm chắc tình hình thực hiện chính sách ở các địa phương.
Tiếp tục hướng dẫn Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố thu thập thông tin thị trường lao động, hướng dẫn thực hiện về việc cấp giấy phép dịch vụ việc làm của doanh nghiệp. Theo dõi, nắm bắt tình hình lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế để kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp kết nối cung - cầu lao động; hướng dẫn các địa phương tổ chức các sàn giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động, tư vấn giới thiệu việc làm và hỗ trợ lao động tìm kiếm việc làm. Thực hiện các hoạt động quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác./.
Hồng Phượng