Cục Người có công tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021
(LĐXH) - Chiều ngày 18/1, tại trụ sở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Cục Người có công đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2021. Tới dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cùng sự có mặt của các đại diện lãnh đạo tới từ Bộ Công An, Bộ Quốc phòng cùng các ban, ngành, đơn vị trực thuộc Bộ LĐ-TBXH, các trung tâm nuôi dưỡng người có công.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công cho biết, dưới sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng và các đồng chí Lãnh đạo Bộ; sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị thuộc Bộ và sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động, Cục Người có công đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020.
Công tác người có công được triển khai đồng bộ, toàn diện và sát sao
Theo báo cáo của ông Nguyễn Xuân Long, Phó Cục trưởng Cục Người có công, tại kỳ họp thứ 51, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), với tỷ lệ biểu quyết tán thành là 100%, gồm 7 Chương và 58 Điều với nhiều điểm mới và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện tại. Giai đoạn 2016-2020, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo chất lượng, tiến độ theo kế hoạch đề ra. Tiếp tục chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng; chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân được quy định thống nhất, rõ ràng; kịp thời bổ sung cả về đối tượng và chế độ thụ hưởng đối với người có công, thân nhân người có công với cách mạng.
Trong công tác xác nhận, công nhận người có công với cách mạng, với phương châm “không để người thực sự có công mà không được xem xét công nhận và thụ hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm, chăm sóc của Nhân dân”, Cục Người có công đã tham mưu, trình Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đôn đốc, làm việc trực tiếp với các Sở LĐ-TBXH địa phương. Nhờ vậy, năm 2020 Cục Người có công đã thẩm định trình Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 615 liệt sĩ, cấp đổi lại 11.860 bằng Tổ Quốc ghi công. Trong giai đoạn 2016-2020 Cục đã thẩm định trình Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 3.847 liệt sĩ, cấp đổi lại hơn 90.000 bằng Tổ Quốc ghi công; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn địa phương trong thực hiện công tác xác nhận người có công với cách mạng, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đồng thời chấn chỉnh, xử lý những dấu hiệu vi phạm.
Về công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng, tính đến tháng 12/2020, công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng theo Quyết định 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đã cơ bản hoàn thành. Kết quả thực hiện, sau 03 năm đã tiếp nhận tổng số 6.722 hồ sơ. Trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với 2.204 liệt sĩ, trên 2.600 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Những hồ sơ không đủ điều kiện đã được kết luận rõ và giải thích cho đối tượng thấu tình, đạt lý. Đối với những hồ sơ cần tiếp tục bổ sung hoàn thiện sẽ xem xét giải quyết dứt điểm vào trước 31/7/2021.
Bên cạnh đó, Cục Người có công cũng luôn sát sao, chú trọng công tác chăm sóc cho người có công với cách mạng, đảm bảo để các đối tượng chính sách luôn có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống cơ bản. chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đã được xây dựng và thực hiện trong năm 2020 và giai đoạn 2016-2020 tương đối toàn diện, ngoài trợ cấp thường xuyên còn có chế độ chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong y tế, giáo dục đào tạo, sản xuất kinh doanh, việc làm. Đời sống của người có công không ngừng được nâng lên, mức chuẩn trợ cấp hàng tháng tăng từ 1.318.000 đồng năm 2015 lên mức 1.624.000 đồng năm 2020.
Với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau" khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Cục đã chủ động, tích cực tham mưu cho Bộ để góp phần cho Bộ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg về các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động ứng phó với dịch Covid 19, trong đó đã có 994.626 người có công, thân nhân người có công được hỗ trợ với số kinh phí chi trả khoảng 1.483 tỷ đồng.
Đối với công tác tìm kiếm và xác định danh tính hài cốt, mộ liệt sĩ vô danh, Trong năm 2020, kết quả thực hiện Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, đã tiếp nhận để giám định ADN 6.323 mẫu gồm 5.680 mẫu hài cốt liệt sĩ và 643 mẫu thân nhân liệt sĩ, đã phân tích được 2.336 mẫu (gồm 1.956 mẫu hài cốt liệt sĩ và 380 mẫu thân nhân liệt sĩ). Kết quả đã xác định danh tính 221 hài cốt liệt sĩ gồm 147 hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng và 74 hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp giám định ADN.
Đặc biệt, năm 2020, nhân dịp kỷ niệm 73 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 -27/7/2020), Cục Người có công đã tham mưu cho Bộ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành địa phương tổ chức thành công nhiều hoạt động tri ân, chăm sóc người có công với cách mạng, trong đó hoạt động tiêu biểu là Gặp mặt 300 Mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc. Đây là hoạt động gặp mặt các mẹ Việt Nam anh hùng đầu tiên được tổ chức trên phạm vi toàn quốc. Hoạt động gặp mặt thể hiện những tình cảm chân thành, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và đồng bào, chiến sĩ cả nước với các Mẹ Việt Nam anh hùng - Những người mẹ vĩ đại đã hy sinh, đóng góp to lớn vào cuộc sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chú trọng xây dựng thể chế, các văn bản hướng dẫn Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), số hóa cơ sở dữ liệu về người có công
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đánh giá cao báo cáo của Cục Người có công, đã nêu lên được bức tranh toàn cảnh trong giai đoạn 2016-2020 về những thành tích, kết quả mà Cục đã nỗ lực, cố gắng đạt được. Cuộc sống của người có công và thân nhân người có công với cách mạng từng bước được cải thiện; các hoạt động tri ân liệt sĩ được tổ chức đều đặn hàng năm; tổ chức gặp gỡ Mẹ Việt Nam anh hùng; tuyên dương những tấm gương sáng thầm lặng là người có công;….
Thứ trưởng cho biết, năm 2021 sẽ là năm có nhiều thách thức mới, cần nhiều sự đổi mới về phương thức chăm lo cho người có công, cũng như các công tác quy tập mộ liệt sĩ cần hiện đại hơn, áp dụng công nghệ thông tin và số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu về người có công để công tác quản lý, truy cập thông tin được dễ dàng hơn. Ngoài ra, Cục cũng cần tập trung vào công tác xây dựng thể chế, triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi). Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền đặc biệt là những điểm mới của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi.) Xây dựng kế hoạch, tham mưu với lãnh đạo Bộ tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa trong năm 2021 đối với người có công với cách mạng đảm bảo tôn vinh, tri ân, thiết thực, trang trọng, tạo dấu ấn sâu đậm và lan tỏa trong cộng đồng xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan lưu ý Cục Người có công về việc xây dựng sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, số lượng cấp phó của Cục và các phòng trong Cục theo quy định tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ và đảm bảo phù hợp với số biên chế công chức hành chính được giao.
Ngọc Trần
TAG: