Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Công ước Quốc tế về quyền trẻ em: Bảo vệ và tăng cường quyền cho tất cả trẻ em
03:01 PM 03/12/2019
(LĐXH) - Trong suốt ba thập kỷ qua, những cam kết chính trị cũng như sự lãnh đạo mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện quyền trẻ em đã giúp cải thiện cuộc sống hàng triệu trẻ em của đất nước. Ngày càng có nhiều trẻ em được pháp luật bảo vệ, được sống, được chăm sóc sức khỏe, được học tập những kiến thức và kỹ năng cần thiết ngay từ trường mầm non và được ưu tiên hưởng chính sách phúc lợi.

Vào năm 1989, các nhà lãnh đạo thế giới đã đưa ra cam kết mang tính lịch sử cho trẻ em bằng việc thông qua Công ước Liên Hợp quốc về Quyền trẻ em (CRC) – một bộ luật quốc tế cho trẻ em. Đến nay đã được 196 quốc gia phê chuẩn, Công ước về Quyền trẻ em đã trở thành một văn kiện về quyền con người được phê chuẩn rộng rãi nhất trong lịch sử.

Công ước về Quyền trẻ em chứa đựng những ý tưởng sâu sắc: rằng trẻ em không chỉ là một con người bé nhỏ thuộc về cha mẹ hoặc thuộc về người lớn trong quá trình trưởng thành của các em. Hơn hết, các em là con người, là cá nhân với những quyền của riêng mình. Công ước quy định tuổi thơ là thời kỳ đặc biệt, khác với giai đoạn trưởng thành của con người. Trong thời kỳ đặc biệt này, trẻ em cần được bảo vệ, được chăm sóc để lớn lên, được học tập, vui chơi để phát triển hết tiềm năng của mình. Công ước yêu cầu phải đảm bảo cho tất cả trẻ em không bị phân biệt đối xử dưới bất kỳ dưới hình thức nào đều được hưởng các dịch vụ xã hội, được bảo vệ, được lớn lên trong môi trường an toàn, vệ sinh, được hỗ trợ, được chăm sóc và được lắng nghe, cũng như được tham gia vào các hoạt động xã hội.

Hướng tới một xã hội vì trẻ em (Ảnh minh họa)

Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên Hợp quốc về Quyền trẻ em vào năm 1990. Trong suốt ba thập kỷ qua, những cam kết chính trị cũng như sự lãnh đạo mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện quyền trẻ em đã giúp cải thiện cuộc sống hàng triệu trẻ em của đất nước. Ngày càng có nhiều trẻ em được pháp luật bảo vệ, được sống, được chăm sóc sức khỏe, được học tập những kiến thức và kỹ năng cần thiết ngay từ trường mầm non và được ưu tiên hưởng chính sách phúc lợi.

Ba mươi năm qua, những điều được quy định trong Công ước Quyền Trẻ em vẫn vẹn nguyên giá trị thực tiễn. Mặc dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể, ở nhiều quốc gia, tuổi thơ của trẻ em vẫn còn bị đe dọa. Vẫn còn nhiều trẻ em chịu ảnh hưởng của xung đột vũ trang, bị tách rời khỏi cha mẹ, bị ảnh hưởng bởi mặt tiêu cực của sự phát triển của công nghệ số, sự biến đổi của môi trường, hoặc bởi di cư, đô thị hóa. Cho đến hôm nay, Công ước vẫn có giá trị kêu gọi đẩy mạnh thực hiện quyền trẻ em. Cần hành động mạnh mẽ hơn, trên phạm vi toàn cầu cũng như ở Việt Nam để không chỉ quyền của trẻ em được thực hiện mà các Mục tiêu Phát triển bền vững cho trẻ em, tăng cường bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại, và đảm bảo giải quyết một cách có hiệu quả những nguy cơ vi phạm quyền trẻ em cùng cần được thực hiện.

Hướng tới tương lai phát triển bền vững, giải quyết những thách thức dựa trên nguồn nhân lực cần bắt đầu từ trẻ em; bằng đầu tư vào các dịch vụ có chất lượng để trẻ em được sống khỏe mạnh, có dinh dưỡng tốt, được giáo dục và được bảo vệ một cách tốt nhất. Các nhà kinh tế học đã chứng minh đầu tư vào trẻ em mang lại nguồn lợi nhiều nhất về phát triển kinh tế, bảo đảm hòa bình và sự phát triển của xã hội. Vì vậy chúng ta cần phải cam kết và hành động khẩn trương, mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ và tăng cường quyền cho tất cả trẻ em ở Việt Nam, ngay trong hiện tại và cho các thế hệ tương lai.

Kỷ niệm 30 năm Công ước về Quyền trẻ em, nhìn lại những thành tựu đạt được, xác định những thách thức cần giải quyết và một lần nữa thể hiện cam kết bảo đảm thực hiện quyền cho tất cả trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với UNICEF Việt Nam và các đối tác phát triển, các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động kỷ niệm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, tại Hà Nội, các hoạt động kỷ niệm sẽ diễn ra trên phố đi bộ ở hồ Hoàn Kiếm vào cuối tuần 16-17/11/2019 bao gồm Lễ kỷ niệm, Triển lãm ảnh Thắp sáng nụ cười Việt Nam, khai trương Thư viện tìm hiểu Công ước về Quyền trẻ em (tại Cung thiếu nhi Hà Nội), các sân chơi tìm hiểu về Công ước về Quyền trẻ em. Đặc biệt, Tháp Bút và cầu Thê Húc, những biểu tượng của Hà nội sẽ được thắp sáng với màu xanh thể hiện hy vọng cũng như cơ hội cho trẻ em và cho tất cả mọi người. Sự kiện Tìm kiếm giải pháp quốc gia cũng sẽ được tổ chức vào cùng thời gian này (tại trường UNIS Hà Nội), tại đây trẻ em ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ cùng thảo luận và xây dựng các giải pháp cho các vấn đề mà trẻ em đang phải đối mặt.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tòa tháp Landmark 81- tòa nhà cao nhất Việt Nam cũng sẽ đăng tải hình ảnh những nụ cười trẻ em để kỷ niệm 30 năm Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em và để truyền cảm hứng cho trẻ em và gia đình cùng tham gia kỷ niệm, cùng thắp sáng hy vọng và tạo cơ hội cho mọi trẻ em phát triển an toàn, lành mạnh.

Trước đó, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã tổ chức kỷ niệm 30 năm Công ước Quyền Trẻ em với sự tham gia của các quan chức cao cấp Liên hợp quốc, đại diện của Ba Lan là nước khởi xướng Công ước và 5 quốc gia phê chuẩn Công ước đầu tiên tại 5 khu vực là Việt Nam (châu Á-Thái Bình Dương), Liên bang Nga (Đông Âu), Thụy Điển (Tây Âu), Ghana (châu Phi) và Ecuador (châu Mỹ Latinh).

Tại phiên họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc chia sẻ ý nghĩa của sự kiện là cơ hội quan trọng để các nước tái khẳng định và tăng cường nỗ lực bảo đảm và thúc đẩy quyền trẻ em. Đại sứ Đặng Đình Qúy khẳng định vai trò thiết yếu của giáo dục trong việc nuôi dưỡng tình yêu thương và đùm bọc trong mỗi trẻ em cũng như chuẩn bị để mỗi em sẽ trở thành những người có trách nhiệm và biết sẻ chia. Ông cũng nhấn mạnh, Việt Nam luôn dành mọi nỗ lực để bảo đảm trẻ em được học tập, kể cả trong những năm tháng chiến tranh và trên tinh thần đó, Đại sứ đã trân trọng thông báo Chính phủ Việt Nam ủng hộ Tuyên bố Trường học An toàn nhằm cùng cộng đồng quốc tế lên tiếng ủng hộ và đề cao quyền giáo dục của trẻ em trong mọi trường hợp. Việt Nam cùng với hơn 40 quốc gia khác đã tham gia Bản Cam kết Toàn cầu Tự nguyện vì “Mỗi trẻ em, Mỗi quyền của trẻ em”.

Trần Huyền

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24