Công tác xã hội – Điểm tựa vững chắc của đối tượng chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu
(LĐXH)- Công tác chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương hậu quả thiên tai; cũng như tư vấn, tạo sinh kế bền vững cho đối tượng chịu ảnh hưởng chính là thực hiện có hiệu quả chức năng nghề công tác xã hội trong thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhấn mạnh vai trò của nhân viên công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu, ông Tô Đức - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội cho biết, thảm họa thiên tai là một trong những lĩnh vực trọng tâm của công tác xã hội, trong đó nhân viên công tác xã hội đóng vai trò quan trọng trong quản lý thảm họa trước, trong và sau thiên tai.
Kinh nghiệm tại Yên Bái
Đến bây giờ, chị Hà Thị Cúc ở thôn Liên Hợp, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên (Yên Bái) vẫn chưa thể quên khoảnh khắc kinh hoàng, khi hoàn lưu của cơn bão Sơn Tinh gây ra hậu quả nặng nề cho thôn bản của chị nói riêng và các địa phương ở Yên Bái nói chung hồi tháng 10/2017. Gia đình chị thuộc hộ nghèo ở thôn Liên Hợp khi có 2 con đều bị khuyết tật. “Nhà cửa lúc đó trôi hết, tôi chỉ kịp kéo 2 con bỏ chạy thật nhanh thì mới thoát được trận lũ kéo đến. Thôn tôi lúc đó có mấy người bị thương” – chị Cúc kể.
Sau thiên tai, chị và nhiều hộ dân trong xã Hồng Ca được các cấp chính quyền huyện, tỉnh và các nhà hảo tâm quan tâm chăm lo xây dựng lại nhà mới, trợ cấp thuốc men, đồ ăn, chăn màn, sách vở cho các con… để giúp ổn định cuộc sống. Đặc biệt, chị luôn nhắc tới những cán bộ Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái (trong bài gọi tắt là Trung tâm) đã có mặt kịp thời để chia sẻ những khó khăn, vất vả cũng như khơi gợi những tâm tư tình cảm của chị và bà con địa phương.Nhân viên công tác xã hội Yên Bái xuống thôn bản lắng nghe nguyện vọng của người dân (Ảnh: Trung tâm CTXH và BTXH Yên Bái)
Chị Cúc có 2 con là Hà Thị Miên và Hà Thanh Tuấn đều mắc khuyết tật câm điếc bẩm sinh. Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của gia đình sau cơn “đại hồng thủy”, các cán bộ của Trung tâm đã lặn lội đến tận nhà, động viên gia đình và kêu gọi sự trợ giúp từ cộng đồng. Sau khi ổn định cuộc sống, các cán bộ Trung tâm đã hướng dẫn các con chị làm các thủ tục cần thiết để đi học nghề may và điện theo nguyện vọng của các em.
Ông Hà Ngọc Điệp – Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Ca cho biết: “Trung tâm phối hợp thường xuyên và có hiệu quả trong việc hướng dẫn chính sách đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội, đặc biệt sau mỗi đợt thiên tai xảy ra. Chính nhờ sự can thiệp kịp thời này, các đối tượng bị ảnh hưởng được tiếp thêm ý chí để vươn lên. Các cán bộ ở Trung tâm cũng như người bạn, người anh chị của các đối tượng, họ sẵn sàng đến tận nơi để tư vấn, chia sẻ những vướng mắc cũng như đưa ra những phương án hữu hiệu giúp đối tượng vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Do được đào tạo cơ bản, những câu chuyện giữa cán bộ Trung tâm với những đối tượng ở địa bàn dường như không có rào cản”.
Có thể thấy, Yên Bái là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của biến đối khí hậu, nhất là vào mùa mưa lũ. Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hàng chục đợt thiên tai, đặc biệt là hai đợt lũ quét lịch sử xảy ra trong tháng 8/2017 tại huyện Mù Cang Chải và tháng 10/2017 tại các huyện Trạm Tấu, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ. Chỉ tính riêng năm 2017, thiên tai đã làm cho 53 người chết và mất tích, 33 người bị thương; hư hỏng 3.649 căn nhà; thiệt hại 5.547 ha sản xuất nông nghiệp, 23.100 con gia súc, gia cầm; phá hủy trên 500 công trình hạ tầng kỹ thuật... Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 1.855 tỷ đồng.
Khi thiên tai xảy ra, nạn nhân đa số rơi vào những người yếu thế thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Những người khuyết tật, người già, trẻ em lang thang, người nghèo, nhà cử tạm bợ… thuộc diện chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Do đó, không những khi thiên tai xảy ra mà kể cả trước đó, những đối tượng này có nhu cầu lớn, đòi hỏi về dịch vụ và phúc lợi xã hội.
Để dịch vụ CTXH liên quan đến biến đổi khí hậu bao phủ đến các đối tượng và phát huy hiệu quả, Trung tâm đã phối hợp với Phòng LĐTB&XH và chính quyền các địa phương triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tư vấn cho các đối tượng. Khi thiên tai xảy ra, cán bộ Trung tâm cùng các lực lượng chức năng khác thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ. Những năm gần đây, Trung tâm còn đa dạng hóa các phương thức trợ giúp, kết nối và xây dựng mạng lưới cơ sở trong và ngoài tỉnh để cung cấp dịch vụ xã hội cho đối tượng có nhu cầu tại cộng đồng trước, trong và sau thiên tai.
Công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu như thế nào?
Thực tế cho thấy, biến đổi khí hậu đã có những tác động rất lớn đến đời sống của nhân dân. Thiên tai có thể gây chết người, gây thương tích cho con người, vật nuôi, làm thiệt hại về tài sản, gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh… làm ảnh hưởng đến điều kiện sống của người dân trong cộng đồng và đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Thiên tai cũng tạo ra các cú sốc cho cá nhân, gia đình và cộng đồng. Ví dụ thiên tai làm chết và mất tích nhiều người (người đó có thể là cha, mẹ của các trẻ em hoặc trẻ em bị chết do lũ cuốn trôi…); cá biệt có gia đình bị mất cả cha, mẹ, nhiều trẻ em rời vào cảnh mồ côi cha, mẹ; cũng như gây thiệt hại về sinh kế của cá nhân, cộng đồng…
Theo ông Nguyễn Ngọc Minh - Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội Hà Nội, nhân viên công tác xã hội làm việc trong cộng đồng khi có thiệt hại do thiên tai gây ra, trước hết phải là những cán bộ có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ các nguồn thông tin từ người dân hay tổ chức xã hội tại nơi mình công tác phản ánh. Sau đó đánh giá, sàng lọc, kiểm tra lại tính chính xác của thông tin và báo cáo với lãnh đạo địa phương để có biện pháp khắc phục kịp thời. Họ phải là những cán bộ đã được đào tạo bài bản về các giải pháp hỗ trợ người dân khi thiên tai gây ra.
Bên cạnh việc thực hiện chức năng phòng ngừa, chữa trị thì nhân viên công tác xã hội còn phải chủ động thực hiện các biện pháp ổn định về tâm lý, sức khỏe, các giải pháp về sinh kế… Họ cần phải tiến hành các hoạt động trợ giúp cá nhân, gia đình vượt qua những khó khăn do thiên tai gây ra như: mất mát về người thân, tài sản, điều kiện sinh kế… Đó chính là việc đồng hành cùng “thân chủ” của mình xây dựng kế hoạch phục hồi lại những gì đã mất để từng bước giúp họ vượt qua khó khăn, hòa nhập đời sống cộng đồng.Truyền thông đã phản ánh sinh động, đầy đủ về các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu
Thực tế tại Yên Bái cho thấy, khi có thông tin từ cơ quan dự báo khí tượng thủy văn có ảnh hưởng đến địa bàn, nhân viên công tác xã hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tại địa phương thông báo kịp thời cho người dân biết, đồng thời hướng dẫn các biện pháp phòng tránh thiệt hại khi thiên tai xảy ra một cách chủ động. Khi thiên tai xảy ra, họ đã cùng với các lực lượng địa phương để khắc phục hậu quả; kịp thời thống kê thiệt hại về người, tài sản, hoa màu… (nếu có) để tham mưu cho lãnh đạo địa phương có các biện pháp trợ giúp kịp thời.
Ông Phạm Công Quyết – Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái chia sẻ: “Các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu tại Trung tâm đã thực sự vào chiều sâu, hình thức đa dạng, phương thức tiếp cận với các đối tượng linh hoạt. Điều quan trọng là Trung tâm đã xác định rõ nhu cầu của các đối tượng yếu thế và hướng đến đáp ứng các nhu cầu đó; dần hình thành đội ngũ nhân viên có kỹ năng và tâm huyết, qua đó khẳng định ý nghĩa xã hội, ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong việc khơi dậy và phát huy khả năng, giúp người yếu thế vươn lên trong cuộc sống. Chúng tôi không chỉ trực tiếp giúp đỡ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, mà còn huy động được sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể trong nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội tại cộng đồng”.
Báo chí đồng hành cùng công tác xã hội
Đánh giá về hiệu quả của hoạt động truyền thông về công tác xã hội và biến đổi khí hậu, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, thời gian qua, các cơ quan Trung ương và địa phương đã tích cực hành động, hiện thực hóa chủ trương, chính sách thành các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu như: Tuyên truyền, phổ biến, tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao ý thức để thay đổi hành vi của người dân trong ứng phó với biến đổi khí hậu; đổi mới, hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực thi chính sách, phát luật; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước, phát triển nguồn nhân lực về ứng phó với biến đổi khí hậu; phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế và mở rộng đối tác chiến lược về ứng phó với biến đổi khí hậu...Lãnh đạo, phóng viên Tạp chí Lao động và Xã hội thăm, tặng quà và chia sẻ với các em nhỏ chịu ảnh hưởng bởi mưa lũ tại Mù Cang Chải - Yên Bái năm 2017
Báo chí rất thuận lợi là có thể tận dụng phương tiện truyền thông hiện đại trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và những kiến thức được cập nhật từ các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu và từ thực tiễn được trải nghiệm. Vì vậy những đề tài có sức lan tỏa, có thể phản ánh chính sách đối với người dân; đăng tải những kinh nghiệm ứng phó đối với biến đổi khí hậu, vai trò về công tác xã hội đối với việc thích ứng với biến đổi khí hậu một cách nhanh nhất, thường xuyên nhất và hiệu quả nhất.
Thực tế cho thấy, khi thiên tai xảy ra, các cơ quan báo chí chí đã cùng đồng hành với những người làm công tác xã hội, như thông tin kịp thời những dự báo để người dân có biện pháp phòng tránh. Khi hậu quả xảy ra, báo chí đã phản ánh trung thực những thiệt hại do thiên tai gây ra, chung tay cùng các lực lượng chức năng khắc phục hậu quả. Đặc biệt, thông qua báo chí, thông tin tại các khu vực, cá nhân bị ảnh hưởng bởi thiên tai đã được lan truyền rộng khắp. Từ đó đã kêu gọi được sự chung tay hỗ trợ từ cộng đồng, giúp người dân ổn định cuộc sống; cũng như kiến nghị xây dựng chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu./.
Lại Thìn
TAG: