Dân tộc-Tôn giáo
Trang chủ / Xã hội / Dân tộc-Tôn giáo
Công tác truyền thông, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo trong thời kì công nghệ 4.0
06:48 PM 27/05/2021
(LĐXH) Công tác truyền thông, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo từ lâu luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của nước ta hiện nay. Bởi đây là một vấn đề cực kì nhạy cảm, cần được thông tin một cách đúng đắn để nâng cao nhận thức của đồng bào, bài trừ mê tin dị đoan, lợi dụng các vấn đề về tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động trái pháp luật, kích động chia rẽ nhân nhân, dân tộc, làm mất an ninh trật tự và an ninh quốc gia. Trong thời đại phát triển của công nghệ và mạng xã hội hiện nay, rất dễ xuất hiện những thông tin sai lệch, khó kiểm soát có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với vấn đề tôn giáo, dân tộc. Bởi vậy, cần có sự xử lý tinh tế, sáng tạo và quyết liệt để nâng cao hơn nữa hiệu quả của các cơ quan truyền thông trong vấn đề này.
Vai trò quan trọng của vấn đề dân tộc, tôn giáo 
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định vấn đề dân tộc, tôn giáo và công tác dân tộc, tôn giáo là vấn đề chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, phát huy truyền thống và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một đảm bảo quan trọng cho thắng lợi sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
“Quan điểm của Ðảng về vấn đề dân tộc là xuyên suốt và cụ thể. Ðảng ta luôn xác định “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển” đồng thời “chống kỳ thị dân tộc, dân tộc cực đoan, dân tộc hẹp hòi; nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc” - ông Hà Việt Quân - Vụ trưởng Hợp tác quốc tế, Ủy ban Dân tộc - nhấn mạnh. Trên cơ sở đó, Ðảng và Nhà nước đã xây dựng và tổ chức thực hiện nhiều chính sách dân tộc, các chương trình, đề án, góp phần quan trọng vào việc “thay da đổi thịt” nhiều địa phương vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới.
Đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với chủ trương của Đảng, Nhà nước thông qua các ấn phẩm báo chí truyền thống
Cùng với chính sách dân tộc, theo PGS Chu Văn Tuấn - Viện trưởng Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, thời gian qua, chính sách tôn giáo được Ðảng và Nhà nước hết sức quan tâm, trong đó tập trung vào các nội dung: Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân; bình đẳng giữa các tôn giáo và bình đẳng trước pháp luật; đoàn kết tôn giáo gắn với đoàn kết dân tộc; phát huy giá trị đạo đức, nhân văn, tích cực của các tôn giáo. Ðặc biệt, Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng đưa ra quan điểm mới, đó là ngoài phát huy các giá trị tích cực, nhân văn của tôn giáo, cần tập trung phát huy các nguồn lực của tôn giáo; chống lợi dụng tôn giáo để chia rẽ đoàn kết tôn giáo, cũng như phá hoại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Hiểu rõ được tầm quan trọng của vấn đề dân tộc, tôn giáo, Đảng và Nhà nước đã luôn nỗ lực, cố gắng thực hiện nhiều chương trình, đề án quan trọng để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc, tôn giáo. Nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào về các chương trình, đề án này, công tác truyền thông về vấn đề dân tộc, tôn giáo cũng được đẩy mạnh trong nhiều năm qua. Nhờ đó, các cộng đồng dân tộc, tôn giáo về cơ bản đã nắm được về chính sách dân tộc, chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta và thực tế tình hình cuộc sống lao động, sản xuất, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam trong giai đoạn hiện tại.
Cần sự sáng tạo, đổi mới trong công tác truyền thông về vấn đề tôn giáo, dân tộc
Với vai trò cơ quan quản lý các cơ quan truyền thông, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, tôn giáo, dân tộc, theo ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Báo chí, Bộ TTT&TT  cho hay: Với gần 800 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh - truyền hình, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết của Đảng về dân tộc và tôn giáo, Bộ TTTT đã tập trung phủ sóng, số hóa các chương trình, tăng cường thời lượng tin/bài, thông tin, tuyên truyền hướng về cơ sở, nâng cao chất lượng phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc; đẩy mạnh phổ biến các quan điểm, chủ trương của Ðảng, Nhà nước đối với cán bộ, nhân dân, đồng bào - nhất là với các chức sắc, tín đồ tôn giáo. Ngoài các ấn phẩm chuyên môn về tôn giáo, hiện mỗi tôn giáo đều có ấn phẩm riêng.
Tuy nhiên, hiện tại công tác truyền thông về tôn giáo, dân tộc vẫn gặp nhiều khó khăn, trở ngại do sự chia cắt về mặt địa lý, điều kiện tự nhiên xã hội cũng như ngôn ngữ của các dân tộc khác biệt và khó tiếp cận,…. Bên cạnh đó, công tác thông tin, truyền thông cũng còn chưa chủ động, sáng tạo. “Các hình thức truyền thông chưa thực sự chạy theo đời sống thường ngày của bà con, chủ yếu là tuyên truyền theo cách cổ điển qua các hội nghị, hội thảo. Chưa phát huy sự sáng tạo của các loại hình truyền thông, nhất là chưa tận dụng được lợi thế và truyền thông trên mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ hiện nay” - Ông Hà Việt Quân – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Dân tộc nhận xét. Có thể thấy, cần một sự thay đổi cấp thiết và chủ động trong cách thông tin, tuyên truyền về tôn giáo, dân tộc để độ phủ sóng tới cộng đồng hiệu quả và sâu rộng hơn.
Sự phổ cập của internet và mạng xã hội giúp công tác truyền thông, tuyên truyền về vấn đề tôn giáo, dân tộc trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn
Nhằm đổi mới phương thức truyền thông, tháng 2/2019, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 219/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án hỗ trợ thông tin, truyền thông về dân tộc, tôn giáo.  Đề án tập trung thực hiện thông tin, tuyên truyền trên báo chí, xuất bản phẩm, thông tin điện tử, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác (bao gồm các sản phẩm thông tin, xuất bản phẩm phục vụ dân tộc thiểu số; Phục vụ tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tổ chức tôn giáo); Tổ chức các hoạt động tìm hiểu về dân tộc, giá trị của tôn giáo trong xã hội thông qua hội thảo, hội thi, phổ biến, tư vấn pháp luật; Tuyên truyền thông qua các hoạt động đối ngoại, hoạt động của các cơ sở giáo dục - đào tạo, hoạt động văn hóa - nghệ thuật, du lịch, hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức tôn giáo và các tổ chức liên quan khác.
Hiện nay, Việt Nam có gần 100 triệu dân, 130 triệu thuê bao điện thoại, 65 triệu người dùng mạng xã hội, đây có thể được coi là lợi thế trong cách mạng công nghiệp 4.0. Để tận dụng được lợi thế này, bản thân người làm công tác thông tin, truyền thông phải được trang bị đầy đủ kiến thức, hiểu biết cơ bản về tôn giáo, tránh sai sót, tạo cớ cho các thế lực thù địch lợi dụng. Thành thạo cách truy cập và sử dụng các nền mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok để chủ động tìm hiểu, nắm bắt tình hình tâm tư tình cảm, bức xúc của nhân dân về các vấn đề tôn giáo, dân tộc. Phát hiện kịp thời các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên không gian mạng; tăng cường tuyên truyền đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của thế lực thù địch, phán động; phát huy vai trò của báo chí về thông tin chính thống, định hướng dư luận xã hội. Các cơ quan báo chí cần thúc đẩy chuyển đổi số, tạo điều kiện để phóng viên, biên tập viên có điều kiện nâng cao kĩ năng sử dụng các kênh truyền thông, mạng xã hội một cách hiệu quả nhằm lan tỏa thông tin tích cực, chính thống nhằm pha loãng các luồng thông tin sai trái, sai sự thật.
Đại diện Bộ TT&TT - cho biết, trước yêu cầu đặt ra, hiện Bộ này đã làm việc với các quan liên quan, triển khai các nội dung, cách làm đạt hiệu quả, góp phần xây dựng nhận thức đúng đắn của người dân về vấn đề dân tộc, tôn giáo; các chính sách về dân tộc, tôn giáo. Qua đó, giữ gìn các giá trị tuyền thống, tăng cường đoàn kết dân tộc; thực hiện mục tiêp phát triển kinh tế; đấu tranh các biểu hiện lệch lạc về dân tộc, tôn giáo trong thời đại công nghệ 4.0 với nhiều luồng thông tin đa chiều, trái chiều.
Minh Ngọc

 

TAG:
Tin khác
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả
An Giang: Những đề xuất bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi nhằm chăm lo tốt hơn đối với người có công
Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương miền Tây An Giang
Huyện Châu Phú: Thiết thực tri ân người có công với cách mạng
An Giang: Không còn hồ sơ người có công với cách mạng tồn đọng thuộc quy định giải quyết
An Giang: Quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
Lào Cai: Tập trung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
An Giang chú trọng tôn tạo, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ