Qua rà soát, quản lý, Công an huyện Lạc Sơn đánh giá, đa số người nghiện ma túy trình độ văn hóa thấp, khoảng 2/3 chưa được đào tạo nghề và hầu hết không có nghề nghiệp ổn định, chi tiêu chủ yếu dựa vào gia đình. Bởi vậy, nghiện ma túy chính là nguồn gốc, nguyên nhân phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là từ nghiện ma túy dẫn đến trộm cắp, lừa đảo và mua bán trái phép chất ma túy. Thực trạng đó ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình TTATXH trên địa bàn và cũng là nỗi trăn trở của CB, CS Công an huyện Lạc Sơn với mong muốn giữ vững cuộc sống bình yên của từng bản, làng, phố, xóm.
Đưa các đối tượng nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là việc làm gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Đại tá Đỗ Huy Bốn, Trưởng Công an huyện cho biết: “Việc ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn, biểu mẫu về cưỡng bức cai nghiện còn nhiều điểm bất cập, chưa có sự thống nhất giữa các ngành nhưng chậm được điều chỉnh, bổ sung; thời gian thẩm định hồ sơ theo quy định 5 ngày nhưng cán bộ trực tiếp làm công việc này ở một số ngành còn ít lại kiêm nhiệm nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện; việc tổ chức tập huấn và cấp giấy chứng nhận về chẩn đoán, điều trị và phòng - chống ma túy cho cán bộ y tế cơ sở triển khai chậm. Người nghiện có nhiều cách đối phó với các cơ quan chức năng như không chấp hành giấy triệu tập của Công an xã, thậm chí còn có trường hợp chống đối, thách thức; bỏ trốn; không chấp hành việc xét xử của TAND huyện; các ngành chức năng chưa được bố trí hoặc hỗ trợ kinh phí, phương tiện phục vụ cai nghiện cưỡng bức...
Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của BCĐ 09 huyện, sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể có liên quan cùng sự ủng hộ của nhân dân, nhất là gia đình và người thân của đối tượng nghiện ma túy, việc lập hồ sơ cai nghiện cưỡng bức của huyện đạt hiệu quả cao. Từ tháng 9/2015 đến ngày 1/3/2016, Công an huyện đã lập 39 hồ sơ cai nghiện bắt buộc; TAND đã xét xử 37 trường hợp và đã đưa vào Trung tâm Giáo dục, chữa bệnh, lao động xã hội tỉnh 22 trường hợp. Hiện tại, Công an huyện tiếp tục hoàn thiện 15 hồ sơ mới để chuyển các ngành chức năng thẩm định và xét xử theo quy định của pháp luật. Theo đó, Lạc Sơn là đơn vị đứng đầu 11 huyện, thành phố trong tỉnh lập hồ sơ, xét xử và quyết định cai nghiện bắt buộc đối tượng nghiện ma túy với tỷ lệ đạt trên 33%”.
Đánh giá vai trò của lực lượng Công an trong công tác lập hồ sơ đưa đối tượng nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Thắng cho biết: Là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh phòng - chống tội phạm và tệ nạn ma túy, thời gian qua, Công an huyện đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng liên quan họp bàn để kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Chủ động tập huấn cho CB, CS từ huyện đến các xã, thị trấn nắm vững quy định về lập hồ sơ đưa đối tượng nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Chú trọng làm tốt công tác rà soát, điều tra cơ bản và phân loại để có cơ sở áp dụng biện pháp cai nghiện phù hợp. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Lập tổ công tác trực tiếp xuống các xã, thị trấn tham mưu với cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp hướng dẫn đội ngũ cán bộ cơ sở trong triển khai thực hiện... Qua đó, các bước lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của huyện đạt kết quả cao góp phần quan trọng phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, đặc biệt làm giảm tội phạm trộm cắp tài sản, mua bán lẻ ma túy trên địa bàn...
Đức Phượng