Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Cộng đồng xã hội cần tiếp tục đồng hành, tiếp thêm sức mạnh giúp người nghiện từ bỏ ma túy
11:35 AM 23/06/2017
(LĐXH)-Nghiện ma túy hoàn toàn có thể cai được, những người nghiện có thể trở thành người có ích, giúp đỡ người khác. Xã hội, gia đình, người thân hãy là nhân tố tích cực để tạo động lực giúp người nghiện từ bỏ ma túy.
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, tại Hội nghị Nhân rộng các điển hình cai nghiện thành công do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức chiều 22/6 tại Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung
phát biểu chỉ đạo hội nghị
Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo Sở, ban ngành các địa phương, đại diện các doanh nghiệp xã hội hóa có đóng góp trong phong trào đấu tranh phòng, chống ma túy, các cơ quan thông tấn báo chí cùng gần 200 tấm gương người cai nghiện thành công từ 63 tỉnh/thành phố.
Người nghiện hoàn toàn có thể cai nghiện thành công
Báo cáo về kết quả công tác cai nghiện tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho biết, trong những năm qua, công tác phòng, chống ma túy nói chung và công tác cai nghiện ma túy nói riêng luôn được Đảng, nhà nước quan tâm chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện 3 mục tiêu “giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại”. Trên cơ sở đó, các địa phương đã cụ thể hóa chính sách, chế độ hỗ trợ công tác cai nghiện, chỉ đạo xây dựng mô hình cai nghiện, hỗ trợ xã hội sau cai nghiện, xã hội hóa công tác cai nghiện, phát động toàn dân tham gia vận động, giúp đỡ, quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện; đẩy mạnh công tác xây dựng xã phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội... Tập trung chỉ đạo triển khai công tác cai nghiện theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện; chuyển đổi các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục lao động xã hội thành các cơ sở cai nghiện tự nguyện, cơ sở cai nghiện đa chức năng, nâng cao chất lượng cai nghiện; tổ chức thêm các điểm hỗ trợ tư vấn cai nghiện tại cộng đồng, điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện nghiện bằng methadone; tổ chức một số mô hình thí điểm điều trị nghiện tại cộng đồng bằng các loại thuốc do Việt Nam sản xuất như: Cedemex, Bông sen, Heantos... hỗ trợ giúp đỡ người nghiện cai nghiện và hòa nhập cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
báo cáo kết quả công tác cai nghiện trong thời gian qua
Về thực hiện việc chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thành cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện, cơ sở cai nghiện đa chức năng theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020 và Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ, đến nay, cả nước có 127 cơ sở cai nghiện ma túy, trong đó: 105 cơ sở cai nghiện ma túy công lập, 22 Cơ sở cai nghiện tự nguyện do tư nhân thành lập. Và có 18 Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội sang thực hiện chức năng khác (cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở nuôi dưỡng người tâm thần...) hoặc giải thể. Các cơ sở cai nghiện hiện đang quản lý, chữa trị, cai nghiện cho: 31.455 học viên.
Cục trưởng Cục phòng, chống Tệ nạn xã hội Lê Xuân Lập
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09/9/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng, đến nay, cả nước có 26/63 tỉnh, thành phố triển khai, thực hiện và đã tổ chức cai nghiện cho 5.230 người, trong đó 2.820 người cai nghiện tại gia đình và 2.410 người cai nghiện tại cộng đồng.
Các mô hình cai nghiện là kết quả của sự lao động cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của những người thực hiện. Mỗi mô hình ở từng địa phương đều có những cách làm khác nhau, phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn, thể hiện sự quan tâm, sáng tạo của chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể ở nơi đó cũng như sự tham gia tích cực của người nghiện và gia đình người nghiện. Sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể là sự lồng ghép công tác cai nghiện phục hồi với các chương trình phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.
Tính đến tháng 5/2017, cả nước đã tổ chức điều trị, cai nghiện và quản lý sau cai cho hơn 100 nghìn người nghiện, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội tại các địa phương. Thời gian qua, ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã có hàng nghìn người sau cai nghiện 3-5 năm chưa tái nghiện, phấn đấu làm kinh tế, làm giàu cho bản thân, nhiều người đã vươn lên thành chủ doanh nghiệp nhỏ và tiếp nhận, giúp đỡ những người sau cai nghiện hoặc tích cực tham gia các hoạt động xã hội, được tín nhiệm trở thành công an viên, thành viên tổ dân phố, tổ tự quản, tình nguyện viên.v.v... Điều đó khẳng định: nghiện ma túy hoàn toàn có thể cai được.
Điển hình như Anh Cù Hồng Công ở Khu Ba Mỏ, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ từ bỏ ma túy sau gần 10 năm nghiện ma túy, bằng nghị lực, quyết tâm và động viên, giúp đỡ của gia đình và cộng đồng anh đã phấn đấu và được sự tín nhiệm của chính quyền địa phương và nhân dân khu phố bầu Tổ trưởng tổ dân phố kiêm thành viên tổ An ninh tự quản về an toàn trật tự khu phố, thành viên Đội hoạt động xã hội tình nguyện của thị trấn.
Anh Đinh Văn Đoàn, ở xã Gia Tường, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình từng là nghiện ma túy nhiều năm, năm 2009 tham gia cai nghiện tại mô hình cai nghiện tại cộng đồng liên xã của huyện Nho Quan, được sự hỗ trợ của các thành viên Tổ công tác hỗ trợ cai nghiện và đứng ra bảo lãnh cho vay vốn sau cai nghiện, với số tiền 30.000.000 đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội, anh mở xưởng sản xuất đúc bê tông ống cống, ống giếng. Sau 04 năm kinh doanh có lãi anh mở rộng quy mô, năm 2015, tiếp tục mở thêm xưởng sản xuất, thi công các loại cửa sắt. Từ thực tế bản thân trải qua anh đã quyết tâm giúp đỡ những người nghiện ma túy giống mình làm lại cuộc đời, hỗ trợ tiếp nhận tạo việc làm cho người sau cai ổn định cuộc sống. 02 cơ sở sản xuất của anh đã tiếp nhận, tạo việc làm ổn định cho 03 người sau cai nghiện.
Anh Nguyễn Ngọc Tuyền ở Mạo Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh
chia sẻ về quãng đường gian nan từ bỏ ma túy của mình.
Tại Hội nghị, anh Nguyễn Ngọc Tuyền ở Mạo Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đã chia sẻ về quãng đường gian nan từ bỏ ma túy của mình. Sau 2 năm cai nghiện tại Trung tâm, trở về gia đình và cộng đồng, anh đã quyết tâm làm lại cuộc đời với khẩu hiệu thường trực trong đầu: “Dù sau này  có là gì, trở thành gì đi nữa thì cũng sẽ không bao giờ trở thành một Thằng nghiện nữa...”.  Với sự động viên, sát cánh của gia đình, người thân, anh đã xoay chuyển và làm rất nhiều nghề như rửa xe, xây dựng trang trại chăn nuôi, mở quán cà phê, đóng than tổ ong, làm khung nhôm kính... Và đã có những lúc thành công và những lúc thất bại. Cho đến nay, anh đã là chủ một doanh nghiệp vận tải với trên 10 đầu xe tải và nhiều loại máy móc phục vụ cho cầu vận tải bốc xúc và thi công nền móng các công trường. Anh cũng đã nhiệt tình chia sẻ cho khá nhiều anh em bạn bè cùng cảnh ngộ giống anh. Hiện đơn vị của anh có 8 công nhân đã cai nghiện trở về và được anh nhận vào làm việc. Anh cũng nhận giúp đỡ đào tạo thêm một số bạn bè đã cai nghiện trở về mong muốn cầu tiến, làm lại cuộc đời giúp đỡ cho gia đình và xã hội.
Anh Lê Trung Tuấn (Hà Nội), người từng nghiện 6 năm, bỏ ma túy gần 15 năm, hiện là Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (Người mặc cao vét đen).
Anh Lê Trung Tuấn (Hà Nội), người từng nghiện 6 năm, bỏ ma túy gần 15 năm, hiện là Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) cũng nêu đề xuất tại hội nghị là cần xây dựng mạng lưới những người cai nghiện thành công để chính những người này sẽ là tuyên truyền viên tích cực trong việc hỗ trợ người nghiện ma túy tham gia tích cực điều trị cai nghiện, giảm tỷ lệ người nghiện mới và tái nghiện góp phần đẩy lùi tệ nạn ma túy, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội.
Huy động sức mạnh giúp đỡ người nghiện
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung  hoan nghênh và biểu dương những người chiến thắng ma túy, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Bộ trưởng đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của người nghiện, sự tham gia hỗ trợ của gia đình, các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp trong công tác cai nghiện ma túy. “Thông qua Hội nghị này, có thể khẳng định là nghiện ma túy hoàn toàn có thể cai được, người nghiện hoàn toàn có thể trở thành người có ích cho xã hội” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
“Tôi tin rằng, sau Hội nghị này, những hướng nhìn về việc cai nghiện ma túy theo chiều tối sẽ giảm đi. Từ những tấm gương cai nghiện thành công được chia sẻ tại hội nghị này, các nhà quản lý và hoạch định chính sách cùng cần nghiên cứu thêm về chính sách học nghề, vay vốn, hỗ trợ những doanh nghiệp tiếp nhận người sau cai vào làm việc, tạo điều kiện phát triển các tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng... để giúp cho người cai nghiện hòa nhập cộng đồng bền vững” - Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng  Đào Ngọc Dung chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu, những
tấm gương cai nghiện thành công tham dự hội nghị.
Bộ trưởng chỉ đạo: Chúng ta phải tăng khả năng cho người sau cai tiếp cận các nguồn vốn vay hoặc hỗ trợ việc làm thông qua việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội như xóa đói giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm cũng như huy động sự đóng góp, hỗ trợ của cộng đồng xã hội. Đồng thời cần phải đẩy mạnh và có chiến lược về công tác truyền thông, thay đổi cách thức, phương thức truyền. Từ trước đến nay, chúng ta thường tập trung tuyên truyền về vấn đề phòng, chống ma túy đối với các đối tượng, thành phần tích cực trong xã hội để giúp họ phòng tránh. Chúng ta cần đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, thay đổi cách tiếp cận về cai nghiện và hỗ trợ sau cai nghiện, tuyên truyền giảm kỳ thị với người nghiện ma túy, đồng thời tuyên truyền ngay trong cộng đồng người sau cai, người đang cai về những tấm gương cai nghiện thành công và cần nhân rộng những tâm gương ấy, những mô hình hỗ trợ sau cai hiệu quả. Đây cũng chính là những giải pháp hiệu quả trong giảm tỷ lệ người nghiện mới và giảm tỷ lệ tái nghiện.
Về việc xây dựng mạng lưới người cai nghiện thành công, Bộ trưởng cho rằng đây là một đề xuất hay, là nơi những người cai nghiện chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau, là cơ sở để hỗ trợ công ăn việc làm cũng như tấm gương để những bạn trẻ nghiện ma túy vững tin vượt lên chính mình. Tuy nhiên mạng lưới cần hoạt động trong sạch, đúng hướng đúng mục tiêu, nhằm tuyên truyền giúp nhiều người từ bỏ ma túy.
Cũng theo Bộ trưởng, để cai nghiện thành công ngoài sự quyết tâm của người nghiện cần có sự hỗ  trợ của gia đình và cộng đồng về mọi mặt như y yế, tâm lý và xã hội, cần huy động cả cộng đồng chung tay giúp đỡ người nghiện bằng các hoạt động thiết thực./. 
Mỹ Hạnh
TAG:
Tin khác
Ông Nguyễn Văn Khang - Thành công kinh doanh gắn liền với tấm lòng nhân ái
LC Foods nhiều hoạt động lan tỏa yêu thương tới trẻ em nghèo
Ổn định việc làm trao cơ hội và động lực giảm nghèo cho người dân ở Kim Bôi
Đồng Tháp nhân rộng các mô hình giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng
Thúc đẩy các giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường không gian mạng
GE Vernova Foundation công bố các khoản cứu trợ khắc phục hậu quả thiên tai trên toàn cầu
Herbalife Việt Nam và VTV3 khép lại mùa thứ hai của Chương trình “Sinh Viên Thế Hệ Mới” thành công tốt đẹp.
Sơn La: Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,1%
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh