Còn nhiều khó khăn trong đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Quảng Ninh
(LĐXH) – Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020”, công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tuy đã đạt nhiều kết quả tích cực, những vẫn còn nhiều khó khăn cần phải giải quyết.
Thực hiện Quyết định 2596 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một cách nghiêm túc. Công tác cai nghiện ma túy và quản lý người sau cai nghiện được triển khai có hệ thống, đồng bộ tới các cấp, các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phó; kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế, chính sách cai nghiện ma túy và được triển khai quyết liệt từ cấp tỉnh đến cấp xã; sự phối hợp của các Sở, ngành, các cấp chính quyền, đoàn thể trong công tác cai nghiện ma túy và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện đã được tăng cường và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
vào tháng 3-2016.
Từ ngày 01/01/2014 đến ngày 30/6/2016, Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội tỉnh đã tiếp nhận 602 lượt người vào cai nghiện tại Trung tâm. Công tác an ninh trật tự tại Trung tâm luôn được đảm bảo, hoạt động thăm thân được tổ chức an toàn, đúng quy định. Các hoạt động khám, điều trị bệnh cho học viên cai nghiện tại Trung tâm được tổ chức tốt. Tính đến ngày 30/6/2016, tổng số đối tượng đang quản lý tại Trung tâm là 416 người, trong đó: cai nghiện bắt buộc là 124 người, cai nghiện tự nguyện là 292 người.
Công tác cai nghiện tại cộng đồng cũng được đẩy mạnh, nhằm duy trì và nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, tăng cường sự tiếp cận của người đang cai nghiện, sau cai nghiện tại cộng đồng với các dịch vụ y tế và xã hội, Sở LĐTBXH đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy và tái hòa nhập cộng đồng” tại một số địa bàn trọng điểm về người nghiện ma túy, đến nay toàn tỉnh có 6 điểm tư vấn chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy và tái hòa nhập cộng đồng. Từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, các điểm tư vấn đã tổ chức được 785 lượt tư vấn về các hình thức điều trị nghiện ma túy, dự phòng tái nghiện, chăm sóc và điều trị, HIV/AIDS cho cá nhân và gia đình người nghiện ma túy, người sau cai nghiện; Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh đang duy trì và hướng dẫn 10 mô hình Câu lạc bộ hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, với 165 người tham gia. Thông qua hoạt động mô hình, các thành viên của các Câu Lạc bộ luôn tôn trọng nhau, chấp hành đúng nội quy sinh hoạt của nhóm, hỗ trợ nhau sau cai nghiện vượt qua khó khăn ban đầu và trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng, thăm hỏi, động viên nhau khi ốm đau…
Trong 3 năm, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho 777 lượt người. Hiện tại, trên toàn tỉnh đang triển khai 5 cơ sở điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Vân Đồn, Đông Triều. Tổng số bệnh nhân hiện đang được điều trị Methadone trên toàn tỉnh tính đến ngày 30/6/2016 là 1.063 bệnh nhân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, tồn tại như: Hiệu quả công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng còn thấp, tỷ lệ tái nghiện cao; số người được cai nghiện tại gia đình cộng đồng và dạy nghề, tạo việc làm còn ít; huy động các nguồn lực xã hội tham gia còn hạn chế; tình trạng sử dụng ma túy bất hợp pháp và số người nghiện trên địa bàn tỉnh còn nhiều; Công tác quản lý sau cai nghiện hiệu quả còn thấp, các hoạt động tư vấn, sinh hoạt nhóm, hỗ trợ học nghề vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập; thiếu cơ sở tạo việc làm ổn định cho người nghiện sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện; Một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác cai nghiện và quản lý người nghiện sau cai có mặt chưa phù hợp thực tiến, khó thực hiện, chậm được sửa đổi; từ năm 2014, việc tổ chức cai nghiện khó khăn hơn do những vướng mắc trong việc xác định tình trạng nghiện và tổ chức cai nghiện theo quy định của pháp luật chưa được kịp thời tháo gỡ…
Nguyên nhân của những tồn tại trên được xác định là do công tác chỉ đạo phòng, chống ma túy ở một số địa phương chưa thật sự sâu sát, chưa có giải pháp cụ thể, tích cực để quản lý, hỗ trợ người nghiện ma túy điều trị, cai nghiện; sự vào cuộc của các đoàn thể quần chúng có nơi còn hình thức, chưa đồng đều; đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cấp xã thường xuyên thay đổi, hầu hết làm kiêm nhiệm, trình độ còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được phân công; Các mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng” mới bắt đầu được hình thành, kinh phí hoạt động còn hạn hẹp; Nhiều loại ma túy mới gây khó khăn cho việc xác định tình trạng nghiện ma túy; Đa số người nghiện ma túy đều năm trong diện sử dụng ma túy lâu năm, tái nghiện, tù tha đã cai nghiện tập trung nhiều làn, trình độ học vấn thấp, sức khỏe yếu, nhiều người trong số họ nhiễm HIV/AIDS hoặc đã có tiền án, tiền sự về ma túy, thường xuyên di biến động chỗ ở, không hợp tác với Công an và chính quyền địa phương trong việc giáo dục tại xã, phường, thị trấn và cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng. Một số người đang điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone có xu hướng sử dụng đồng thời cả ma túy tổng hợp dạng Amphetamine gây khó khăn cho cơ sở điều trị và nguy hiểm cho nhân viên y tế.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án, tỉnh Quảng Ninh đề nghị Trung Ương nghiên cứu xây dựng và ban hành Luật dự phòng và điều trị nghiện ma túy hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính để thống nhất thực hiện; Sửa đổi quy định điều kiện, cơ sở vật chất để tổ chức cai nghiện ma túy tại cộng đồng phù hợp với thực tiễn; Nghiên cứu ban hành các phác đồ điều trị phối hợp đối với những bệnh nhân nghiện ma túy đồng thời nhiều dạng chất tại các cơ sở điều trị Methadone./.
Nguyễn Hiền
TAG: