Cơ sở Chăm sóc người tâm thần tỉnh Bắc Giang: Nơi gửi gắm niềm tin
(LĐXH) - Với nhiệm vụ tiếp nhận người tâm thần, rối nhiễu tâm trí vào chăm sóc, điều trị, trong những năm qua, tập thể lãnh đạo, viên chức và người lao động của Cơ sở Chăm sóc người tâm thần tỉnh Bắc Giang đã luôn nỗ lực thực hiện tốt việc can thiệp, phục hồi chức năng cho đối tượng, giúp họ sớm ổn định sức khỏe, trở lại cuộc sống bình thường cùng gia đình và xã hội.
Đọc sách, báo trong thư viện, tập luyện thể dục thể thao, đánh bóng chuyền hơi vui vẻ, không ai nghĩ nhiều người trong số họ đã từng là bệnh nhân bị rối loạn sức khoẻ tâm thần nặng, không tự phục vụ sinh hoạt hàng ngày, thậm chí trước đó bị kích động nặng không kiểm soát được hành vi, hay đập phá và tấn công người khác. Thế nhưng sau một thời gian được chăm sóc, phục hồi chức năng tại Cơ sở chăm sóc người tâm thần tỉnh Bắc Giang, hầu hết người bệnh đã ổn định sức khoẻ. Để có được kết quả đáng mừng như vậy là nhờ phác đồ điều trị hiệu quả cùng với sự kiên nhẫn, chăm sóc tận tình, chu đáo của đội ngũ cán bộ, y bác sĩ nơi đây đối với người bệnh.
Ông Đỗ Văn Vinh, Giám đốc Cơ sở chăm sóc người tâm thần tỉnh cho biết: Cơ sở hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc và điều trị cho hơn 100 bệnh nhân tâm thần đặc biệt nặng, không nơi nương tựa hoặc những người không tự lo được cuộc sống của bản thân (được tỉnh hỗ trợ 100% chi phí). Để chăm sóc, điều trị tốt nhất cho đối tượng, thời gian qua, đơn vị đã chú trọng cải tiến lề lối làm việc, nâng cao chất lượng phục vụ; thường xuyên cử cán bộ đi học thêm chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chức các buổi tập huấn nâng cao nghiệp vụ và nói chuyện chuyên đề về học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh... Không chỉ thực hiện công tác chuyên môn, mỗi cán bộ, y bác sĩ, điều dưỡng của đơn vị còn cố gắng trở thành người bạn, người thân thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ người bệnh trong sinh hoạt, luôn nhẹ nhàng, ân cần, sẵn sàng lắng nghe tâm tư tình cảm để họ cảm thấy như đang sống trong gia đình.
Khi tiếp nhận đối tượng, Cơ sở tiến hành khám, đánh giá, phân loại đối tượng, từ đó có phương án chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị cụ thể cho từng trường hợp. Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh cũng luôn được đảm bảo thông qua việc lựa chọn kỹ lưỡng thực phẩm, chế biến và cải thiện món ăn hàng ngày. Ngoài chế độ của Nhà nước, đơn vị cũng tích cực vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ thêm nguồn lực, nhờ đó đời sống của đối tượng cũng phần nào được cải thiện, nâng cao. Bên cạnh đó, Cơ sở cũng thường xuyên cập nhật theo dõi tình hình sức khỏe, quản lý hồ sơ bệnh án, xây dựng phác đồ điều trị cho đối tượng; Công khai việc cấp phát thuốc điều trị, hướng dẫn kỹ càng việc sử dụng thuốc, quản lý chặt chẽ các trang thiết bị y tế… Công tác khám, chữa bệnh cho đối tượng được duy trì thường xuyên, các trường hợp bệnh nặng được chuyển lên tuyến trên điều trị kịp thời.
Cơ sở cũng thường xuyên áp dụng tổng hợp các biện pháp phục hồi chức năng, lao động liệu pháp kết hợp với vui chơi giải trí, thể thao; Công tác vệ sinh, phòng chống dịch được thực hiện nghiêm túc, nơi làm việc, khu ăn ở của đối tượng luôn được đảm bảo sạch sẽ, không có dịch bệnh xảy ra… Đặc biệt, Cơ sở đã chủ động triển khai đào tạo, hướng dẫn một số nghề phù hợp với sức khoẻ của đối tượng như nghề thủ công, trồng rau an toàn, trồng nấm. Điển hình như năm 2023, được sự quan tâm, hỗ trợ của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, đơn vị đã tổ chức 02 lớp đào tạo nghề trồng nấm và rau an toàn cho 40 đối tượng, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động lao động trị liệu khác cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí. Nhờ có phác đồ điều trị hiệu quả và sự chăm sóc tận tình của các cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế, nhân viên công tác xã hội, hầu hết người bệnh sau một thời gian vào điều trị đều hồi phục tốt, có sức khoẻ ổn định.
Theo ông Đỗ Văn Vinh: Với người bình thường, việc chăm sóc, quản lý đã khó, với người bệnh tâm thần, việc chăm sóc, quản lý còn khó khăn, vất vả gấp nhiều lần. Đặc thù của hầu hết người bệnh tâm thần là không có khả năng tự phục vụ được bản thân trong các sinh hoạt hàng ngày. Không những thế, một số bệnh nhân còn lên cơn kích động đập phá, kêu la, có những hành vi nguy hiểm cho bản thân và ảnh hưởng tới cả người chăm sóc. Do vậy, người chăm sóc bệnh nhân đòi hỏi phải hiểu, quan sát thật kỹ, gần gũi với người bệnh để hiểu rõ tâm tính cũng như tâm lý của từng người để đưa ra phương án điều trị hiệu quả cho đối tượng. “Có thể nói, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần không phải là việc ai cũng làm được. Thậm chí, công việc của cán bộ, y bác sỹ, điều dưỡng còn chứa đựng nhiều tình huống nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi vậy, chỉ có những con người chịu khó và nhẫn nại, coi những bệnh nhân nơi đây như người thân của mình, đặc biệt phải đặt chữ tâm lên hàng đầu mới làm tốt công việc này” – ông Vinh chia sẻ.
Trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Cơ sở chăm sóc người tâm thần Bắc Giang sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, quản lý đối tượng bảo trợ; rà soát lại đối tượng xã hội nuôi dưỡng tập trung, chăm sóc, quản lý, lập kế hoạch tiếp nhận đối tượng theo chỉ tiêu được giao; đồng thời đưa đối tượng đảm bảo, đủ điều kiện sức khỏe ra khỏi cơ sở, tái hòa nhập cộng đồng. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với chế độ dinh dưỡng, suất ăn của đối tượng; thực hiện công tác phòng chống dịch, dịch bệnh theo mùa, vệ sinh môi trường. Tổ chức triển khai tốt Mô hình lao động trị liệu kết hợp hướng nghiệp phù hợp cho đối tượng người tâm thần hiệu quả, an toàn và bền vững; tăng gia sản xuất trồng trọt, chăn nuôi. Sử dụng đất trồng trọt, ao hồ hiệu quả, thiết thực... Bên cạnh đó, Cơ sở cũng kiến nghị cấp trên quan tâm, bố trí thêm biên chế và kinh phí để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị, hạ tầng đã xuống cấp, hỏng hóc không hoạt động được để đảm bảo cho công tác nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng tại đơn vị.../.
Nguyễn Hiền
TAG: