Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái: Phát huy vai trò hạt nhân của Đảng để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ
02:05 PM 23/09/2019
Công tác cai nghiện ma túy được xác định là một cuộc chiến gian nan và lâu dài, đòi hỏi phải có sự chung sức và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, gia đình và bản thân người nghiện. Những năm qua, Chi ủy Chi bộ và Ban lãnh đạo Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái luôn bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, sáng tạo, đoàn kết để vận dụng mềm dẻo từng giải pháp, thống nhất cao trong công việc, bố trí, phân công cụ thể nhiệm vụ đối với từng đảng viên, cán bộ để thực hiện những quyết sách đã đề ra trong điều trị và cai nghiện phục hồi, nhằm góp phần giảm tệ nạn ma túy, đảm bảo hạnh phúc trong mỗi gia đình và an ninh trật trên từng ngõ xóm, làng quê của Yên Bái.



Tạp chí Lao động và Xã hội xin giới thiệu với bạn đọc chùm bài viết liên quan vấn đề này.


Kỳ 1: Nơi hồi sinh những cuộc đời lầm lỡ


(LĐXH)-Làm việc giữa ốc đảo trên lòng hồ Thác Bà, biệt lập với phố thị phồn hoa, những đảng viên, cán bộ, nhân viên của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái) những năm qua luôn tận tụy với công việc dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Đảng cơ sơ mình và không ngừng sáng tạo trong cách làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để khơi dậy tinh thần, trách nhiệm của người đảng viên, người cán bộ, góp sức chung cho cuộc chiến đẩy lùi tệ nạn ma túy trên địa bàn toàn tỉnh, giúp những người một thời lầm lỡ “hồi sinh” để sống một cuộc đời đáng sống, có ý nghĩa, có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Sự hy sinh, tận tâm và trách nhiệm
Nếu đến thăm Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái, bạn ngay lập tức sẽ đặt câu hỏi: Sức mạnh nào khiến những người đảng viên, những cán bộ và lao động nơi đây gắn bó với nơi này đến vậy. Hằng ngày, hằng tuần hay hằng tháng, mưa gió lạnh căm hay nắng gắt, những đảng viên, cán bộ và nhân viên lao động ở Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái vẫn cần mẫn xuống đò, lên thuyền rời đất liền bằng những chuyến thuyền máy để ra đảo thực hiện nhiệm vụ của mình. Con đường đi làm đã vất vả song nơi làm việc còn khác xa hơn với những cơ quan, công sở trên đất liền. Mọi thứ trên đảo không có gì ngoài lòng hồ mênh mông và những đồi cây lâu năm xanh ngắt bao quanh. Quanh năm, lúc nào cũng vậy, sự giao tiếp diễn ra ở đây cũng chỉ đến từ hai phía: Cán bộ và Học viên – những đối tượng nghiện ma túy từ nặng đến nhẹ, từ người thành phố đến người dân tộc thiểu số vùng cao, từ thanh niên đến người có tuổi, từ tri thức đến lao động tự do hay từng là tội phạm… Bên cạnh đó, cán bộ Cơ sở cai nghiện còn phải luôn đối mặt với môi trường làm việc đầy nguy hiểm, có nhiều người nghiện còn rất trẻ, nhiều tiền án, tiền sự; một số đối tượng có lối sống buông thả dẫn đến nghiện các chất kích thích, trong người mang nhiều mầm bệnh, cũng có người bị nhiễm HIV và các bệnh truyền nhiễm khác. Bên cạnh đó, nhận thức của học viên còn hạn chế, luôn tỏ ra manh động, bất hợp tác với đội ngũ quản lý trực tiếp và giáo dục.
Có lẽ câu trả lời cho thắc mắc trên đó chính là sự tâm huyết yêu nghề cùng với tất cả sự hy sinh, tấm lòng nhân hậu và trách nhiệm, đạo đức, lối sống của người cán bộ, đảng viên được rèn rũa, học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã giúp họ vượt qua những khó khăn trong nghề, đoàn kết hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để đơn vị trở thành một trong những địa chỉ tin cậy giúp đỡ các đối tượng từ bỏ  ma túy trên địa bàn cũng như nhiều đối tượng nghiện ma túy ở các địa phương khác.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái đã tiếp nhận 110 học viên mới, trong đó có 19 học viên tự nguyện và 91 học viên bắt buộc theo Nghị định 221/NĐ-CP, nâng tổng số học viên cai nghiện đơn vị đang quản lý là 371 học viên, trong đó có 12 học viên tự nguyện, 359 học viên cai nghiện bắt buộc. Bên cạnh đó, Cơ sở còn điều trị Methadone ngoại trú cho 88 bệnh nhân.
Các đối tượng được ở trong điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo, sạch sẽ. Mức trợ cấp tiền ăn bằng 0,8 mức lương cơ sở đối với học viên cai nghiện bắt buộc. Công tác chăm sóc y tế được đảm bảo, 100% đối tượng được khám chữa bệnh khi có nhu cầu, hay trường hợp ốm, đau được đi khám và điều trị kịp thời. Nếu học viên phải điều trị dài ngày tại bệnh viện tuyến trên thì Cơ sở hoàn thiện thủ tục đề nghị Tòa án nhân dân huyện Yên Bình (nơi đơn vị đóng trụ sở) xem xét, ban hành quyết định tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành cho học viên đi viện tuyến trên. Học viên cũng được trang bị vật dụng, đồ dùng cá nhân nhưu quần áo, chăn, màn, mũ, bảo hộ, găng tay, xà phòng, kem đánh răng, bàn chải, dao cạo râu… theo quy định của Nhà nước.
Đồng chí Lê Công Huấn - Bí thư Chi Bộ, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái thăm các đối tượng cai nghiện tại Tổ học nghề đan hạt ghế xe ô tô 
Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái thực hiện quy trình cai nghiện tại theo hướng dẫn của Thông tư 41/2010/TTLT/BLĐTBXH-BYT ngày 31/12/2010, bao gồm 5 giai đoạn là: Tiếp nhận, phân loại; Cắt cơn, giải độc; Lao động trị liệu, học nghề; Giáo dục thay đổi hành vi nhân cách; và phòng, chống tái nghiện, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng và quản lý tại cộng đồng.
Cơ sở cai nghiện ma túy được chia thành 03 khu: Khu Hành chính nằm trên đất liền, Khu A và Khu B nằm ngoài đảo nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phân loại học viên cai nghiện theo 05 giai đoạn điều trị. Khu Hành chính và Khu A có chức năng chính là tiếp nhận, phân loại, cắt cơn, điều trị các bệnh phát sinh thông thường, tiếp nhận học viên từ các khu khác chuyển về điều trị; thực hiện các nhiệm vụ về công tác tổ chức, hành chính, kế toán tổng hợp toàn Cơ sở và thực hiện nhiệm vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Khu B tổ chức các hoạt động trị liệu phục hồi như giáo dục, lao động trị liệu, hướng nghiệp dạy nghề và tư vấn hòa nhập cộng đồng cho các học viên sau khi cắt cơn ổn định ở Khu A chuyển lên.
Theo bác sỹ Lê Hồng Thủy – Phó Giám đốc: Khó khăn nhất vẫn là cắt cơn. Nhìn các em trẻ như con cháu mình ở nhà lên cơn vật vã, đau đớn, thực sự các bác sĩ như chúng tôi không cầm được lòng và chỉ mong liệu trình 15-20 ngày cắt cơn của các em thành công và kết thúc, hồi phục sức khỏe ổn định để chuyển các em sang Khu B lao động trị liệu. Trong thời gian này, các thầy ở Cơ sở thường xuyên phân công túc trực cả ngày lẫn đêm ở bên học viên, động viên, chăm sóc các em như chăm sóc người thân khi bị ốm đau.  Cùng với đó, trong quá trình chăm sóc sức khỏe cho học viên, đau lòng và khó khăn nhất đối với người bác sĩ là việc tư vấn trước xét nghiệm, xét nghiệm sàng lọc HIV và trả kết quả xét nghiệm HIV. Các thầy giáo trong Cơ sở phải mềm dẻo, tư vấn, trấn an tinh thần để giúp các đối tượng tránh được cơn “sốc” nặng.
Hiện nay, tỷ lệ người nghiện nhiễm HIV  ở Trung tâm đã giảm nhiều so với trước, chiếm khoảng 5% trong tổng số học viên ở đây. Cơ sở định kỳ hằng tuần tổ chức cho học viên sinh hoạt tập thể thông qua các buổi họp buồng, phòng, sinh hoạt Daytop, các đợt tư vấn, tuyền truyền định kỳ về điều trị HIV, tuyên truyền về phòng, chống lao, về tác hại của ma túy và HIV để tránh lây chéo từ người có HIV đến người không có cũng như giúp người bị HIV bớt đi cảm giác không bị phân biệt, kỳ thị. Đặc biệt, tại Cơ sở cai nghiện ma túy luôn tiềm ẩn nguy cơ bỏ trốn của học viên. Để hạn chế không xảy ra hiện tượng này, thầy cô giáo, cán bộ và đảng viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy cũng luôn phải điều chỉnh mình trong công việc và giao tiếp với học viên, luôn coi các em như người thân, như một người bệnh đang điều trị chứ không phải là “con nghiện có hại”. Hầu hết cán bộ ngoài  việc đảm bảo chuyên môn, liệu pháp tâm lý thì còn phải đóng thêm vai khác để nói, cười, tâm sự, sẻ chia cùng người bệnh, có thái độ cư xử tôn trọng, đúng mực đối với học viên, luôn quan tâm, theo sát từng đối tượng để biết diễn biến tâm lý, trạng thái và sức khỏe của họ để điều chỉnh, giáo dục và tư vấn, động viên học viên hoàn thành các quy định trong quá trình cai nghiện.
Những cuộc đời “hồi sinh”
Bên cạnh đó, lao động trị liệu trong quy trình cai nghiện phục hồi được đánh giá là yếu tố quan trọng giúp học viên khôi phục sức khoẻ, nhận thức được giá trị của lao động đồng thời góp phần cải thiện trực tiếp vào bữa ăn hàng ngày của học viên.
Trao đổi với phóng viên, em Lò Văn Mạnh nhà ở thị xã Nghĩa Lộ với gương mặt điển trai, “búng ra sữa” cho biết: Em vào cai nghiện tại trung tâm đã được 9 tháng. Học hết lớp 12, Mạnh ở nhà làm khung nhôm kính với tiền công được trả là 200 nghìn đồng/ngày. Mặc dù biết tác hại của ma túy song trong những lần đi đám cưới, tiệc tùng với bạn bè, Mạnh lại nghĩ đơn giản và tặc lưỡi dùng thử “thuốc” một lần không sao. Nhiều lần như vậy trong vòng 2 năm đã khiến em nghiện  lúc nào không hay. Lúc đầu nghiện nhẹ, em vay tiền người cùng xưởng làm để hút, đến tháng lĩnh lương thì trả sau, đến khi nghiện nặng, Mạnh bắt đầu xin tiền của bố mẹ, trộm cắp tài sản trong gia đình để giải quyết cơn nghiện. Những lúc con người tỉnh táo khiến Mạnh vô cùng ân hận và thấy rùng mình với cảm giác vật vã thèm thuốc, lúc ấy trong em có cảm giác khó chịu không tả như muốn chết đi sống lại, người bủn rủn, không còn chút sức lực nào, cảm giác nôn nao, nhìn thấy thức ăn là sợ, không ăn nổi. Tỉnh ngộ rồi em thấy thương và có lỗi với bố mẹ vô cùng và đã chủ động xin bố mẹ vào Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh để cai. Vào Cơ sở, anh được cắt cơn và lao động, được các thầy động viên, chia sẻ rất nhiều nên thấy tinh thần thoải mái. Khí hậu mát mẻ, cuộc sống lành mạnh khiến Mạnh phấn chấn và cảm thấy có ý nghĩa hơn. Anh đang học nghề làm tóc giả và làm mi giả để có thể áp dụng sau này khi về nhà.
Còn anh Lý A Xừ, xã Dế Xu Phìn, huyện Mù Cang Chải, sinh năm 1983, có gia đình và 2 con cũng nghiện nặng từ năm 2014 vừa đến lúc kết thúc thời gian cai nghiện 2 năm ở trung tâm. Anh cho biết anh từng làm phụ xây ở các công trình thủy điện. Lúc đầu đi chơi với bạn bè chỉ hút 1-2 tẩu cho vui, sau đó đi làm về mệt anh hút nhiều hơn để cho người khỏe và có sức đi làm, dần dần dính hẳn vào “làn khói trắng” lúc nào không hay. Sự động viên của các thầy cô trong Cơ sở cai nghiện, việc tạo việc làm, lao động trị liệu, tư vấn nhiều điều cần thiết trong cuộc sống đã giúp anh Lý A Xừ ngộ ra nhiều điều và thêm quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy. Những ngày tháng làm ở xưởng mộc tại Cơ sở đã cho anh kinh nghiệm sử dụng máy cưa, bào thuần thục. Tổ mộc của anh hiện có trên 30 học viên, có một số rất thạo nghề, khéo tay, có thể vận hành được máy móc đã hướng dẫn cho người chưa biết cùng làm ra những bộ bàn ghế, giá kệ ... làm đồ dùng sinh hoạt cho học viên tại cơ sở. Anh cho biết, về nhà có thể anh không đi làm xa nữa mà sẽ tìm xưởng mộc quanh khu vực làm nghề, kiếm tiền phụ giúp vợ, con và nói không với ma túy”.
Ông Lê Công Huấn - Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy Yên Bái khẳng định: Đào tạo nghề cho học viên trong quá trình cai nghiện là quy trình không chỉ giúp người cai nghiện tham gia lao động sản xuất, rèn tính kiên trì, tập trung, giải phóng cơ thể mà còn giúp họ hiểu được giá trị quý giá của chính mình và của đồng tiền, của cải mình làm ra. Bên cạnh đó, mỗi người Đảng viên, cán bộ và người lao động tại Cơ sở  đã nêu cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm, không ngừng rèn luyện, học tập, bồi dưỡng để nâng cao năng lực chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công việc, giúp đối tượng cai nghiện hiệu quả. Hiện nay, Cơ sở đang nuôi 60 con bò, 200 con lợn, 30 con dê, 1.000 con gà, nuôi cá lồng, trồng rau trên diện tích 5.000m2, muối dưa, làm đậu, mùa nước cạn trồng 1 vụ ngô vài héc ta. Tất cả những sản phẩm này đã giúp Cơ sở cải thiện được bữa ăn cho học viên vừa phong phú, đổi được món thường xuyên, vừa sạch sẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trên thực tế, Cơ sở cai nghiện ma túy Yên Bái luôn tạo ra môi trường sống, môi trường rèn luyện vừa kỷ luật,  nề nếp nhưng lại rất thoải mái và dân chủ. Cơ sở luôn sắp xếp học viên vào các tổ đội sản xuất dựa theo  công việc từng làm và nguyện vọng học nghề của mỗi người. Có thể khẳng định, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Chi bộ và ban lãnh đạo Cơ sở cai nghiện ma túy Yên Bái, sự tận tâm, trách nhiệm và tình thương của những đảng viên, cán bộ và người lao động tại Cơ sở, quá trình lao động, học tập và rèn luyện về nề nếp, kỷ luật, hiểu biết pháp luật ở Cơ sở chắc chắn có tác dụng giúp đối tượng khi hòa nhập cộng đồng có sức khỏe, có sự tự tin để tiếp tục giao tiếp, xây dựng lại mối quan hệ và xin việc làm phù hợp với bản thân./.

Mời các bạn đón đọc Kỳ 2: Xây dựng chi bộ Đảng vững mạnh

Trần Thị Mỹ Hạnh
TAG:
Tin khác
An Giang: Quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
Lào Cai: Tập trung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
An Giang chú trọng tôn tạo, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
Đẩy mạnh trợ giúp, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người khuyết tật
Thành phố Long Xuyên: Đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn