Du lịch
Trang chủ / Văn hóa - Thể thao / Du lịch
Có một làng cổ Phước Tích huyền thoại bên dòng Ô Lâu thơ mộng…
12:55 PM 28/06/2021
(LĐXH ) - Chuyến trở lại thăm làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) vào những ngày đầu hè sau đợt bỏ giãn cách do dịch bệnh Covid - 19 năm 2021 dưới cái nắng chói chang, trong lòng tôi tràn ngập những yêu thương cùng nhiều ưu tư trăn trở. Cũng như những những người Huế xa quê khác, tôi có nhiều cảm nhận về quê hương và cũng rất nặng lòng với ngôi làng cổ yêu quý này…
Toàn cảnh làng cổ Phước Tích - Ảnh: Lê Lộc
Phước Tích là một ngôi làng cổ giàu giá trị văn hóa lịch sử, tọa lạc bên dòng sông Ô Lâu xanh mát. Chỉ mất 25 phút đi xe từ trung tâm thành phố Huế về phía Bắc là tới làng cổ Phước Tích.
Đây là vùng đất mà chúng ta có được nhờ đám cưới lịch sử của công chúa Huyền Trân và vua Chế Mân (Champa) vào thời nhà Trần, nơi mà cổ xưa được gọi là hai châu Ô, Lý. Chính vì lẽ đó, mà vết tích của người Champa vẫn còn nơi đây, với cây thị nghìn năm tuổi và miếu Quảng Tế là biểu tượng văn hóa thiêng liêng của người Chăm là Linga và Yoni.
                               Cây thị nghìn năm tuổi và miếu Quảng Tế
Cũng chính tại đây, nơi mà những ngày đầu vào trấn thủ vùng Thuận Hóa, Chúa Nguyễn Hoàng và những dòng họ trung thành đã nhìn thấy vùng đất thắng địa, cho xây dựng ngôi làng nổi tiếng với nghề làm gốm. Điều đó nói lên rằng Phước Tích là nơi có ý nghĩa to lớn với lịch sử của cha ông ta ngày trước cho đến tận ngày nay.
Từ năm 2009, làng Phước Tích được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia, được đưa vào bảo tồn và đây cũng như là điểm đến hấp dẫn cho du khách gần xa. Đến nay, làng Phước Tích không những không bị quên lãng mà còn được quan tâm xây dựng tu bổ từ các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân và địa phương.
Công nhận làng cổ Phước Tích – Di tích Quốc gia năm 2009
Nhờ đó, bộ mặt của làng được thay đổi mới khang trang bề thế hơn với những đường bờ kè ven sông, những con đường lát gạch vừa cổ kính vừa hiện đại. Những ngôi nhà cổ, những ngôi vườn cổ không còn bị bỏ hoang hay phải chuyển đổi chủ nhân. Thay vào đó, làng được dựng xây tu bổ tạo thành một quần thể tổng hợp mang đậm sắc văn hóa làng Việt.
Việc tu bổ và giữ gìn này, phần lớn nhờ vào con em trong làng, dù gần xa hay ở phương nào cũng góp sức mình để làm đẹp thêm cho quê hương.
Và thật lạ thay, vùng đất này lại sản sinh ra rất nhiều nhân kiệt. Vì là làng nghề nên không có ruộng, con em trong làng phải cố gắng học hành và đi làm ăn xa. Giờ đây trong làng hiếm thấy những người trẻ và trẻ con chơi đùa trong làng, mà chỉ còn lại những người đã xưa trầm mặc với thời gian.
Về với Phước Tích, được hít thở không khí trong lành và mát mẻ, không gian thanh tịnh với những đường đi núp dưới giàn hoa tigôn xanh mướt, để tận hưởng cảm giác được về với quê mẹ sau bao nhiêu năm xa cách. Về lại nơi đây, được ăn những món ăn dân dã đậm chất Huế, nghe những làn điệu hát đối của những người xưa, hay ở lại trong những ngôi nhà rường cổ với tuổi thọ hàng trăm năm tuổi và còn được bơi lội trong dòng nước ngọt ngào, bất chợt nhìn thấy chiếc thuyền lướt nhẹ đi trong ánh chiều vàng... Những khoảnh khắc và những hình ảnh tươi đẹp ấy không chỉ đã được đi vào thi ca, mà còn hiện hữu giữa đời thường khiến chúng tôi cứ mơ màng phải chăng đang ở trong giấc mơ cổ tích của thời thơ ấu.
Cũng chính nhờ tâm huyết của những người con trong làng, những giá trị văn hóa ấy đã được du khách gần xa biết đến. Điều đó khiến lòng người Phước Tích ai cũng dâng lên niềm tự hào.
Tuy nhiên, với mong muốn phát huy hơn nữa tiềm năng du lịch của làng cổ Phước Tích, chúng tôi vẫn thấy đâu đó còn sự thiếu nhịp nhàng trong phương cách tổ chức du lịch, vẫn muốn Phước Tích tỏa sáng và vươn xa hơn trên con đường hội nhập.
Trước hết, có thể thấy các hoạt động đón tiếp du khách dường như còn thiếu tính chuyên nghiệp. Dù đã có văn phòng tổ chức hay còn gọi là Ban Quản lý, tuy nhiên đội ngũ này còn vắng bóng những con người năng động và thành thạo ngoại ngữ, gây khó khăn cho những du khách vãng lai không theo đoàn và thiếu hướng dẫn viên hay người phiên dịch. Ban Quản lý của khu di tích cần đặt ở vị trí hợp lý hơn, thay vì là một nơi khó tìm kiếm như hiện nay. Chị Linh, một người dân làng Phước Tích hiện đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh tâm sự: Chưa có quảng bá rộng rãi, mặc dù cũng đã trải qua và tham gia nhiều kỳ Festival, nhưng các hoạt động của lang Phước Tích chưa mang tính đột phá, chưa có sản phẩm độc đáo, mang tính "làng nghề" mà mới chỉ mang tính tự phát cá nhân…
Về nội dung thuyết minh các giá trị văn hóa cũng như lịch sử của làng, còn thiếu sự đồng bộ giữa những những người đi trước và những người thuộc thế hệ trẻ. Một bên là đội ngũ quản lý trẻ, giàu sự nhiệt tình nhưng chưa được trải nghiệm cùng lịch sử và thời gian, một bên là những người lớn tuổi trong làng với sự chiêm nghiệm cùng năm tháng. Hai thế hệ này chưa cùng chung một tiếng nói để đưa ra một bài thuyết minh thống nhất, thiếu sự quan tâm các cấp một cách đúng nghĩa.
Bên cạnh đó, các hoạt động phối hợp giữa Nhà nước và địa phương còn thiếu nhịp nhàng, chi phí đón tiếp du khách còn mang tính tự túc, chưa được đầu tư thích đáng. Điển hình là việc tổ chức ẩm thực, biểu diễn nghệ thuật văn hóa làng truyền thống, tất cả đều nhờ hầu hết vào sự nhiệt tình của người dân nơi đây. Họ lấy việc phục vụ du khách, quảng bá thương hiệu cho làng là niềm vui, nên mọi hoạt động mới được diễn tiến tốt đẹp. Nhưng nhìn về lâu dài, phương thức này sẽ không còn hiệu quả nữa, rất khó để cứ đem của nhà chi ra mãi mà không không thu được lợi ích đáng kể, đó là chưa kể cần phải tái đầu tư để bảo tồn và phát triển.
                                        Chiều về bến vạn –  Ảnh: Lê Lộc
Ngoài ra, nghề gốm sứ truyền thống của làng cũng làm cho chúng tôi còn nhiều suy nghĩ. Với tên gọi là làng gốm sứ Phước Tích, nhưng hiện nay nghề gốm chưa mang lại thu nhập thích đáng cho con em trong làng, khả năng sản xuất còn nhỏ lẻ. Vì thế gốm sứ đã không thể giữ chân các nghệ nhân được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất quê hương giàu truyền thống này. Họ thường phải đi xa để làm ăn sinh sống, vì nghề gốm ở làng thực sự không được phát huy hiệu quả và khó lòng nuôi sống được ước mơ của họ.
Thêm vào đó, dù đi vào khai thác du lịch từ năm 2009, nhưng nhìn tổng thể, mọi hoạt động bảo tồn cũng như nâng cao giá trị du lịch của làng còn đơn thuần, nhỏ lẻ, chưa có những dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách như hoạt động bơi thuyền trên sông, tắm thiên nhiên, sống trong những nhà nghỉ homestay thuần Việt, hay được trải nghiệm cày cuốc lao động với nông dân… vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đối với những đoàn khách lớn, hay những lễ hội “về nguồn” để phát huy giá trị văn hóa dân tộc bao đời nay trên mảnh đất hào hùng này.
Ngoài ra, cách tổ chức du lịch cần gọn nhẹ và có khoa học. Ví dụ về phương thức đăng ký du lịch, cách mua vé sử dụng app hoặc Web app… vì những du khách đến đây dường như phải tự tìm tòi tham quan là chính. Theo ý kiến của người dân địa phương, đây chính là lý do lượng du khách đến đây còn chưa đông đảo như tiềm năng vốn có của khu di tích này. Bên cạnh đó việc quảng bá du lịch vẫn chưa được thực hiện một cách hữu hiệu, cụ thể vẫn chưa có những kênh truyền thông hay website chính thống bằng các ngoại ngữ để du khách có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin và hoạch định chuyến đi của mình một cách rõ ràng. Nhìn quanh các nước láng giềng trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Malaysia… họ tổ chức du lịch theo hình thức trải nghiệm, homestay và các làng nghề truyền thống rất hiệu quả. Đây chính là những điển hình chúng ta cần học hỏi để có thể phát huy và khai thác tiềm năng du lịch của Phước Tích. 
Hai năm trở lại đây, Việt Nam đang phải đối phó và vượt qua dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên, nếu có những bước phát triển đúng hướng và sự phối hợp nhịp nhàng của chính quyền địa phương, hi vọng vào một tương lai không xa, làng cổ Phước Tích sẽ là điểm nhấn cho tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và Miền Trung Việt Nam nói riêng.
Du khách ghé thăm làng cổ Phước Tích bằng trải nghiệm đạp xe
Nên chăng, chúng ta cần chú trọng đầu tư nhiều hơn cho một số hoạt động văn hóa để tạo tính đa dạng cho quá trình bảo tồn cũng như phát triển du lịch ở nơi này. Trước hết, cần có một ban quản lý chuyên nghiệp, năng động, nhiệt tình, táo bạo, và một đội ngũ nhân viên được đào tạo, lịch sự, hòa nhã trong hoạt động giao tiếp với cả khách trong nước và khách nước ngoài.
Thêm vào đó, cần gia tăng cũng như chi tiết hóa các biển chỉ dẫn, ít nhất bằng hai thứ tiếng Việt - Anh. Điều này làm cho du khách (nước ngoài) không cảm thấy có những khoảng cách về địa lý do vị trí của làng tương đối xa so với trung tâm thành phố Huế.
Về tổ chức hoạt động du lịch, cần thiết có những chiếc thuyền du lịch đầy đủ chức năng và đảm bảo an toàn trên sông Ô Lâu, có thể tái dựng lại những buổi tế thần trong truyền thống văn hóa lịch sử, hoặc tổ chức những buổi tối hò vè đối đáp trong thôn, làng. Làng nghề gốm thì có thể hoạt động theo hình thức cho du khách trực tiếp xem, trải nghiệm quá trình làm gốm.
Sau đó, du khách có thể mua hoặc tự tay làm, thiết kế ra một sản phẩm và đem về làm lưu niệm. Những vật nhỏ nhắn ý nghĩa ấy sẽ theo du khách đi khắp các nẻo đường, đến mọi phương trời Tây, Âu ... Điều đó sẽ lưu dấu những kỷ niệm khó quên cho những ai từng đến thăm và từng ở lại trong ngôi làng cổ Phước Tích bình yên bên dòng Ô Lâu thơ mộng và êm ả này.
Hoàng Bảo
                                                                                                              
 
TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Thúc đẩy kết nối giao thông thông minh tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên
Sun Life Việt Nam tổ chức mùa hai - Ngày hội bóng rổ High Hoops bật cao sức trẻ
Edwin Kiptoo và Hoàng Thị Ngọc Hoa là 2 nhà vô địch Giải Marathon Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh Techcombank Mùa thứ 7
Nghệ thuật múa Phương Đông - Đánh thức khí chất nữ thần bên trong bạn
Hồ Quỳnh Hương hội ngộ cùng học trò Myra Trần trong đêm nhạc “Sáng Đạo Trong Đời”
Các nhà vô địch giải Marathon quốc tế TP. Hồ Chí Minh Techcombank mùa thứ 7 lộ diện
Lan tỏa nhiều lợi ích tích cực từ Giải chạy Yen Tu Heritage 2024
Giải Marathon Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh Techcombank mùa thứ 7 khai mạc với số lượng vận động viên tham gia kỷ lục và nhiều hoạt động hấp dẫn
Tinder’s Year in Swipe™ 2024: Bật mí xu hướng hẹn hò trên Tinder năm 2024 và dự đoán tình yêu năm 2025